Một góc tâm linh Việt!
Có nhiều căn cứ khẳng định Phật giáo truyền trực tiếp từ Ấn Độ vào nước ta từ đầu Công nguyên. Bắt rễ vào mảnh đất văn hóa Việt, dung hòa với tính cách dân tộc và một số tôn giáo ngoại lai cũng như bản địa khác, Phật giáo ở Việt Nam mang tư tưởng nhập thế rất rõ nét: 'Đạo pháp bất ly thế gian pháp'.
Trong tín ngưỡng người Việt có hệ thống các đấng tối cao là Trời, Ngọc Hoàng, Thượng đế, Ông Xanh, Tiên, Bụt… thì ông Bụt bình dân và gần gũi với con người hơn cả, nhất là với những con người nghèo khổ, bất hạnh.
Phật giáo thẩm thấu rất sâu vào mỗi gia đình Việt để rồi trở thành một thành viên, thành một con người vừa cụ thể, vừa trừu tượng, vừa gần gũi thân quen vừa thành kính thiêng liêng nên tục ngữ có câu "Phật trong nhà không thờ lại đi thờ Thích Ca ngoài đường". "Phật trong nhà" ở đây là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị đáng kính, đáng học, đáng chiêm ngưỡng tôn thờ.
Còn "Thích Ca ngoài đường" là những gì có thể chỉ là danh chứ không thực tế. Lại có khái niệm "chân tu" theo cách của mình: "Tu đâu không bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu". Họ coi nhà mình là chùa, cha mẹ mình là Phật, do vậy "chân tu" đích thực là thờ cha kính mẹ. Thế nên "Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa".
Dân gian có câu "Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt" có nghĩa là đất của vua, chùa của làng, phong cảnh của Bụt. Phong cảnh của Bụt tức là cảnh đẹp theo phong cách nhà Phật an lạc, hài hòa, yên bình, êm đềm. Như vậy tư tưởng Phật giáo còn ảnh hưởng, chi phối đến cả quan niệm thẩm mỹ của người Việt.
Từ "Niết bàn" (nirvara) quen thuộc có nghĩa từ nguyên là "dập tắt, không ham muốn", nơi "niết bàn" là nơi thánh thiện, trong sáng tuyệt đối, không còn một sự khổ đau nào nữa. Phật chủ trương con người phải "giác ngộ" để đạt tới trạng thái "tâm bất biến/ Giữa dòng đời vạn biến". Do vậy mỗi người phải tự mình rèn luyện. Phật không ở đâu xa mà ở ngay trong tim mình (Phật tại tâm). Vua Trần Thái Tông (đời Trần) nói: "Núi vốn không có Phật. Phật ở nơi tâm. Tâm lặng lẽ sáng suốt ấy là chân Phật".
Ba tông phái Phật giáo truyền sang Việt Nam là Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông, phù hợp với tính cách văn hóa bản địa mà Thiền tông cắm rễ sâu, bền chắc hơn. "Thiền" tức "thiền na" (Dhiana) nghĩa là "tĩnh tâm", tức tập trung trí tuệ để tự tìm ra chân lý.
Ngày nay, Phật giáo đang ảnh hưởng lớn đến thế giới đương đại, (hầu như ngành khoa học xã hội và nhân văn ở các nước đều có bộ môn/ chuyên ngành chuyên nghiên cứu về Phật giáo), bởi có một nguyên nhân nằm trong chính tính chất đặc thù của Phật giáo là các yếu tố cơ bản của giáo lý tình thương "Tứ vô lượng tâm": Từ (khả năng hiến tặng niềm vui, hạnh phúc cho người khác), Bi (khả năng làm vơi đi và chuyển hóa nỗi khổ), Hỷ (từ tình thương đích thực sẽ đem đến niềm vui tới người khác), Xả (sự nhẹ nhõm, thư thái, khoan hòa).
Khái niệm "từ bi" được coi là căn cốt của giáo lý Phật giáo: "Thương yêu chúng sinh, mang lại cho họ niềm an lạc, vui sướng gọi là Từ. Đồng cảm với nỗi khổ và làm cho chúng sinh bớt khổ là Bi". Trong cuộc đối thoại văn hóa toàn cầu thì khái niệm này được coi là tiền đề để các bên tham dự ứng xử một cách văn hóa nhất.
Trái đất đang đứng trước tình hình cấp bách của thời tiết cực đoan, nhiệt độ ngày một cao, rừng bị triệt phá, môi sinh bị ô nhiễm nghiêm trọng, tình trạng sa mạc hóa diễn ra ở nhiều nơi… Để góp phần ngăn chặn nguy cơ ấy, một chuyên ngành mới ra đời là "triết học môi trường" chuyên nghiên cứu cái bản nguyên của thế giới là thiên nhiên, đặt nó trong mối quan hệ tác động, ảnh hưởng, chi phối đến cuộc sống và con người từ trước đến nay. Nhân loại đã đi qua một chu kỳ lịch sử dài bây giờ lại quay về với triết lý phương Đông cổ xưa "thiên địa nhân hợp nhất".
Người ta kêu gọi hãy coi cây xanh và thú vật (cả thú nuôi và thú hoang dã) như con người, bảo vệ nó như con người vì thiếu chúng loài người đứng trước nguy cơ không tồn tại. Điều này lại cho thấy tư tưởng không sát sinh của Đức Phật đã đi trước thời đại cả mấy ngàn năm. Nhân loại tiến bộ đang kêu gọi chống chiến tranh, muốn vậy phải tìm ra nguyên nhân gây ra.
