Một kiếp người
Thời gian trôi đi. Mới ngày nào lão còn bước xăm xăm lên đồi, vậy mà bây giờ, bước đi đầu gối đã run. 'Trẻ cậy cha, già cậy con' người xưa nói vậy. Nhiều người khuyên lão bán rừng cây, lấy tiền gửi tiết kiệm mà lo dưỡng cái thân già. Lão quyết chí để lại cho con trai, có chết cũng không bán...
Lão bảo, “con đẻ thì tôi chỉ có một, nhưng con nuôi, có trên trăm...”.
Nghe lão nói thế, tôi không tin! Lão già lẫn cẫn rồi chăng? Con nuôi hay con đẻ, vài đứa, nuôi đã khó. Mà lão nhặt đâu ra lắm con thế? Đang vân vi, lão nói tiếp: “Con nuôi của tôi còn có hiếu hơn cả con đẻ kia, thày giáo ạ! Không có chúng, tôi chết đói từ đời tám hoánh rồi!”. Nói xong câu đó, lão có vẻ như hả hê, như trút bớt đi một nỗi hờn giận nào đó.
Xong rồi, lão thong thả nạp thuốc vào cái điếu cày làm bằng đoạn gốc tre ngà, rít một hơi, đôi mắt già nua nhìn xa lắc xa lơ như thể đang nhìn thấy cảnh đời ở một cõi xa xăm nào, hoặc như đang nhớ lại một chuyện gì đó, buồn lắm...
Phả làn khói lên trời xanh, những nếp nhăn trên khuôn mặt già nua như giãn ra, lão quay lại, giọng đặc khói thuốc: “Con người hay con vật, ở được với nhau, cũng phải có cái duyên. Cứ từ chuyện nhà tôi mà suy ra. Tôi kể thày giáo nghe, đận ấy tôi ốm nặng lắm, tưởng không qua khỏi.
Mới vừa gượng dậy, tự nhiên có con chó vàng nhà ai đến nằm ở gốc nhãn trước nhà, đuổi không đi. Tôi bước ra, cu cậu đứng dậy vẫy đuôi như thể tôi là chủ nó. Thấy lạ, tôi gọi vào cho bát cơm nguội dằm với mấy con cá lẹp, nó ăn hết, liếm bát vẻ như còn đói, hai con mắt đen nhánh cứ nhìn tôi như muốn xin thêm.
Biết cu cậu còn đói, tôi múc thêm bát nữa, nó ăn hết veo. Chắc là nhịn đói mấy ngày rồi. Thế mà nó ở với tôi đến bây giờ. Đúng là giống “hoàng khuyển”, khôn lắm... Thày giáo bảo, như thế, không phải duyên thì là cái gì?”.
Đang từ con nuôi là người, lão chuyển sang chuyện con vật, cứ như không.“Tôi nói thật với thày giáo chứ, chả phải con người, mà kể cả con vật, xử sự với nhau cũng phải có cái tình. Loài vật chúng tinh lắm chứ không thường đâu. Loại người mà nuôi chó chó chết, nuôi mèo mèo hen, nuôi chim, nuôi ong, đều bỏ mà đi... nghiệm lại, cũng chả ra gì đâu...”.
Đúng là tuổi già hay cả nghĩ. Lão già ngồi luận thuyết về mối quan hệ giữa con người với con vật, nghe hao hao như giảng Phật pháp. Tôi đoán, chắc trong lòng lão có gì ẩn ức, nên gặp tôi, mới trút bầu tâm sự thế. Nhưng cứ ngồi nghe lão nói lan man hết chuyện con nuôi, rồi chó đến chim, đến lúc nào mới dứt ra được? Tôi chào ra về, nhưng trong lòng vẫn còn thắc mắc về “trên trăm đứa con nuôi” của lão. Hôm nào rỗi, phải đến nhà lão “mục sở thị” mới được...
Thế rồi tôi cũng có dịp đến thăm nhà lão. Hôm ấy, đi đưa tang lão Mậu lên nghĩa địa Đồi Con Thỏ xong. Đường về, qua ngõ nhà lão, chợt nhớ đến câu chuyện lão nói về con đẻ với lại con nuôi hôm trước, tôi ghé vào. Thấy lão đang nằm trên cái giường mộc, đầu kê cái gối mây đã xỉn màu, dưới chân giường, hai con chó to tướng đang nằm, một vàng, một xám mốc, ghếch mõm nhìn ra ngõ, nhưng thấy người vào, không sủa. Lão vội ngồi dậy, vẻ phấn khởi. Hai con chó lảng ra ngoài.
