Một góc Thanh
Trên tay tôi trĩu, đằm cuốn sách ảnh khổ lớn của Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Đàm vừa gửi tặng. Nếu không lầm thì đây là cuốn thứ mười lăm. Và nữa, 4 cuộc triển lãm cá nhân và cách đây dăm năm, tay máy xứ Thanh NSNA Trần Đàm có tên trong Hội NSNA Quốc tế…
Một quá vãng thương mến bất chợt giăng mắc… Bồi hồi nhớ giữa những năm tám mươi, vô Thanh làm cái vụ Hà Trọng Hòa. Để tránh những phiền toái này khác và an toàn cho việc điều tra, những Hồ Thu Hiền, Mạnh Việt, Trung Hiền và tôi (chia làm nhiều đợt, nhiều chuyến khác nhau) thay phiên lang thang lúc ẩn khi hiện dài ngày ở xứ Thanh. Thời gian lâu nhất là cắm chốt ở thị xã Thanh Hóa. Đâu có được đàng hoàng ở nhà khách của tỉnh mà dặt dẹo vật vờ ở những cơ sở, nơi cung cấp nguồn tin mà bọn tôi có trách nhiệm phải thẩm tra sàng lọc chán chê. Một trong những nơi trú ấm áp an toàn ấy là nhà một người quen của ông Thư ký Tòa soạn báo Thanh Hóa kiêm phóng viên ảnh Trần Đàm.
Cái máy ảnh, gọi là chuyên dụng cho oai, cái Pratika thuở ấy của Trần Đàm đâm được nhiều việc. Những bản chụp lại tài liệu, nhân chứng làm chứng cớ đã giúp chúng tôi gỡ được kha khá những bối rối để tự tin bắt tay vô việc. Và không thể không kể đến hũ ngâm vội thứ dược thảo đinh lăng khét mù của Trần Đàm bê đến ngôi nhà tĩnh lặng kín đáo của một cơ sở đã kết nối bao tình thân cùng nhiều sự đồng cảm mà sau này một số là cộng tác viên của báo Tiền Phong. Có khá việc để nhờ cậy Trần Đàm. Lão đều gật. Nhưng lại nhờ vài đệ khác đắc lực. Một trong những đệ đó sau này trên các diễn đàn của Quốc hội rất nhiều cử tri từng bày tỏ mối thiện cảm mỗi khi phát biểu. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ? Đó là ĐBQH Lê Nam! Rất lâu anh em chúng tôi luôn găm giữ mãi, cảm mãi cái tình và gì nhỉ, gọi là nghĩa khí nghĩa hiệp cũng được. Bởi khi ấy nếu nhà chức việc xứ Thanh phát hiện phát giác ra cái mối dây nhợ với đám phóng viên Hà Nội vô Thanh hành nghề chống tiêu cực là gánh ngay không ít những rắc rối thậm chí liên lụy những hậu quả chả tốt lành gì!
Rồi đận ấy đi với NSNA Mai Nam vô Thanh. Nơi dừng chân lâu nhất vẫn là phía Bắc cầu Hàm Rồng. Nơi ấy là một cõi đi về của phóng viên ảnh báo Tiền Phong Mai Nam những năm tơi bời bom Mỹ. Khác đa số phóng viên Hà Nội vào chiến trường Khu Tư nếu hành nghề ở tọa độ bom Hàm Rồng thường cứ chăm chắm phía bờ Nam nơi từng lóe sáng các điển hình Nguyễn Thị Hằng, Ngô Thị Tuyển… và việc bảo vệ cũng như hậu cần cũng có nhinh nhỉnh hơn túi bom ở bờ Bắc Hàm Rồng; Mai Nam đã chọn đã bám tại tọa độ đó nhiều đợt, nhiều ngày. Sự say nghề cùng can đảm đã không phụ công người phóng viên chiến trường Khu Tư. Tấm ảnh huyền thoại Đi trực chiến của Mai Nam chụp cô dân quân bờ Bắc cầu Hàm Rồng Nguyễn Thị Hiền đã đoạt giải thưởng quốc tế…
Vẫn chuyến đi thăm lại chiến trường xưa ấy, NSNA Mai Nam đã dẫn anh con trai Hồng Vĩnh, phóng viên ảnh báo Tiền Phong và tôi gặp lại nhân vật năm xưa trong tấm ảnh. Nụ cười và nước mắt trong ngày gặp lại cũng có một chút ngậm ngùi bởi có người nhắc đến chuyện cũ… Ấy là chi tiết cô dân quân Nguyễn Thị Hiền thuở ấy chuẩn bị được phong danh hiệu Anh hùng LLVT thì một lãnh đạo ngáng lại rằng có ý kiến phản ánh cô Hiền từng có chuyện… luyến ái quan không đúng đắn!
