Một góc nhìn về Quốc hội khóa XIV

Kể từ ngày 22-5-2016 ngày bầu cử Quốc hội khóa XIV, đến nay, một nhiệm kỳ đã sắp trôi qua. Nhìn lại, trong ngổn ngang công việc và ngổn ngang sự kiện, những đổi mới của Quốc hội vẫn nổi lên như những điểm nhấn của tiến trình cải cách và hội nhập.

Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Ảnh : LÂM HIẾN

Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Ảnh : LÂM HIẾN

Kể từ ngày 22-5-2016 ngày bầu cử Quốc hội khóa XIV, đến nay, một nhiệm kỳ đã sắp trôi qua. Nhìn lại, trong ngổn ngang công việc và ngổn ngang sự kiện, những đổi mới của Quốc hội vẫn nổi lên như những điểm nhấn của tiến trình cải cách và hội nhập.

Trước hết, Quốc hội đã thật sự vận hành như một thiết chế trung tâm của nền quản trị quốc gia.

Quốc hội là thiết chế trung tâm bởi vì tất cả các cơ quan nhà nước khác kể cả hành pháp và tư pháp đều hình thành trên cơ sở của Quốc hội. Người dân chỉ bầu ra Quốc hội. Đến lượt mình, Quốc hội mới bầu và phê chuẩn tất cả các chức danh lãnh đạo cao cấp khác của Nhà nước.

Quốc hội là thiết chế trung tâm còn bởi vì Quốc hội kết nối Nhà nước với nhân dân. Nhìn từ góc độ của người dân thì Quốc hội là một phần của Nhà nước. Nhưng nhìn từ góc độ của các cơ quan Nhà nước thì Quốc hội lại là một phần của nhân dân. Tính chất đặc biệt này cũng thể hiện rất rõ trong các chức năng của Quốc hội. Khi thực hiện các chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát, thì Quốc hội vận hành như một cơ quan Nhà nước. Nhưng khi thực hiện chức năng là cơ quan đại biểu (đại diện) cao nhất, thì Quốc hội vận hành như một bộ phận của nhân dân. Sự kết hợp chặt chẽ cả các chức năng nói trên giúp cho Quốc hội định hướng cả nền quản trị quốc gia vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng thật sự vì lợi ích của nhân dân. Trong nhiệm kỳ vừa qua, chức năng đại diện đã thật sự dẫn dắt cả hoạt động lập pháp cũng như hoạt động giám sát của Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội đều phát biểu tại nghị trường trên cơ sở ý kiến của cử tri hoặc vì lợi ích của cử tri.

Quốc hội là thiết chế trung tâm còn bởi vì Quốc hội là diễn đàn số một của quốc gia. Đây là nơi thông qua hoạt động báo cáo, thảo luận và chất vấn, mọi vấn đề quan trọng nhất của đất nước đều được nhận biết, mọi phản ứng chính sách đều được hình thành. Với chức năng diễn đàn, Quốc hội đã làm cho chính sách, pháp luật trở nên minh bạch. Lợi ích nhóm ẩn sau các con chữ nhờ đó đã được giảm thiểu hoặc được loại trừ.

Trong hoạt động lập pháp, Quốc hội đã coi trọng hơn chất lượng của các dự luật. Nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã thẩm định các dự luật một cách kỹ càng hơn. Đây là khoảng thời gian, số lượng các dự luật bị tạm hoãn thông qua, bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự nhiều nhất. Có thể kể ra đây hàng loạt các dự luật bị tạm hoãn như Luật Quy hoạch, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự như Luật Hành chính công. Tâm lý làm luật theo kế hoạch đang dần được khắc phục. Chương trình xây dựng pháp luật đã được điều chỉnh linh hoạt và phù hợp hơn. Thật ra, lạm dụng điều chỉnh không phải bao giờ cũng tốt. Một đạo luật chỉ tốt khi chính sách lập pháp được đề ra đúng đắn, giải pháp lập pháp được đề ra hiệu quả và khả thi. Những đạo luật kém chất lượng không chỉ làm cho quy trình quản trị bị rối loạn, mà còn làm phát sinh những chi phí khổng lồ cả cho việc thực thi của các cơ quan Nhà nước, cả cho việc tuân thủ của các doanh nghiệp và những người dân. Đó là chưa nói tới việc những quy định mù mờ của các đạo luật còn trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự nhũng nhiễu và tiêu cực phát sinh. Chính vì vậy ban hành nhiều đạo luật kém chất lượng là một thảm họa, chứ không phải là một thành tựu.

Trong hoạt động giám sát, trách nhiệm giải trình đã được đề cao. Các phiên chất vấn sôi động của Quốc hội đã giúp cho các chính sách giải trình một cách thấu đáo hơn. Chương trình sách giáo khoa đang được triển khai như thế nào; Rừng nguyên sinh đang được bảo vệ ra sao; Đầu tư công tại sao giải ngân chậm... là vô số các vấn đề quan trọng của đất nước đã được làm rõ. Chất lượng giải trình được tăng lên đáng kể ở các phiên chất vấn và thảo luận ở Quốc hội là nhờ vào việc tranh luận được đề cao. Nhờ có cải tiến về thủ tục, nên việc tranh luận ở các phiên toàn thể của Quốc hội cũng diễn ra dễ dàng hơn. Cụ thể, để phát biểu hoặc chất vấn thì các đại biểu bấm nút đăng ký điện tử, nhưng để tranh luận thì các đại biểu lại giơ bảng xin tranh luận.

Như đã nói ở trên những đổi mới về quy trình thủ tục của Quốc hội cũng rất đáng được ghi nhận. Lần đầu tiên ở nước ta và, có lẽ, ở cả trên thế giới, Quốc hội đã họp trực tuyến. Việc họp trực tuyến giúp Quốc hội vừa phòng tránh dịch Covid-19, vừa không để hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở nước ta bị gián đoạn. Cách làm này cũng giúp tiết kiệm hơn về thời gian, tiền bạc và công sức cho các vị đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, một vài điều băn khoăn ở đây thì vẫn còn.

Trước hết, do các đại biểu được bầu theo tỉnh nên xu hướng đại diện cho lợi ích của các tỉnh vẫn còn khá rõ. Đấu tranh cho lợi ích của các tỉnh không có gì sai, tuy nhiên lợi ích của quốc gia bao giờ cũng quan trọng hơn.

Thứ hai, do rất nhiều đại biểu Quốc hội được bầu lên theo cơ cấu, nên động lực đại diện cho ngành nhiều khi có thể áp đảo nghị trường. Những tranh luận giữa các vị đại biểu Quốc hội với nhau trong các phiên chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội vừa qua cho chúng ta thấy rất rõ điều này.

Ngoài ra, sự thay đổi khá thường xuyên các quy định về thủ tục liên quan đến hoạt động chất vấn, thảo luận ở nghị trường cũng có thể gây ra lúng túng cho các vị đại biểu và các Bộ trưởng. Quy trình, thủ tục của Quốc hội là công nghệ thực thi quyền lực của Quốc hội. Những sửa đổi ở đây quả thật cần phải được cân nhắc rất kỹ và được thông qua như những quy định của luật về thủ tục.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chinh-tri-hangthang/mot-goc-nhin-ve-quoc-hoi-khoa-xiv-634343/