Lão tráng ấm, cho nhúm chè vào, đổ nước sôi, đợi một lúc rồi dốc cái vòi cáu chè vào hai cái chén màu da lươn. Đặt trước tôi, lão lễ phép: “Mời thày giáo!”. Lão ngồi trầm ngâm, mắt hướng về phía chân đồi, đôi mắt rưng rưng một nỗi buồn khôn tả. Rõ ràng là trong lòng lão già không những có chuyện buồn, mà buồn lắm. Chắc là chuyện về thằng con trai của lão, hắn bỏ nhà đi làm ăn trong Nam mười mấy năm rồi. - Tôi đoán thế. Mà lão đã chả vào ở với vợ chồng nó cơ mà? Chắc có chuyện trục trặc giữa hai bố con.
Thường khi về già, cái buồn lớn nhất của bậc cha mẹ vẫn là chuyện con cái đối xử không ra gì. Thấy tôi cứ chăm chú nhìn hai con chó, lão trở lại vui vẻ và có vẻ tự hào lắm. Hai con chó có dáng rất đẹp. Con nào cũng đầu to, mõm vuông, bên khoeo chéo góc. Con lông vàng, dáng đi uyển chuyển, mềm mại, cái đuôi màu vàng ánh, xoắn tít. Còn con lông màu xám tro, bốn chân trụ có đốm đen, mấy cái vằn ngang bụng làm nổi bật cái “phom”, trông mạnh mẽ, nhìn cứ như con hổ xám con.
“Thày giáo có biết vì sao nhà tôi lại có thêm một con chó nữa không? Cũng là cái duyên đó thày! Con vàng thì tôi đã nói chuyện với thày giáo hôm nọ rồi! Con mốc thì chưa. Con mốc chẳng biết từ đâu, bén duyên chị vàng, rồi tự nguyện theo về ở rể nhà tôi đấy! Hình như con mốc biết hoàn cảnh cô đơn của con vàng nên chúng tự tìm đến với nhau. Giống vật, nhưng chúng cũng có tín hiệu riêng đấy. Anh chị quấn nhau đáo để! Mà được việc lắm thày giáo ạ!
Tôi kể chuyện cho thày giáo nghe. Hôm ấy cũng mới vừa nhập nhoạng tối, con vàng người lấm lem bùn đất, chạy hộc tốc về nhà, càm vào gấu quần tôi kéo đi, vẻ như có chuyện gấp lắm. Tôi cũng linh tính như thế. Tôi cầm vội cây chườm thường dùng để chườm cá chép vượt đẻ chạy theo nó. Con mốc bám theo con vàng. Đến chân đồi, nghe có tiếng ú ớ như người bị bịt miệng, rồi tiếng huỳnh huỵch như người vật nhau. Có chuyện rồi!
Giữa nơi vắng vẻ, không cướp của giết người thì cũng hiếp dâm. Ở chân đồi vắng lại gần bãi tha ma này xảy ra mấy vụ rồi. Tôi ra hiệu cho hai con chó sẵn sàng lao lên, rồi thì quát lớn để thị uy. Một bóng người to cao vùng dậy, nhảy lên xe, nổ xe máy vù đi. Con vàng phóng theo, lao lên, giật đứt phăng một miếng quần dính máu của thằng khốn đó. Tôi rọi đèn pin.
Trời ơi, một cô gái bị lột trần đang nằm trên cỏ. Tôi đỡ cô ta dậy, để cho cô ta mặc lại quần áo, hỏi chuyện mới biết, cô bị thằng xe ôm lừa, bảo đi đường tắt về nhà nhanh hơn, nào ngờ đến chân đồi vắng, hắn giở trò đồi bại. Cô ấy tên Thắm, người làng Sỏi, bên dãy đồi phía trước mặt nhà tôi đó.
Vụ ấy, theo lời khai của cô gái, lại có vết chó cắn ở mông làm chứng cứ, chả cần phải điều tra điều mẹ gì, công an tóm gọn tên bất nhân ấy...”. Thì ra, về già, ở một mình nơi chân đồi mà lão cũng làm được ối việc có ích đó chứ! Tôi động viên, bảo lão, “là người xưa có câu: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khương”, nghĩa là tích điều thiện trong nhà tất gặp điều may mắn. Lão cứ cố gắng làm việc thiện, rồi ông trời cũng không phụ lão đâu”. Lão nghe tôi nói, gật đầu, vẻ nể trọng tôi lắm.
