Một Hà Nội ấn tượng trong sách tranh
Tháng 10 năm nay, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt và tái bản nhiều tựa sách về Hà Nội, trong đó có những cuốn sách tranh đầy ấn tượng.
Với mong muốn góp phần dựng lại giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Nội, Viện Viễn Đông Bác cổ đã hợp tác cùng Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt cuốn sách Hàng rong và tiếng rao hàng Hà Nội. Người Hà Nội một thời không hề xa lạ với những tiếng rao mỗi sáng sớm hay đêm khuya, mỗi trưa hè hay chiều muộn. Chính nét đời thường ấy khiến người ta khắc khoải nhớ về Hà Nội, dù đã chia xa hay còn ở trong lòng thành phố nhớ về ngày cũ tháng xưa. Đời sống ấy đã được các họa sĩ ghi lại ngay từ những năm đầu thế kỷ XX.
Dịch giả Huy Toàn nhận xét: “Bắt đầu từ dự án của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương những năm đầu sau khi thành lập, các thầy cho 15 sinh viên đi vẽ chỉ một chuyên đề: Những người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội. Từ bà bán bánh trái, bác bán phở, cô gái bán hoa, cậu bé bán nước chè, anh hàng tào phớ đến những người đi thu mua đồng nát, vải vụn, tóc rối... Không chỉ vẽ tư thế, vẻ mặt, động tác của họ, các thầy Tây còn ghi lại tiếng rao của họ theo cách ghi nhạc, để lưu lại bằng hình ảnh và âm thanh một nét sinh hoạt đặc thù của Hà Nội”.
Hàng rong và tiếng rao hàng Hà Nội dẫn dắt người đọc bước vào chuyến hành trình tìm hiểu Hà Nội quá vãng - điều được thể hiện tài tình qua những bức ảnh, ký họa và tranh màu nước của các họa sĩ hàng đầu như Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Lưu Văn Đệ, Mai Trung Thứ... Như một cuốn du ký ngược thời gian, cuốn sách gói gọn một Hà Nội thu nhỏ với “đặc sản” hàng rong và những tiếng rao hàng không thể trộn lẫn.
Cũng là ký họa, bộ sách tranh Phố cổ Hà Nội, ký họa và hồi ức và Ấn tượng Hà Nội - Từ ký họa những công trình thời Pháp tập hợp hàng trăm bức tranh minh họa độc đáo bằng nhiều chất liệu khác nhau của các tác giả, kiến trúc sư, họa sĩ chuyên và không chuyên đến từ nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi).
Mỗi bức tranh lưu giữ một ký ức, một góc nhìn của những người yêu Hà Nội vẫn hàng tuần dạo khắp các phố phường để đưa Hà Nội vào từng gam màu, từng nét vẽ. Họ có thể đã ở tuổi hưu trí hay học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, tiểu thương và các chuyên gia nghiên cứu, kiến trúc sư, họa sĩ..., tất cả đều có chung một tình yêu với mảnh đất này, đều mong muốn vẽ lại những hình ảnh đẹp về Thủ đô với những góc phố thân quen, nếp sống bình dị và thanh tao của người Hà Nội.
Hai cuốn sách ký họa còn có nội dung nghiên cứu, khảo cứu của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, học giả về một giai đoạn lịch sử của Hà Nội gắn liền với những công trình kiến trúc thời Pháp, về sự đổi thay của khu phố cổ Hà Nội. Cùng với đó là những câu chuyện của nhiều tác giả khiến độc giả lớn tuổi như được ngược thời gian trở về quá khứ, còn độc giả trẻ thấy thêm hiểu thêm yêu Hà Nội.
Cũng là tranh, nhưng Hà Nội ngàn năm ký ức thể hiện nét đặc biệt ở nghệ thuật pop-up dựng hình 3D độc đáo mang đến sự tương tác thú vị cho độc giả. Mười một danh lam thắng cảnh mang tính biểu tượng của Thủ đô được tái hiện một cách sinh động. Được minh họa và thiết kế bởi các tác giả tuổi còn đôi mươi, nhóm Cloud Pillow, Hà Nội hiện lên không chỉ có di tích, biểu tượng mà còn đượm hơi thở cuộc sống đương thời với hình ảnh check-in hồ Gươm, trà chanh vỉa hè, xe ôm công nghệ...
Ngoài sách tranh về Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng tái bản một số tựa sách về văn hóa, lịch sử, cảnh sắc, phong tục Thăng Long - Hà Nội, như bút ký Bắc Kỳ - Phong cảnh và ấn tượng của tác giả Hilda Arnhold; tập ký sự Chuyện cũ Hà Nội (Tô Hoài)... Và, mới nhất là cuốn sách Thăng Long Kinh Kỳ - Kẻ Chợ: Hà Nội thời cận đại vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt, khép lại bộ Thăng Long Kinh Kỳ - Kẻ Chợ gồm ba tập.
Hạ Yến / Hà Nội mới
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-ha-noi-an-tuong-trong-sach-tranh-post1367244.html