Một kỳ họp, nhiều kỳ vọng
Trong 9 dự án luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (khai mạc hôm nay, 23-10) có 3 dự án luật được quan tâm rất nhiều: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi).
Trong số này, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, công phu nhất. Sau 10 năm thi hành Luật Đất đai 2013, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng mặt trái cũng nảy sinh không ít. Thực tế cho thấy nguồn lực đất đai chưa được khai thác tốt để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tình trạng chuyển nhượng đất công trái luật, tham nhũng, tiêu cực về đất đai vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi; thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường và tái định cư sau thu hồi đất chưa được thực thi công bằng, hài hòa lợi ích giữa nhà nước - chủ đầu tư và người dân. Khiếu nại, xung đột liên quan đất đai vẫn phức tạp, chiếm phần lớn trong tổng số các vụ khiếu tố hằng năm. Chính vì thế, sửa đổi Luật Đất đai không chỉ nhằm bịt kín những kẽ hở pháp lý, giúp thi hành luật một cách nghiêm minh, thống nhất mà còn để giải quyết hài hòa nhiều vấn đề khác trong cuộc sống.
Cũng chính vì vậy mà việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 được tiến hành đồng bộ với việc sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Ba năm gần đây, bên cạnh những vướng mắc từ Luật Đất đai thì những luật như Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Xây dựng… cũng tồn tại hàng loạt vấn đề bất hợp lý, cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản, làm chậm tiến trình xây dựng nhà ở xã hội. Thị trường bất động sản ảm đạm trong thời gian dài, ảnh hưởng dây chuyền đến hàng loạt ngành như xây dựng, ngân hàng, thương mại - dịch vụ, các địa phương và hàng triệu người lao động, tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế - xã hội.
Do đó, các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được kỳ vọng rất nhiều, mong sau khi được Quốc hội thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống.
Bên cạnh những điều trên, cử tri cũng tin tưởng Quốc hội sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát tối cao. Ngoài các phương thức như xem xét báo cáo công tác, xem xét báo cáo chuyên đề, lấy phiếu tín nhiệm… thì hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội (được truyền hình, truyền thanh trực tiếp) sẽ không chỉ giúp các đại biểu Quốc hội mà toàn thể cử tri, người dân cũng được nắm bắt, theo dõi cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành. Nét mới của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là sẽ nêu lại một số nội dung đã chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đánh giá mức độ chuyển biến, làm rõ trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo. Như vậy, những nội dung về đất đai, bất động sản đã từng đưa ra chất vấn tại các kỳ họp trước có thể được giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 6 để làm rõ kết quả thực hiện lời hứa trước Quốc hội, chỉ rõ trách nhiệm công vụ…
Đi đến cùng vấn đề nhằm mang lại kết quả tốt nhất cho đất nước và nhân dân - chức năng giám sát của Quốc hội, vì thế, luôn được cử tri trông đợi.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/mot-ky-hop-nhieu-ky-vong-20231022214923848.htm