Ngồi một lúc lâu, tôi đang định hỏi “đám con nuôi” theo lời lão nói hôm trước, thì bỗng nghe tiếng đàn vịt kêu cạc cạc gióng lên như dàn đồng ca bên ngoài mấy thửa ruộng phía chân đồi. Lão già vẻ hứng chí, chỉ tay vào thúng trứng vịt đầy ắp đặt ở góc nhà, bảo: “Vụ này tôi thắng đậm thày giáo ạ! Mưa nhiều. Cá tép từ nơi khác theo nước, đổ xuống ruộng nhà tôi, cả đàn trên trăm đứa con nuôi của tôi, đứa nào chiều về cũng no lặc lè, trứng to như trứng ngỗng. Đẻ ra đến đâu, đám buôn trứng vào lấy hết đến đó. Đó thày giáo xem, mới có một đêm mà từng ấy trứng đấy!”.
Thì ra “trên trăm đứa con nuôi” của lão là thế! Cứ con nào nuôi lão thì lão gọi là con. Cái quan niệm của người già, đôi khi giản dị mà nghe cũng chí lý ra phết...
*
Mấy chục năm về trước, lão có cả khu rừng cây cộng với hơn hécta ruộng gần kề. Đó là thời lão mới xuất ngũ, sức vóc đang cường tráng. Hơn mười năm lăn lộn các chiến trường, lão vẫn nuôi giấc mơ về quê trồng rừng, chăn nuôi, đặt bẫy. Cuối cùng, lão cũng đạt được ý nguyện.
Cũng may là năm lão xuất ngũ về nhà, gặp thời điểm Nhà nước đang có chủ trương “giao đất giao rừng” cho hộ. Lão nhận luôn 5 hécta đồi hoang mà lúc đó chả có ma nào dám nhận vì toàn đất sỏi. Bất chấp nắng mưa, lão kiên nhẫn đào hố trồng cây. Sau này, rừng cây của lão, có người trả trên bạc tỷ mà lão vẫn không bán. Lão có thằng con trai, nó không thích trồng rừng, bỏ đi lâp nghiệp mãi tận tỉnh Lâm Đồng, lão muốn để dành rừng cây cho nó. Bà vợ lão mấy năm sau thì chết vì ung thư dạ dày. Mẹ chết, còn lại hai cha con, nó bỏ đi theo bạn vào Nam.
Lão nghĩ, thôi thì cho nó đi ra tự lập rồi mà biết thân, sau này, nếu có về, thì cũng có rừng cây của bố mà làm vốn. Vào đấy, ngày đầu đất đai còn dễ dàng, nó theo bạn đốt nương làm rẫy, bảo bố gửi tiền để thuê người làm.
Vài năm sau, điện báo là đã có đến hai hécta cà phê. Rồi nó cưới vợ. Đã mấy lần vợ chồng nó bảo lão bán cơ ngơi ngoài này vào ở với chúng nó cho có bố có con. Trong đó dễ sống, thực phẩm, giá rẻ như cho không. Lão không nghe. Lão bảo, mẹ mày nằm đâu thì bố ở đấy. Bố mà vào đấy, ai chăm sóc phần mộ mẹ con?...
Thời gian trôi đi. Mới ngày nào lão còn bước xăm xăm lên đồi, vậy mà bây giờ, bước đi đầu gối đã run. “Trẻ cậy cha, già cậy con” người xưa nói vậy. Nhiều người khuyên lão bán rừng cây, lấy tiền gửi tiết kiệm mà lo dưỡng cái thân già. Lão quyết chí để lại cho con trai, có chết cũng không bán. Sau rồi, thấy thằng con cứ biền biệt, nói dại, nhỡ không may nằm xuống, lấy chi chi phí tang ma? Chả lẽ làm phiền lụy xóm giềng? Thế là lão bán rừng cây thật, được hơn tỷ bạc.
Vừa bán xong, nhận tiền, chưa kịp gửi ngân hàng thì thằng con lù lù vác xác về. Biết bố mới vừa bán rừng cây, hắn bảo: “Lần này thì bố không thể không vào. Già rồi, lỡ may ở nhà có chuyện gì, con cháu không kịp có mặt, hàng xóm bảo con bất hiếu. Bố chết rồi, để tiếng xấu cho con à?”.
Câu nói sau cùng của thằng con trai, đã đánh trúng vào tâm can người cha. Chả có người cha nào chết đi muốn để lại tiếng xấu cho con? Thế là lão giao tiền cho con rồi lũi cũi theo nó lên taxi ra ga tàu một đường Nam tiến...
