Một Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ

Ngày 1/8/2023, đánh dâú15 năm kể từ ngày Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/QH12. Đồng thời với sự tăng quy mô, khối lượng công việc, những dấu ấn Hà Nội đạt được tiếp tục tăng, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của đô thị đa chức năng.

Phát triển Hà Nội theo hướng đô thị thông minh, hiện đại.

Phát triển Hà Nội theo hướng đô thị thông minh, hiện đại.

Từ thực tế, mỗi người đều có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa Hà Nội trước thời điểm chưa mở rộng và Hà Nội hôm nay.

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi:

Hà Nội phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Thời gian 15 năm vừa qua đã đủ để khẳng định việc thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan là một quyết sách mang tính lịch sử và chính xác.
Sau 15 năm điều chỉnh, chúng ta có một Hà Nội thống nhất và đa dạng. Việc hợp nhất chính là đoàn kết. Đây không chỉ là việc sáp nhập đơn thuần mà muốn nhấn mạnh đến tính hòa kết, thống nhất trong hệ thống chính trị, hoạt động ngày càng hiệu quả, phục vụ tốt cho quốc kế dân sinh.

Đặc biệt về văn hóa, Hà Nội phát triển trên cơ sở hòa kết văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài. Nhờ đó, sự phát triển văn hóa và con người Hà Nội đã có những bước tiến. Từ trước đây, điều lo ngại nhất là ứng xử văn hóa thì đến nay điều này đã có những chuyển biến đáng mừng. Trong đó, Hà Nội đã ban hành được các chương trình, nghị quyết về phát triển văn hóa; 2 bộ quy tắc ứng xử của TP Hà Nội… Đặc biệt, Hà Nội đã trở thành điểm đến hấp dẫn và an toàn, trở thành trung tâm hội nhập lớn của cả nước. Hà Nội tiếp tục là hình ảnh đại diện tiêu biểu và đáng tự hào của
Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Thời gian tới, tôi mong rằng, trên tinh thần đổi mới sáng tạo, TP cần chú trọng xây dựng công nghiệp văn hóa. Hà Nội phải đi đầu với tư cách là Thủ đô văn hóa, trung tâm khoa học và công nghệ, đưa công nghiệp văn hóa chiếm ít nhất 10% GDP của TP. Đặc biệt, cần quan tâm đến phát triển con người Hà Nội, kiên trì, sáng tạo trong đề ra các chương trình tiếp tục đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng công trình văn hóa có tầm vóc, rút kinh nghiệm những công trình văn hóa đã xây dựng nhưng không phát huy được hiệu quả như mong đợi.

Đồng thời, việc xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở, kỹ thuật được của TP đẩy mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để môi trường đầu tư ở Hà Nội phải trở thành nơi mẫu mực thu hút đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng DN; khai thác tiềm năng về trí tuệ, trí thức về công nghệ. Hà Nội phải trở thành địa phương đi đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đưa Trung tâm công nghệ cao Hòa Lạc thực sự trở thành động lực phát triển của Hà Nội.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội:

Hướng tới những giá trị bền vững

Việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. TP đã mở rộng sự phát triển ra các khu, địa bàn, tạo ra các cơ hội phát triển kinh tế và xã hội cho người dân. Các đơn vị hành chính mới đã được thành lập, đồng thời hạ tầng và dịch vụ công cũng được nâng cao.
Những đề xuất định hướng phát triển trong tương lai như đầu tư vào hạ tầng giao thông, phát triển ngành công nghiệp, bảo vệ giá trị văn hóa và cải thiện chất lượng dịch vụ công đều rất đúng và cần thiết. Điều này sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối và thu hút đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của TP.

Tuy nhiên, cần điều chỉnh, điều động nguồn lực, quyền lực quản lý nhằm bảo đảm sự minh bạch, công bằng, hiệu quả trong quản lý và phát triển. Đồng thời, bảo đảm sự tham gia và tham khảo ý kiến của cộng đồng trong quyết định chính sách, phát triển địa phương. Ngoài ra, việc bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội cũng là một khía cạnh quan trọng trong việc phát triển bền vững; do đó cần có các biện pháp, chính sách tương thích để bảo đảm rằng việc phát triển không gây ra tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Tóm lại, chủ trương mở rộng địa giới hành chính Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực và đề xuất định hướng phát triển trong tương lai cũng rất hợp lý, cần thiết. Tuy nhiên, việc bảo đảm sự minh bạch, công bằng, tham gia và bảo vệ môi trường cũng là những yếu tố quan trọng cần được chú trọng trong quá trình phát triển.

TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội:

Gìn giữ, phát huy và hội nhập văn hóa

Thông thường, khi có việc mở rộng địa giới hành chính, ở góc độ văn hóa, mọi người thường nói rằng sẽ có những cú sốc về văn hóa. Nhưng tôi cho rằng, trong 15 năm qua, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, không có cú sốc nào về văn hóa.

Nguyên nhân là bởi, Hà Nội và Hà Tây (cũ) nằm trong cùng một vùng văn hóa ở đồng bằng sông Hồng, cùng chia sẻ một lịch sử tồn tại và phát triển. Hai vùng luôn gắn bó với nhau từ nông nghiệp, nông thôn đến con người. Bên cạnh đó, việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính được Đảng bộ, lãnh đạo, cán bộ TP, Nhân dân đồng lòng, xây dựng cuộc sống từ kinh tế, văn hóa, xã hội… hơn nữa đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Điều này là yếu tố quan trọng để văn hóa các vùng miền giữ được bản sắc của mình, đồng thời hội nhập, phát triển trong mái nhà chung của Thủ đô sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính.

