Một gương mặt trí thức của chế độ mới
Đó là Giáo sư (GS), Tiến sĩ (TS) Hà Chu Chử, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam.
Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở Thái Phúc, Thái Thụy, Thái Bình. Cha làm nghề dạy học, rồi bị trọng bệnh mất sớm, ngày đó cậu bé Chử thông minh, sáng dạ hàng ngày đi học trường làng còn vất vả phụ giúp mẹ trong công việc đồng áng. Chiến tranh lan đến Thái Bình, Hà Chu Chử có nguy cơ phải bỏ dở việc học hành. Thế rồi có một biến cố đã đưa cậu bé 15 tuổi ấy rời quê. Đầu năm 1953, một người anh họ là chuyên viên Khí tượng đi kháng chiến bị Pháp bắt giam, sau ra tù tá túc ở lại Hà Nội. Được sự khích lệ của mẹ: Con hãy đi xa để tiếp tục học nên người, thế là cậu theo vợ con người anh lên Hà Nội, vừa kiếm sống, vừa học. Ban đầu cậu học trường tư, sau lên trung học đỗ vào trường nổi tiếng đất Hà thành là trường Chu Văn An. Hòa bình lập lại trên miền Bắc, cuối năm 1956, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ra đời, tuyển sinh khóa đầu tiên. Anh tài của các trường trung học có tiếng từ Trung Trung Bộ trở ra kéo nhau về thủ đô để dự kỳ thi đầu tiên đào tạo kỹ sư nhiều chuyên ngành trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cuộc thi “1 chọi 10”, Hà Chu Chử trong số 105 thí sinh đỗ chính thức vào khóa 1 của Khoa Hóa.
Ngày ấy tuy cơ sở vật chất của ngôi trường đại học vừa được thành lập sau chiến tranh còn nhiều thiếu thốn, hạn chế, nhưng những người thầy thì đều là những trí thức tinh hoa của đất nước. Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa là GS Tạ Quang Bửu. Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Hóa, GS Phạm Đồng Điện cũng là một nhân vật cự phách (sau này ông lên hiệu trưởng).
Sinh viên khóa đầu của trường Bách khoa đã được sàng lọc kỹ về học lực, vào trường họ đều có chung đức tính chăm chỉ, khiêm tốn và ý chí vươn lên nắm bắt những kiến thức khoa học kỹ thuật mới. Hà Chu Chử cùng nhiều bạn ở nội trú tại các dãy nhà tranh của Đông Dương Học Xá gần cổng phố Bạch Mai… Thế rồi sau 3 năm học, ban giám hiệu lựa chọn một số sinh viên có thành tích học tập tốt nhất đưa sang Liên Xô học tiếp các chuyên ngành mà nước ta thời đó chưa đào tạo. Tháng 9/1959, Hà Chu Chử trong số 14 sinh viên giỏi của khóa lần đầu xuất ngoại và anh được phân công học ngành kỹ thuật hóa lâm sản, Học viện Lâm nghiệp Lêningrat. Năm 1962 tốt nghiệp bằng đỏ, anh được giữ lại trường, chuyển tiếp nghiên cứu sinh phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ). Đến cuối năm 1965, dưới sự hướng dẫn của thầy A.K.Slavianski, luận văn “Nghiên cứu quy trình công nghệ nhiệt phân một số loài gỗ Việt Nam” của nghiên cứu sinh Hà Chu Chử được Hội đồng khoa học Học viện đánh giá xuất sắc, trong đó anh đã dùng sắc ký khí để phân chất, xác định được 240 chất hữu cơ trong các loài gỗ nghiên cứu, cũng khẳng định gỗ lá rộng vùng nhiệt đới Việt Nam có nhiều khác biệt hóa học với gỗ lá kim vùng ôn đới Liên Xô.