Người ta đã tìm thấy điều ấy trong thuyết Duyên Khởi khi thuyết này cho rằng con người thích chiến tranh vì không biết dựa vào nhau mà sống, "mà trong lẽ phải có người có ta", lợi ta thì cũng phải để người lợi. Con người không biết coi trọng sự hòa giải, không tôn trọng sinh mệnh kẻ khác, thế là vừa thiếu trí vừa thiếu tâm. Cho nên nhân loại phải lấy phương châm "cứu độ chúng sinh" của nhà Phật làm bài học lớn để ngăn chặn, loại trừ khả năng chiến tranh để trái đất này xanh tươi trở lại.
Sống có nghĩa là khát vọng. Xét đến cùng, tôn giáo nào cũng là sự kết tinh của khát vọng con người rồi được thể hiện ở hình tượng vật chất. Tháp chuông của nhà thờ đạo Công giáo bao giờ cũng cao vút chẳng phải là biểu trưng cho sự hướng tới cái cao cả thánh thiện sao? Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay chẳng phải là biểu tượng rất sinh động cho tư tưởng "cứu độ chúng sinh" sao? Có nghìn mắt để nhìn thấy mà thấu hiểu và thấu cảm nỗi khổ trầm luân của chúng sinh. Có nghìn tay để cứu vớt con người khỏi bể trần ai!
Hình tượng ông Bụt trong truyện cổ tích cũng chính là hiện thân cho sự khát vọng chính nghĩa, công lý giúp đỡ người nghèo, người bất hạnh, cô đơn... Cô Tấm (Tấm Cám) mỗi lần gặp tai ách khổ nạn là được Bụt hiện lên cứu giúp. Nghe thấy tiếng thở dài phiền não của anh chàng nghèo khổ phải đi kiếm cây tre trăm đốt mới cưới được vợ, Bụt bèn hiện ra giúp anh thành công (Cây tre trăm đốt)… Bụt đã mang hạnh phúc đến cho cô Tấm, cho anh chàng nông dân nghèo…
Thời nay, du xuân lễ chùa là một phong tục đẹp được rất đông người Việt lựa chọn. Người ta quan niệm rằng vào chùa sẽ được tiếp nhận linh khí trời đất, nhà Phật sẽ ban cho sự bình an, sung túc, may mắn. Đó là khát vọng đáng quý. Người ta tất bật nhộn nhịp sắm lễ. Người ta chen chúc vội vàng khấn vái. Người ta đua nhau hối hả đốt vàng mã. Người ta nhét tiền vào tượng Phật.
Có kẻ thiếu lòng tin rằng tay Phật sẽ không cầm chắc được bèn nhét tiền vào mồm Phật đang cười cho yên tâm… Như thế là báng bổ vào nhà Phật mà không chịu biết rằng chính Phật đã dạy là "Phật tại tâm" nghĩa là Phật ở trong lòng mình.
Tự rèn cho mình một tấm lòng thanh sạch, không tham lam, không nghĩ điều ác… tức là đã có Phật bên trong. Đi lễ chùa là để hướng cái tâm đến miền thanh tịnh hơn, cho nên chỉ cần đến chùa làng, gần nơi mình ở. Một cốc nước trong thành tâm, một hành động cúi đầu tưởng nhớ, suy ngẫm trước bàn thờ Phật, để được có cảm giác cởi bỏ những ưu tư mà vươn tới thế giới Niết bàn. Đến với Phật là đến bằng tấm lòng thành, đừng "thương mại hóa" bắt Phật phải nhận sự dung tục tầm thường! Vả lại triết lí nhà Phật dạy người ta không được "tham", "sân", "si" để cùng nhau nghĩ cách "cứu độ chúng sinh" làm giảm bớt số người nghèo khổ. Phật không dạy, càng không yêu cầu đến với Phật phải có lễ nghĩa vật chất. Trái với điều ấy là đi ngược với giáo lí cực kỳ nhân đạo của nhà Phật.
Cả Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo Việt Nam đều coi trọng yếu tố tinh thần, con người phải tự giáo dục, rèn luyện thì mới thành công chứ không hề dạy phải nương tựa vào vật chất. Vua Trần Nhân Tông được phong "Phật hoàng" không chỉ là người lập ra trường phái Trúc lâm Yên Tử ở Việt Nam mà cái chính là tấm gương về sự rũ bỏ vật chất phàm tục để hướng tới cái tuyệt đối thanh sạch, thư thái, an lành.
Ngai vàng là thứ mà cả thiên hạ tranh giành, thậm chí cha con, anh em ruột thịt còn hãm hại, chém giết nhau để chiếm giữ. Thế mà sau khi giúp nước sạch bóng ngoại xâm, đất nước thái bình, tức đến lúc hưởng thụ thì ông nhường chức vị để đến với Phật. Phải là một tư tưởng lớn, một bản lĩnh lớn và một tình yêu lớn mới có hành động cả thế giới nghiêng mình như vậy.
Thực ra, nạn cúng tiền "hối lộ" thần Phật chỉ nở rộ từ khi nước ta chuyển sang kinh tế thị trường. Thế là số ít người sống ở thời văn minh trí tuệ cao lại sa vào "bể khổ" do "ái dục" và "vô minh" mà Phật Tổ đã cảnh tỉnh từ hàng ngàn năm trước!
Đốt vàng mã cũng không có trong giáo lý Phật. Tín ngưỡng này do ảnh hưởng của yếu tố Đạo giáo phù thủy (Trung Quốc cổ đại) cùng quan niệm bùa chú ma thuật truyền vào nước ta từ thế kỷ II…
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/mot-goc-tam-linh-viet-581531/