Một lễ hội mẫu mực

Đền Hùng, nơi hội tụ và kết tinh những nét văn hóa đặc sắc của người Việt, nơi có mồ miếu Tổ Tiên của con Lạc cháu Hồng, đã được tu bổ, tôn tạo xứng đáng là 'công viên lịch sử' như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm Đền Hùng năm 1962.

Con Lạc cháu Hồng trong ngày Giỗ Tổ.

Con Lạc cháu Hồng trong ngày Giỗ Tổ.

Nghi thức hành lễ trang trọng

Ngày hội tụ những người lính của Đại đoàn quân Tiên phong về tiếp quản thủ đô, hẳn là Bác Hồ đã có hàm ý sâu sắc khi chọn Đền Hùng là nơi gặp gỡ, căn dặn cán bộ, chiến sỹ. Bác cũng đã nhiều lần về thăm Đền Hùng, có nhiều chỉ đạo về xây dựng và tu bổ Đền Hùng. Theo ông Nguyễn Tiến Khôi (Chủ tịch Hội Sử học Phú Thọ), Bác Hồ rất cẩn trọng và thể hiện kính lễ tuyệt đối khi lên Đền Hùng thắp hương Tổ Tiên. Bác căn dặn nhiều việc phải làm đối với nhân viên Ban quản lý Khu di tích về việc coi sóc Đền, chăm sóc rừng...

Theo ông Khôi, tính mẫu mực của Lễ hội Đền Hùng thể hiện ở nhiều mặt. Trước nhất có thể thấy trong nội dung chúc văn tế lễ hằng năm do Chủ tế (đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ) đọc và nghi thức hành lễ của ngày chính Giỗ.

Bài tế lễ ngày Quốc giỗ đọc tại điện Kính Thiên có nội hàm sâu sắc, tỏ lòng thành kính. Chúc văn đã được chính cụ Vũ Khiêu, nhà văn hóa lớn của dân tộc, viết khi cụ còn sống với những câu từ chắt lọc tinh hoa nhất của ngôn ngữ, văn hóa Việt. Văn tế toát lên toàn cảnh non sông, dòng chảy lịch sử Việt từ thuở dựng nước với công lao to lớn của Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ qua 40 thế kỷ. Trải qua giông bão xâm lăng, dải đất Việt vẫn trường tồn và phát triển, có Phù Đổng diệt thù, Sơn Tinh trị thủy, có Chử Đồng Tử ngọc sáng gương trong, có Mai An Tiêm lao động dời non lấp bể, có gái Anh hùng Trưng nữ Triệu Trinh, có trai dũng lược Phùng Hưng, Lý Bí, rồi sóng Bạch Đằng, gió Như Nguyệt, cơn cuồng nộ của Hưng Đạo Vương... Cho tới thời hiện đại có Chủ tịch Hồ Chí Minh cực kỳ ưu tú của nhân loại với lời dạy thiêng liêng "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước". Và đặc biệt trong văn tế hằng năm đều có đoạn ngắn về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của năm đó kính cáo Tổ Tiên rất rõ ràng.

Nghi thức hành lễ được coi là trang trọng và chuẩn mực gần như tuyệt đối với sự tham gia của một nguyên thủ và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cùng đông đảo nhân dân tham gia ngày chính Giỗ (mùng 10 tháng 3 âm lịch). Theo nhà sử học Nguyễn Tiến Khôi, đây là điều trang trọng cực kỳ cần thiết thể hiện tấm lòng thành kính của người đứng đầu cả đất nước cho đến con dân nước Việt (cả trong và ngoài nước) đối với các Vua Hùng, và không cần điều chỉnh gì thêm. Có chăng, hệ thống âm thanh loa đài cài tại quần thể núi Nghĩa Lĩnh cần được đầu tư tốt hơn để nhân dân tụ về hành hương hôm đó nghe được rõ hơn, tăng tính xúc động giọng đọc của Chủ tế, đồng thời tiếng loa hướng dẫn nhân dân chủ động hơn trong giữ gìn trật tự chung cho buổi lễ giỗ.

Để có một Đền Hùng trang nghiêm, đẹp đẽ

Ông Lê Trường Giang (Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng), quản lý và coi sóc một di tích lịch sử đặc biệt của Quốc gia như Đền Hùng là trọng trách lớn. Đền Hùng hiện ngày càng thu hút đông đảo đồng bào và du khách hành hương, và chính nhân dân đã đóng góp công đức tu bổ, tôn tạo không gian cảnh quan di tích thêm trang nghiêm, đẹp đẽ. Đền Hùng hôm nay xứng đáng là "công viên lịch sử" như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm Đền Hùng năm 1962.