Biết NSNA Trần Đàm có mối quan hệ trên cả quen biết với NSNA Mai Nam, cuối chuyến đi, tôi điện cho lão. Nhưng tít mù đầu dây bên kia hối hả những âm thanh tiếc nuối rằng lão đang đi sáng tác tận Sa Pa.
Đêm đó ở nhà khách tỉnh, chuyện trò hồi lâu, tôi nánh về phòng mình sợ quấy phiền giấc ngủ của NSNA Mai Nam. Nhưng câu chuyện của ông lão chừng như níu tôi lại bởi một hồi ức…
Ấy là cuối những năm chín mươi, Hội NSNA Việt Nam băn khoăn là xứ Thanh, một vùng đất mênh mang những địa linh cùng nhân kiệt như thế mà đương thiếu vắng một hội viên Hội NSNA cũng như một chi hội của Hội NSNA! Bàn đi tính lại, ông Tổng thơ ký Hội Lê Phức nhờ cậy NSNA Mai Nam giành thời gian lo việc này. NSNA Mai Nam chợt nghĩ ngay đến chất lượng những bức ảnh của Trần Đàm phóng viên báo Thanh Hóa cùng những lần từng gặp gỡ… Liệu có thể nâng cấp tay máy thông tấn Trần Đàm lên chất lượng một tay máy nghệ thuật? Ông thu xếp việc vuột hẳn vô Thanh.
Trần Đàm sung sướng trưng tất tật vốn liếng của mình theo yêu cầu của ông thầy Mai Nam. Rồi Trần Đàm ngỡ ngàng khi ông đặt vấn đề là bố trí cho ông cùng đi sáng tác. Địa điểm do Trần Đàm chọn. Mấy khi được song hành, được hầu một NSNA danh tiếng như Mai Nam nên Trần Đàm hào hứng lắm. Địa bàn miền núi Thanh Hóa lắm địa danh người cùng cảnh níu chân bắt bắt nên hai thầy trò mê mải hơn nửa tháng!
Đang say việc thì Trần Đàm tiếp được điện là có NSNA danh tiếng Đào Hoa Nữ vốn là chỗ quen biết từ Sài Gòn ra đang có mặt ở Thanh Hóa đang ghé thăm Trần Đàm. Ngó vẻ mặt thất thần vì tiếc của Trần Đàm, NS Mai Nam cởi mở, nếu bà ấy bố trí được thì mời… thượng sơn xứ Thanh luôn? Được lời như cởi tấm lòng, Trần Đàm thu xếp nhoay nhoáy cái việc đón tay máy Đào Hoa Nữ phương Nam ngược miền rừng Thanh Hóa.
Thế là vô tình Trần Đàm gặp luôn hai cái hên. Được hai nghệ sĩ tầm cỡ mét (Maitre- bậc thầy) kèm cặp suốt hơn một tháng trời.
Đến khi bầy ra những tấm hình màu lẫn đen trắng và những khen chê của nhị vị tiên chỉ trong làng thì tay máy thông tấn Trần Đàm mới vỡ ra cái lẽ rằng, tại sao suốt cả chuyến đi ông thầy cùng bà thầy luôn ân cần lẫn riết róng và tỷ mỷ chi ly cái việc hành nghề đến như vậy? Thì ra các thầy đang thử đang khiển tay máy Trần Đàm từ kỹ thuật, góc độ bấm máy để có để đạt được các hiệu ứng chất lượng của tấm hình… Rằng ảnh thông tấn và ảnh nghệ thuật, mỗi lĩnh vực đều có giá trị riêng của nó. Nhưng phàm ảnh nghệ thuật nó na ná như cái anh viết thư pháp vậy! Phải nắm vững kỹ thuật ngữ nghĩa của thứ chữ tượng hình thì mới biến ảo nâng cấp lên thành thứ thư pháp?
Lần thượng sơn cùng hai thầy ấy như cú hích quan trọng để tay máy Trần Đàm nâng dần chất lượng ảnh nghệ thuật.
Cụ thể là những ấn phẩm, những triển lãm cá nhân để ứng và xứng với danh hiệu Hội viên của Hội NSNA Việt Nam.
