Một góc nhìn về người lính trên mặt trận mới

Nhà xuất bản Công an nhân dân vừa ra mắt bạn đọc tiểu thuyết 'Cồn Dương' của nhà văn Phạm Quang Đẩu. Đây là một tác phẩm mới về người lính, nhưng không phải viết về những trận đánh trên chiến trường chống quân xâm lược, mà là câu chuyện về người lính trên mặt trận xây dựng kinh tế.

Đây là một thách thức mới với bất kỳ người viết nào, vì giữa muôn hình vạn trạng của đổi mới cơ chế thì vấn đề phải như thế nào, cách giải quyết ra sao là cả một bài toán khó giải quyết. Ngay các nhà kinh tế lão luyện, qua học hành, qua trải nghiệm vẫn rất có thể thất bại trước một tình huống cụ thể. Nhà văn lại không phải là nhà kinh tế. Viết sao để cho “có chuyện” đã là khó, rồi “đứng” được thì càng phải đầu tư công sức, tâm huyết, trí tuệ để neo vào lòng người đọc.

Phạm Quang Đẩu đã chọn một bối cảnh mang tính ẩn dụ cao: Quai đê lấn biển để tạo ra một Cồn Dương-khu sinh thái kinh tế. Kiến tạo một vùng đất mới đã là thành tựu, ở đây còn tiến xa hơn là tạo ra một sinh quyển mới với sự đa dạng đời sống của các loài sinh vật, thì là một kỳ công. Hẳn nhiên, con người phải kỳ công trước hết.

Hai nhân vật Nguyễn Thắng và Doãn Quỳnh là hai sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiểu thuyết. Đấy là hai người lính vừa song hành vừa đối lập như hai cánh cửa mở ra bối cảnh không gian của thời kỳ đổi mới: Một đơn vị quân đội nhận nhiệm vụ tạo ra vùng Cồn Dương. Những tình huống, những mâu thuẫn, những sự đấu tranh và câu chuyện đời tư phức tạp xuất phát từ hai nhân vật này tạo ra kết cấu của tiểu thuyết cũng thực sự phức tạp.

Kỹ sư thủy sản Doãn Quỳnh vừa đỗ kỳ thi nghiên cứu sinh ở Liên Xô (trước đây) thì nhận giấy báo nhập ngũ. Rất tiếc một cơ hội làm tiếp đề tài khoa học đang nghiên cứu có triển vọng nhưng anh cũng vui vẻ lên đường. Nguyễn Thắng, cán bộ cùng cơ quan cũng vào bộ đội một ngày. Đấy là những ngày cả nước tràn đầy sôi nổi và sự quyết tâm đánh Mỹ (năm 1972). Mười năm sau, họ lại cùng trong một đơn vị quân đội làm kinh tế có nhiệm vụ khoanh vùng đất rộng 1.000ha để cải tạo trồng lúa hai vụ, nuôi cá nước lợ, nước ngọt. Trợ lý kỹ thuật Nguyễn Thắng được giao làm luận chứng kinh tế kỹ thuật. Ở môi trường mới Nguyễn Thắng và Doãn Quỳnh vừa hợp tác vừa đấu tranh đúng với tư cách và tư thế người lính: Thẳng thắn, quyết liệt, vững vàng quan điểm, tinh thần trách nhiệm cao. Nếu tiểu thuyết "neo" vào bạn đọc nhờ những chi tiết đắt giá, thì tiểu thuyết này làm được như vậy. Ví như xung quanh sự kiện “con cò thìa” bị chủ quán chuẩn bị “làm mồi nhậu” thì Nguyễn Thắng cùng một vài người bạn chung tiền mua lại rồi thả nó về với biển. Họ có chuyên môn nên biết đó là con vật có tên trong sách Đỏ. Chi tiết này nói lên sự hiểu biết khoa học, tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm cao trong công việc, sẵn sàng hy sinh vật chất cá nhân... Nhưng Doãn Quỳnh lại đứng về phía “thủ trưởng cục” phê bình họ vì vi phạm điều lệnh...

Song hành với các nhân vật chính là các nhân vật phụ như là sự tiêu biểu cho những người nông dân thiệt thòi, tự họ nghĩ, tự họ quai đê trong muôn vàn nỗi khó khăn nhưng lại bị một cơ chế lạc hậu như vít sâu số phận họ vào đất. Được sự đồng ý của cấp trên, họ bỏ tiền, bỏ của, bỏ công khoanh vùng lấn biển nhưng chính cấp trên lại “ra quyết định thu hồi” để “xây đập”... Có đền bù nhưng đâu thể xứng đáng. Để rồi chính họ chua chát và cay đắng tự nhận mình là “Dã tràng xe cát bể Đông...”.

Tương ứng với bối cảnh một vùng sinh thái biển mênh mang, khoáng đạt, đa dạng màu sắc, hình ảnh, tác giả sử dụng đắc địa bút pháp miêu tả của chất thơ. Những hình ảnh mới mẻ, hiếm gặp hiện lên, chồng xếp lên nhau như những câu thơ trong bài thơ thiên nhiên: Những con cua rạm, dã tràng, gọng vó... tất tưởi hối hả xây tổ; những con cầu gai, con choắt mỏ cong mải miết sục tìm giun ốc; những chú cà kheo chân dài, những chú cò như lơ đãng... Và biết bao loài giáp xác sò huyết, sò lông, ngao, hến... Rồi bao nhiêu loài cá lạ, cái tên đã thấy lạ như thòi lòi... Tất cả các loài động vật ấy được che chở bởi cả một rừng sậy, đước, sú, vẹt... Đó vừa là ngôi nhà của bao giống thủy sinh vừa là con đê vững chãi chắn sóng, chắn gió.

Công việc quai đê, trồng rừng, chăn nuôi từng loài tôm cá... cũng không hề suôn sẻ, dễ dàng. Có khi từ chính sách trên “dội” xuống, nhiều khi mang tính không tưởng, thiếu thực tế như “ưu tiên đất cấy lúa chống đói”. Đất nước lợ, chua phèn thì cấy lúa sao được? Rồi sự gay gắt va chạm của những quan điểm tiêu cực có, tích cực có từ trong nội bộ... Tiểu thuyết gióng lên một tiếng chuông: Sự chỉ đạo, nhất là trong kinh tế phải bám sát thực tế, từ nhu cầu thực tế. Xa thực tế, quan liêu sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng...

Khúc vĩ thanh của tiểu thuyết khép lại số phận các nhân vật một cách khá cổ điển, đó là người tốt thì may mắn, dù muộn mằn; nhưng cũng là sự mở ra một cách hiện đại với cảnh chân trời mới ngút ngát xa màu xanh sự sống của vùng sinh thái biển đầy hứa hẹn. Những cánh cò chấp chới bay lên. Lòng người cũng bay lên, rạo rực.

NGUYÊN THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mot-goc-nhin-ve-nguoi-linh-tren-mat-tran-moi-643050