Một khu vực biên giới Nga - NATO bất ngờ trở thành nơi phô diễn sức mạnh tên lửa
Trong khi NATO di chuyển tên lửa phòng không Patriot đến gần biên giới Nga, Hạm đội Baltic của Hải quân Nga đã tổ chức huấn luyện tấn công bằng tên lửa Iskander-M ở vùng Kaliningrad giáp với Biển Baltic.
Hãng thông tấn Anadolu dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga hôm 9/3 cho biết các đơn vị thuộc Hạm đội Baltic đã tiến hành huấn luyện về kiểm soát hỏa lực tấn công của hệ thống tên lửa chiến thuật và chiến dịch Iskander-M tại một trong những cơ sở huấn luyện ở khu vực Kaliningrad.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, các đơn vị tham gia đã được huấn luyện tất cả các giai đoạn, bắt đầu từ việc triển khai tới khi hoàn thiện và ngụy trang hệ thống.
Trong quá trình huấn luyện, sau khi nhận tín hiệu ‘báo động’, các quân nhân nhanh chóng cơ động tới địa điểm được chỉ định, bắt đầu công tác chuẩn bị cho việc vận hành các bệ phóng tự hành, tổ chức liên lạc với chỉ huy, tiến hành ngụy trang và canh gác địa điểm đóng quân.
Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cho biết các đơn vị đã thực hiện thành công đợt huấn luyện và đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn cần thiết.
Xem video Bộ Quốc phòng Liên bang Nga ngày 11/9/2023 tiết lộ cách hệ thống tên lửa chiến thuật và chiến dịch thuật Iskander-M cơ động từ nơi trú ẩn đến vị trí phóng. Nguồn: Bộ Quốc phòng Liên bang Nga/Sputnik
Hệ thống tên lửa chiến thuật và chiến dịch Iskander-M được thiết kế để tấn công các mục tiêu của đối phươngở chiến trường, gồm hệ thống tên lửa, hệ thống rocket đa nòng, pháo tầm xa và vị trí chỉ huy, trung tâm thông tin liên lạc cũng như máy bay, trực thăng.
Hệ thống này có độ chính xác và khả năng cơ động cao, có thể tiêu diệt nhiều mục tiêu khác nhau trong khoảng cách lên tới 500 km.
Kaliningrad hiện là một trong 46 khu vực hành chính của Nga, nhưng là khu vực duy nhất không có biên giới trên bộ với các khu vực khác của nước này mà giáp với Biển Baltic về phía Tây và nằm kẹp giữa Litva, Ba Lan - hai nước thành viên NATO.
Với vị trí địa lý của mình, Kaliningrad được coi là một “hàng không mẫu hạm không thể chìm”, bổ sung đáng kể vào chiều sâu chiến lược của Nga.
Vì vậy, các cuộc tập trận quân sự ở Kaliningrad là một tín hiệu cho thấy khả năng của Nga và là một cách để gây thêm áp lực lên phương Tây.
Trong một diễn biến liên quan tới khu vực Baltic, tại cuộc họp báo ngày 7/3, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Arvydas Anusauskas cho biết vào cuối năm nay, hệ thống tên lửa đất đối không Patriot sẽ được vận hành tại nước này.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Litva, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius vào mùa hè năm ngoái, các nước thành viên NATO đã đồng ý tạo dựng một hệ thống luân phiên mà trong đó các nước đồng minh sẽ triển khai hệ thống phòng không tới các nước vùng Baltic trong một khoảng thời gian.
Ông Anušauskas không nêu rõ nước phương Tây nào tham gia vào đợt lắp đặt hệ thống phòng không đầu tiên ở Litva, nhưng nói rằng thiết bị này bao gồm hệ thống tên lửa đất đối không Patriot và nó được cung cấp bởi đồng minh châu Âu chứ không phải Mỹ.
Theo tờ Newsweek, một số nước châu Âu đã bày tỏ quan ngại rằng cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine cuối cùng có thể dẫn đến xung đột lớn hơn giữa Moskva và NATO.
Trong những tháng gần đây, liên minh quân sự này đã thực hiện một số bước để củng cố hệ thống phòng thủ dọc biên giới phía Đông, bao gồm việc tiến hành huấn luyện vào mùa xuân cho hơn 90.000 quân đến từ tất cả 32 quốc gia thành viên ở các quốc gia có chung biên giới với Nga như các nước vùng Baltic và Ba Lan.
Xem video các lực lượng NATO diễn tập. Nguồn: Reuters
Căng thẳng giữa Moskva và phương Tây vẫn ở mức cao trong suốt cuộc chiến ở Ukraine, quốc gia rõ ràng là được các thành viên NATO ủng hộ.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đổ lỗi ảnh hưởng của liên minh này đối với chính phủ Ukraine là một trong những lý do khiến nước ông bị "ép buộc" tham chiến. Putin cũng nói rằng cuộc xung đột kéo dài hơn hai năm không thể kết thúc cho đến khi Ukraine đồng ý giữ thái độ trung lập.
Điện Kremlin cáo buộc phương Tây kéo dài cuộc chiến ở Ukraine bằng cách củng cố khả năng quân sự của Kiev, đồng thời cảnh báo vào cuối tháng trước rằng NATO sẽ vượt quá giới hạn nếu các thành viên của khối này gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine.
Mặc dù không có quốc gia NATO nào nói rằng họ có một kế hoạch làm như vậy, nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháng trước đã tuyên bố với các phóng viên rằng không nên loại trừ bất cứ khả năng nào để ngăn chặn Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến với Ukraine.