Vừa đúng 2 năm sau, người làng thấy lão trở về gầy gò tiều tụy như kẻ hành khất. Cũng còn may là ngôi nhà và khu ruộng liền kề lão chưa bán. Lão đã tính nước dự phòng, nên gửi nhờ người thân trông coi. Mấy năm trời theo con, tưởng được báo hiếu, khi vào trong ấy, lão mới ngã ngửa. Hai vợ chồng nó chơi hụi vừa vỡ nợ.
Có tỷ bạc của bố, chúng trả nợ hết quá nửa, còn lại đầu tư tiếp vào cây cà phê. Cà phê rớt giá, hạn hán kéo dài, nợ nần tăng lên, chủ nợ đến xiết, trắng tay, chúng kéo cả lão vào thành phố thuê nhà ở rồi đi bán vé số. Ngày nào con dâu lão cũng dúi vào tay lão chục tệp vé.
Lang thang khắp các chợ, bến xe, chẳng quản nắng mưa, có ngày bán được, có ngày không. Bữa nào bán được ít, về nhà con vợ nó gườm gườm nhìn lão như kẻ thù, nói kháy nói khứa, rằng “ốc không mang nổi ốc còn phải đèo rêu. Biết khi nào mới hết cái nợ đời!”.
Biết nó nói ám chỉ mình, lão nhục lắm, chả nhẽ cứ sống ăn bám vào con? Thôi thì nói sao thì cũng là đứa con dâu. Lão chỉ trách thằng con trai không những không trách mắng vợ, lại còn vào hùa. Mà lão có ăn nhờ chúng nó đâu? Tỷ bạc của lão, mang gửi ngân hàng, tiền lãi hằng tháng, cũng đủ cho lão tiêu pha, chẳng phải nhờ vả đứa nào. Đòi lại thì chúng tiền đâu mà trả lão. Mà có tiền, chúng cũng không trả. Lão biết điều đó. Lão cố cắn răng chịu đựng. Lần đi bán vé số, tình cờ gặp anh lái xe người cùng quê, nghe lão trần tình, anh ta thương tình, bảo lão, “có muốn về quê thì lên xe...”.
Trở về nhà với hai bàn tay trắng, còn mấy chỉ vàng, trước khi đi, chôn dưới chân giường, lão moi lên làm vốn, mua hơn trăm vịt đẻ. Còn hơn hécta đất ruộng gần khu đồi rừng, đàn vịt tha hồ bơi lội. Hai con chó một đực, một cái cho nó canh chừng đàn vịt và làm bạn với lão. Hai con chó, con nào cũng bén việc. Sáng ra, có việc phải đi, lão gọi cả hai con lại bảo.
“Hôm nay tôi đi vắng, chị vàng trông nhà, còn anh mốc, ra canh chừng “đàn em” nhé!”. Thế là chúng nghe theo. Con mốc ra đồi nằm ghếch mõm ở đầu khu ruộng ngập nước, con vịt nào mà ló cổ sang bờ ruộng nhà khác, chạy đến sủa gâu! Lập tức đàn vịt quay đầu liền. Lão ra đồng kiểm tra, thấy thế, bảo: “Anh em trong nhà, không nên không phải thì bảo ban, chứ không được cắn nhau”.
Hai con chó, lão gọi tên theo màu lông. Chị vàng và anh mốc. Người lạ đi qua nhà, nghe lão gọi, cứ tưởng con cái lão. Ngày nào ngoài đồng cũng có vịt đẻ rơi. Những quả trứng đẻ rơi, lão để chị vàng với anh mốc ra nhặt mà tẩm bổ. Đó là phần thưởng lão dành cho chúng.
Giờ thì lão là người nhàn nhất xóm. Sáng nào cánh buôn trứng cũng đến tận nhà lão mua cất. Trứng vịt nhà lão thuộc hàng sạch. Vịt chỉ mò cua bắt ốc trên ruộng và ăn thêm lúa chứ không có lẫn bất cứ thức ăn kích thích đẻ trứng nào. Hôm nào trong xóm có người mời ăn cỗ, lão cho con vàng đi theo. Anh mốc giữ nhà. Hôm sau, anh mốc theo thì chị vàng thay thế. Con chó vàng đến đâu cũng nằm dưới chân chủ, thi thoảng lại liếm vào gót chân lão như biểu lộ tình yêu. Lão ném một dẻ xương cho nó, giọng âu yếm: “Này chị vàng, ăn đi con!”.