… Lại ngồi với nhau. Sáu mươi, sáu lăm rồi bảy mươi bảy lăm và giờ tám mươi. Ở những trật tuổi ấy Trần Đàm vẫn xách máy mải miết ở những xó xỉnh của xứ Thanh. Nhiều bận ghé nhưng không gặp. Mà giờ, mái đầu đã bồng bềnh trắng tự khi nào? Mà chừ cặp giò tuổi bát tuần giời cho vẫn mải miết sải? Một tay máy thông tấn Trần Đàm về báo Thanh Hóa từ năm 1972. Thuở ấy bộ ba ảnh thông tấn Trần Đàm, Hữu Thọ (không phải Hữu Thọ ở báo Nhân Dân) Nguyễn San không tuần nào vắng trên tờ nhật trình xứ Thanh nay còn lại mỗi Trần Đàm bồng bềnh tóc cước. May vẫn có, vẫn còn mảng màu Trần Đàm hòa cùng sắc độ của tay máy những NSNA Phạm Công Thắng, Phạm Phú Thang… làm nên gam màu riêng có của xứ Thanh. Nhưng vẫn không nhòa không lẫn cái nét riêng Trần Đàm, cái thương hiệu Trần Đàm. Trần Đàm như một góc xứ Thanh. Góc ấy hun hút. Chịu khó bước vào sẽ lần lượt và bất ngờ òa vỡ ra nhiều sắc độ độc đáo như hiệu ứng của thứ ống kính vạn hoa. Con số cộng hàng vạn tấm ảnh cùng năm tháng cầm các loại máy ảnh không làm nên tên tuổi Trần Đàm. Mà phải có nét riêng chi đó mà ông thầy, NSNA Mai Nam đã nhìn ra đã phát lộ và mang bố cáo với công chúng từ những năm xa ấy? Với tôi từng hoang mang lúng túng bởi kiếm đâu ra tấm ảnh TBT Lê Duẩn vỗ vai ông Đắc Bí thư Đảng ủy HTX Định Công năm 1978? Rồi mảng màu góc độ nào làm nên một sương khói Pù Luông? Vv... Nhưng đã thở phào nhẹ người như bắt được của khi tìm đến cái góc Thanh của Trần Đàm.
Mấy năm nay chừng như thứ giải lao giữa các hiệp đấu (và có thể là hơi bị bất lực bởi không thể tìm được tìm ra thứ chất liệu thể loại gì để thể hiện?) lão lần lượt cho ra mắt hai tập thơ và một tập chân dung bạn viết xứ Thanh. Khoan hẵng bàn về những thứ ấy, với tôi tỷ mẩn đọc cho hết chợt thấy bừng lên một thứ hiệu ứng khác của cái tình người! Chợt đăng đắng cái câu dân xứ Thanh hay mất đoàn kết nữa là cánh viết lách ảnh ung với nhau!? Nhưng đọc kỹ đọc hết chỉ hiển hiện một ông chồng Trần Đàm hết mình với vợ con gia đình (hình như lão khéo tôn vinh bà vợ suốt đời nuôi chiều lão chồng quanh năm xách máy chạy rông và lần hầu bao cho lão chi dùng vào cái sự ảnh?) và bè bạn. Một NSNA Trần Đàm danh này, tước nọ đầu bạc đang xuề xòa thân thiết bá vai bá cổ quây quần với các bậc viết già trẻ nhớn bé. Bởi rất nhiều anh em bạn bè viết xứ Thanh, nhiều người mình đã gặp đã biết sao khi đọc Trần Đàm mới hiểu thêm mới giật thột ra những tầng vỉa bất ngờ của cái tình? Gẫm mãi cũng phần nào cắt nghĩa vì sao lão lại được bạn quý vợ… yêu đến vậy?
Trở lại cuốn sách ảnh vừa được NSNA Trần Đàm tặng có tên Nơi chim hạc cất cánh. Chắc có lẽ sợ người coi lạc bước nên Trần Đàm đã níu áo họ bằng việc tạm chia ra làm các mục như Non nước hữu tình, Diện mạo mới, thành tựu mới và chân dung… Cũng là cái cách biên tập ngăn ô hợp lý cho hàng trăm bức ảnh khi gom vào một cuốn sách dẫu dày. Và cũng là cái cách để người coi liên tưởng đến một dạng giao hưởng gồm 4 chương bằng… hình ảnh của Trần Đàm, khi muốn giới thiệu về thành phố Thanh Hóa. Thành phố mang biểu tượng huyền thoại chim hạc. Hơn 200 năm trước vua Gia Long đã theo bầy hạc từ Gia Miêu Ngoại trang về Thiệu Dương (thủ phủ đất Cửu Chân xưa) rồi sà xuống mảnh đất nơi thành phố Thanh Hóa bây giờ.
Vẫn là một thứ gắng sức mới của Trần Đàm góp thêm cho một góc Thanh riêng ông.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/mot-goc-thanh-1648480.tpo