Với tiềm năng văn hóa đồ sộ, sau khi có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa và Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Hà Nội là địa phương đầu tiên đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa; được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo”, điều này cho thấy Hà Nội đã tiên phong, đi đầu trong phát triển văn hóa.

TS Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp) – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (PACC):

Hoàn thiện thể chế tạo thế và lực cho Thủ đô

Cùng với những kết quả đã được thực tiễn kiểm nghiệm sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, hiện Hà Nội đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô

Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Với việc đặt ra mục tiêu lớn đến năm 2030 để Thủ đô Hà Nội trở thành TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng, hội nhập quốc tế sâu rộng... đòi hỏi trong thời gian tới cần phải tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế...

Cụ thể như để tháo gỡ, giải quyết cấp bách các vấn đề dân sinh, như tình trạng tắc đường, ô nhiễm không khí, phát triển hệ thống y tế…, cần có các giải pháp được quy định ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, phải hoàn thiện các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô. Cùng với đó là các cơ chế, chính sách phát triển hệ thống y tế hiện đại, hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm, bền vững, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển các khu đô thị vệ tinh để có thể kéo giãn người dân đang sống và làm việc tại đô thị trung tâm...

TS Lê Duy Anh - Chủ nhiệm bộ môn Chính sách công, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Tập trung nguồn lực cho khoa học công nghệ

Phát triển khoa học công nghệ phải tập trung nguồn lực, không đầu tư một cách dàn trải, đầu tư vào các dự án trọng điểm. Nếu đầu tư vào các dự án nhỏ lẻ hiệu quả sẽ không cao và không mang tính chất đột phá.

Đề xuất với TP có cơ chế tuyển dụng, sử dụng và chính sách đãi ngộ tốt để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, Hà Nội có thể nghiên cứu thí điểm tăng mức độ tự chủ của các đơn vị trong sử dụng nguồn lực, trả lương để thu hút được nhiều nguồn nhân lực hơn, không bị ràng buộc bởi chính sách lương thưởng của viên chức, công chức.

Việc Hà Nội chuẩn bị tiếp nhận quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc là một bước quan trọng để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ của TP. Thanh niên nói chung và cán bộ ngành khoa học công nghệ nói riêng rất trông chờ, kỳ vọng vào những chính sách đột phá ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
TP cần tập trung thực hiện các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các DN, cơ sở giáo dục đầu tư vào khu vực này. TP có thể nghiên cứu thành lập một tổ công tác gồm các chuyên gia để quá trình tiếp nhận Khu công nghệ cao Hòa Lạc được diễn ra nhanh, thuận lợi nhất.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Đỗ Tuệ Tâm:

Thêm cơ hội cho doanh nghiệp phát triển hệ thống bán lẻ

Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với việc hình thành nhiều khu đô thị hiện đại, quy mô lớn như Vinhomes Riverside, Park City, Gamuda City, Ecopark, Ciputra, The Manor, The Golden An Khánh...

Sự ra đời của những tổ hợp đô thị mới này đã tạo cơ hội cho DN thương mại mở rộng hệ thống bán lẻ như Go&Big C, Win Mart, 2 Trung tâm thương mại AEON... Trong thời gian qua Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) với vai trò là một trong những DN lớn của ngành công thương Hà Nội đã tận dụng cơ hội mở rộng địa giới hành chính Hà Nội để phát triển hệ thống bán lẻ mang thương hiệu Hapro Mart, Haprofood/BRGMart, các chợ đầu mối vùng ngoại thành Hà Nội. Nhờ đó đến nay Hapro đã có mạng lưới gần 70 siêu thị, cửa hàng tiện ích, 4 chợ đầu mối ở ngoại thành và chợ truyền thống ở trung tâm TP.

Thông qua việc mở rộng hệ thống bán lẻ, tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn Hapro đã góp phần kiểm soát, điều tiết được giá cả các mặt hàng bảo đảm lợi ích tiêu dùng, phục vụ đời sống Nhân dân. Đồng thời tiếp sức cho DN sản xuất đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng qua đó quảng bá, tiêu thụ hàng Việt.

Thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, Hapro tập trung phát triển loại hình, hạ tầng thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại, chuỗi cửa hàng tiện lợi…. Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP; phương án dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ và đảm bảo đời sống Nhân dân; Chương trình liên kết vùng, miền kết nối giao thương giữa TP Hà Nội với các tỉnh, TP trên cả nước nhằm bảo đảm nguồn hàng cho hệ thống bán lẻ cũng như chân hàng cho các chương trình xuất khẩu.
Tuy nhiên hiện nay giá bất động sản vẫn chưa điều chỉnh được, mặt bằng cho thuê vẫn ở mức cao, đặc biệt trong khu vực nội đô và các tòa nhà mới, hiện đại, các khu đô thị mới… Đề nghị Bộ Công Thương, UBND TP xem xét, kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đối với công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ theo hướng được hưởng ưu đãi đầu tư trong danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại Phụ lục I, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ.

Việt An – Hồng Thái – Hoài Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mot-ha-noi-dang-chuyen-minh-manh-me.html