Về lại trường cũ, TS Hà Chu Chử dạy bộ môn Hóa học gỗ-xenluloza. Thời kỳ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Tổng cục Lâm nghiệp đứng đầu là nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Tạo, đã tăng cường quản lý và khai thác tài nguyên rừng tự nhiên, ngành hóa lâm sản cùng các loại đặc sản rừng ngoài gỗ cũng được chú trọng phát triển. TS Hà Chu Chử dường như có mối lương duyên với ngành lâm nghiệp. Kỹ sư lâm học Thái Văn Trừng được đào tạo từ thời Pháp thuộc, có công trình khoa học đạt trình độ quốc tế về “Diễn thế rừng tự nhiên Việt Nam”, nước bạn Liên Xô mời sang đặc cách bảo vệ tiến sĩ(nay là tiến sĩ khoa học). Song ông chỉ thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, cần một người giỏi tiếng Nga giúp phiên dịch khi bảo vệ. Không ai khác, TS Hà Chu Chử được lựa chọn vì thông thạo cả ba ngữ Pháp, Nga, Anh. Dịp ấy còn có Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Đình Ngữ sang Nga làm việc, lại “mượn” TS Chử đi phiên dịch trong suốt quá trình đàm phán. Có lẽ vì thế, Tổng cục trưởng Nguyễn Tạo biết tiếng Hà Chu Chử, tiến sĩ hóa lâm sản đầu tiên của Việt Nam, đã can thiệp với Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, bộ chủ quản của Trường Đại học Bách khoa, xin đích danh ông về ngành lâm nghiệp. Từ đó ông gắn bó lâu dài với ngành lâm nghiệp. Bản tính khiêm nhường và cần mẫn, theo thời gian ông như con tằm lặng lẽ nhả cho đến hết tơ, cống hiến toàn bộ sức lực và tài năng cho một ngành được lựa chọn ngẫu nhiên như một định mệnh.
Ban đầu ông là chủ nhiệm khoa Hóa lâm sản, Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp (sau đổi thành Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam). Ông và các cộng sự đã sớm khẳng định được hai loài cây là luồng và bạch đàn có sợi dài, dễ chế biến, dễ trồng, thời gian khai thác nhanh trở thành nguyên liệu mới cung cấpcho nhà máy giấy. Tiếp đến là đề tài chế biến hai loại đặc sản rừng là nhựa thông và cánh kiến đỏ. Khai thác nhựa từ rừng thông Hoàng Mai (Nghệ An), qua những cải tiến quá trình chưng cất tinh dầu thông, colofan dùng để xuất khẩu, ông và các cộng sự đã phát triển ở Uông Bí (Quảng Ninh) từ một cơ sở nhỏ, trở thành nhà máy chế biến nhựa thông vào loại lớn trên miền Bắc. Cánh kiến đỏ là nhựa do loài côn trùng Laccifer lacca Kerr tiết ra làm tổ trên cây chủ, từ đây chế biến thành véc ni đánh bóng bề mặt đồ gỗ, hay làm sơn cách điện. Ông trực tiếp đảm nhiệm giám đốc cơ sở nghiên cứu cánh kiến đỏ của Viện đặt ở thị xã Hà Đông. Từ một nơi thực nghiệm trở thành một xưởng sản xuất, hàng năm xuất xưởng được khoảng 300 tấn sản phẩm, trở thành địa chỉ quen thuộc chuyên cung cấp mặt hàng sơn phủ chất lượng cao. Thời kỳ này, ông còn có những nghiên cứu thành công nâng cao chất lượng tinh dầu từ vỏ quế, hoa hồi ở Lạng Sơn, Yên Bái. Sau ngày nước nhà thống nhất, năm 1979 tại thị xã Kon Tum đưa vào vận hành nhà máy ván sợi ép đầu tiên ở nước ta với thiết bị nhập của CHDC Đức, ông và các học trò cũng đã có những đóng góp tích cực vào nghiên cứu, chuyển giao các loại nguyên liệu gỗ rừng trồng ở Tây Nguyên cho nhà máy này hoạt động. Rồi ông được cử đi thực tập sinh khoa học ở Trung tâm lâm nghiệp nhiệt đới Paris (Pháp) về hóa học gỗ, tham gia nhóm nghiên cứu của Viện Năng lượng sinh học của các nước nói tiếng Pháp. Trong cuốn “Cẩm nang về năng lượng sinh học” xuất bản năm 1994, ông là đồng tác giả với các nhà khoa học của nhiều nước…
Sau này ông chuyển hẳn sang công tác quản lý khoa học, là vụ phó, rồi vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Tổng cục Lâm nghiệp, có thời nâng lên là Bộ Lâm nghiệp. Ông trong Ban chủ nhiệm các chương trình mục tiêu cấp Nhà nước và cấp bộ như: Chương trình lâm nghiệp tổng hợp; Chương trình gỗ lớn; Chương trình đặc sản rừng; Chương trình trồng rừng nguyên liệu giấy... Cuối năm 1994, ông được bổ nhiệm Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp. Trong giảng dạy đại học và trên đại học, ông là tác giả những giáo trình cơ bản của ngành hóa lâm sản, những cuốn như Hóa học và công nghệ lâm sản, Công nghệ sợi cơ học… Ông nhận học hàm Phó giáo sư năm 1992 và Giáo sư năm 1996.
Vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước đã ra đời Viện Kinh tế sinh thái, viện dân lập đầu tiên ở nước ta. Nhà điều tra rừng nổi tiếng GS.TSKH Nguyễn Văn Trương là người sáng lập, đã tập hợp được hàng chục nhà khoa học có tên tuổi trong nước và quốc tế làm cộng tác viên. Cũng phải nói thêm là, viện này còn có một thông lệ từ khi thành lập đến nay, những người lãnh đạo viện đều tình nguyện làm việc không lương. Mục tiêu của Viện thật thiết thực và có ý nghĩa nhân văn cao cả. Đó là xây dựng Làng sinh thái, tìm ra một phương thức để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát triển nông - lâm nghiệp gắn với văn hóa truyền thống, kiến thức bản địa của từng vùng, nhằm nâng cao đời sống mọi mặt của người dân. Khi GS Chử vừa nghỉ hưu, GS Trương đã mời ông về làm “phó” và kế nghiệp mình. Với nỗ lực của các nhà khoa học, mà tiêu biểu là hai vị giáo sư đứng đầu, trong gần 30 năm qua, Viện đã xây dựng được 16 Làng sinh thái tại 3 hệ sinh thái nhạy cảm là đồi trọc, cồn cát và vùng đất ngập nước thuộc các tỉnh, thành tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Ba mô hình thành công tiêu biểu ở cả 3 hệ sinh thái kể trên là tại xã Phú Điền (Nam Sách, Hải Dương); xã Hải Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) và thôn Sổ, xã Hợp Nhất (Ba Vì, Hà Nội). Cũng từ thành công của các làng sinh thái, đóng góp của GS, viện trưởng Nguyễn Văn Trương được ghi nhận, Nhà nước đã phong tặng ông danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới ở tuổi 83. Năm 2007, khi GS Trương qua đời, GS Chử tiếp tục sự nghiệp vinh quang của người tiền nhiệm, Viện Kinh tế sinh thái đã làm được nhiều công trình khoa học mới có ý nghĩa phát triển kinh tế xã hội cho đất nước...
Hôm nay nhìn lại cuộc đời mình, GS Hà Chu Chử khiêm nhường nói là những gì làm được đều thuần túy là nghiên cứu ứng dụng, chưa phải những đề tài có ý nghĩa lý thuyết cũng như thực tiễn lớn. Thực ra, thời của ông và các đồng nghiệp cùng thế hệ sống, làm việc còn có nhiều ràng buộc, hạn chế trong phát triển khoa học bởi chiến tranh kéo dài; cơ chế quan liêu bao cấp; ít được giao lưu, trao đổi quốc tế; cấm vận của Mỹ... Mặc dù vậy, rất nhiều kỹ sư khóa đầu của Đại học Bách khoa được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa ngày ấy, sau này đều đã thành tài, thành danh. Và GS.TS Hà Chu Chử là một trong số đó, đã có nhiều đóng góp giá trị ở cả ba lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy và quản lý.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mot-guong-mat-tri-thuc-cua-che-do-moi-506239.html