Mọi việc trong nhà lão được sắp đặt rất quy củ. Ban ngày ngoài ruộng, nếu có vịt chạy loạn xạ và kêu gióng lên, là y như rằng có rắn hoặc trăn trên đồi bò xuống. Trong trường hợp ấy, cả anh mốc và chị vàng biết phải làm gì. Chúng lao ra, cắn nháo nhào vào con rắn rồi tha về. Hôm ấy, “cha con” lão lại có nồi cháo bồi dưỡng. Lão cưng chiều hai con chó lắm. Nửa đêm tỉnh dậy, lão gõ nhẹ vào chân giường, rồi chìa bàn tay ra. Hai con chó nằm ở hai đầu hè, tức tốc chạy vào liếm vào bàn tay của lão, như muốn nói với lão rằng, cha nuôi của chúng con ơi, cứ yên tâm mà ngủ ngon nhé...
Cuộc sống cứ thế trôi đi sau bao nhiêu mùa gặt hái là bấy nhiêu mùa “những đứa con nuôi” của lão báo hiếu. Mọi sự trên đời, đều tuân theo quy luật, cái gì cũng thế, cuối cùng rồi cũng đến lúc kết thúc. Một thời gian dài, người ta thấy lão ít đi ra ngoài. Những đêm mưa rét, trong ngôi nhà đơn độc cuối chân đồi, những người đi bắt ếch, bắt rắn đêm, nghe rõ tiếng ho khan của lão.
Tuổi càng cao, sức khỏe càng giảm. Người già mà trong lòng có nhiều ẩn ức, xuống sức nhanh lắm. Rồi một buổi sáng, đàn vịt nhà lão tự nhiên kêu gióng lên cạc cạc, hốt hoảng như đang bị trăn, rắn đuổi bắt. Hai con chó nhà lão cũng ra ngõ tru lên từng hồi…
Sau đó, chúng chạy đến các nhà, cuống quýt như muốn thông báo một tin gì đó hệ trọng lắm. Chắc lão già có chuyện rồi. Hàng xóm vội chạy đến. Lão nằm trên giường, đã tắt thở từ lúc nào. Hai tay lão bắt chéo trên bụng như chuẩn bị cho tư thế trước lúc ra đi...
Đám ma lão diễn ra vào bữa trời đổ mưa phùn gió bấc. Thằng con trai lão không về, mà lão có điện báo cho nó đâu? Lão coi như không có nó. Đi sau quan tài lão, chỉ có hai con chó ủ rũ. Những người đưa tang mặt tái đi vì lạnh. Tôi đã từng nghe nhiều người kể về chuyện những con chó trung thành với chủ. Khi chủ chết, chúng ra nằm canh gác bên mộ, nhịn ăn rồi chết theo chủ. Giờ mới được chứng kiến tận mắt.
Khi người ta khâm liệm lão xong, cả hai con chó cứ lấy chân trước cào vào cỗ quan tài, kêu ư ử, mắt lóng lánh nước. Chắc chúng cũng biết rằng, “cha nuôi” của chúng đã “đi xa” rồi đây, số phận chúng cũng chả còn những tháng ngày tốt đẹp nữa. Rõ ràng là chúng đang than khóc theo kiểu của loài chó. Nhất là khi người ta hạ huyệt, cả hai con chó đều nhìn lên trời, tru từng hồi thảm thiết.
Chôn cất lão xong, tất cả người làng đều chứng kiến cả hai con đều nằm lại bên mộ chủ, gọi mấy, chúng cũng không về. Tuần sau ngày lão chết, có người đi chăn trâu trên đồi kể lại, thấy cả hai con cứ nằm phục bên ngôi mộ hết ngày nọ, sang ngày kia, thương chúng đói, mang cho bát cơm, nhưng cả hai con chỉ ngửi qua, chứ không ăn...
*
Một năm sau ngày lão chết, thằng con trai lão mới mò về. Hắn muốn tìm trích lục đất để bán tất tài sản của cha hắn. Khi hắn ra Ủy ban xã trình bày nguyện vọng thì mới biết, trước khi chết, cha hắn đã làm tờ di chúc chuyển nhượng toàn bộ đất vườn, nhà để làm chốn nương thân cho những bậc làm cha làm mẹ nào bị con cái bạc đãi. Ủy ban xã bàn giao cho Hội Người cao tuổi trông coi. Nguồn thu nhập thường xuyên của khu đất vườn nhà lão được sung vào quỹ Hội, dành giúp đỡ những người già nua cô đơn, không nơi nương tựa...
Âu cũng là một kiếp người.
Truyện ngắn của Trịnh Tuyên
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/mot-kiep-nguoi-578436/