Theo ông Hà Kế San- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, báo chí chung tay với Phú Thọ để tổ chức thành công lễ hội Đền Hùng, quảng bá đậm nét về hai di sản của nhân loại là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ”. Các phóng viên, nhà báo cũng chính là con Lạc cháu Hồng cùng tổ chức Giỗ Tổ, khẳng định rõ nét hơn nữa những nỗ lực, cố gắng của chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị các di sản văn hóa trên quê hương đất Tổ. Và đặc biệt, các nhà báo đã giúp Phú Thọ nêu lên những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức để xây dựng Lễ hội Đền Hùng trở thành lễ hội mẫu mực của cả nước.

Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm xây dựng, tôn tạo và nâng tầm ý nghĩa Đền Hùng qua những Dự án tổng thể, Quy hoạch bảo tồn, quy hoạch điều chỉnh cục bộ, phân khu... Đó là thuận lợi lớn nhưng cũng là thách thức cho việc quản lý, chăm sóc Đền Hùng ngày nay. Đây có đền, chùa, tháp, bảo tàng, Lăng Vua Hùng, rừng nguyên sinh, quảng trường, khu hàng lưu niệm, và hàng loạt các công trình, cảnh quan phục vụ lễ hội rất bề thế, khang trang, tạo ấn tượng tốt đẹp cho đồng bào hành hương về lễ Tổ.

Chỉ riêng việc dọn rác, vệ sinh chung và chăm sóc rừng cho cả quần thể Khu di tích rộng lớn đã là rất vất vả. Hàng trăm con người trực tiếp hằng ngày quản lý và chăm sóc Đền Hùng rất bộn việc. "Chúng tôi tự hào, thấy vui trong lòng khi được hương khói cho Tổ Tiên, lại thấy đồng bào và du khách được đi dưới khung cảnh như công viên, cây rừng xanh mát, hoa lá cỏ cây khoe sắc", ông Giang xúc động nói với PV Đại Đoàn Kết, và cho biết hằng năm ở Đền Hùng trồng mới hàng nghìn cây xanh, tạo môi trường sinh thái xanh sạch đẹp, đa dạng hệ sinh thái, chắc chắn Đền Hùng hiện là điểm đến xứng đáng.

Đội ngũ nhân viên Khu di tích liên tục, nhiều lần trong ngày kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh, mỹ quan văn hóa, thái độ phục vụ... Quản lý dịch vụ của hàng trăm xe điện trong khu di tích, tạo sự thuận lợi trong việc đi lại và hạn chế tối đa những phiền toái mà dịch vụ xe ôm tự phát mang đến cho du khách, nỗ lực tạo nên một hình ảnh đẹp trong lòng du khách. Trên các tuyến đường nội bộ, các khuôn viên vườn hoa cây cảnh được chăm sóc, trồng bổ sung và cắt, tỉa gọn đẹp. Hệ thống đèn chiếu sáng và đèn trang trí được sửa chữa, thay thế. Khu di tích có nhiều khẩu hiệu, hướng dẫn lối đi, lắp đặt thùng rác thuận tiện nâng cao ý thức du khách và phù hợp với cảnh quan.

Một lễ hội an toàn

Giờ đây du khách có thể tận mắt chứng kiến một Đền Hùng sạch đẹp. Những khu vực bán hàng ăn, đồ lưu niệm gọn gàng, giá cả theo quy định được niêm yết rõ, và đặc biệt chắc chắn không có bất kỳ ai bị chèo kéo, chộp giật. Du khách hoàn toàn được ngồi nghỉ miễn phí với thái độ thân thiện của người Đất Tổ...

Năm nay, theo Đại tá Nguyễn Minh Tuấn (Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ), để đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội, nhất là đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khách quốc tế đến dâng hương, tham dự lễ hội, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch bảo vệ, huy động hàng ngàn cán bộ chiến sỹ tham gia, phối hợp với các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an. Với kinh nghiệm bảo vệ lễ hội thành công nhiều năm, Công an tỉnh Phú Thọ luôn kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm hình sự khác, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Các lực lượng ứng trực 100% quân số 24/24h tại tất cả các chốt, các đền, vừa hướng dẫn du khách, vừa phát hiện, kịp thời xử lý vụ việc. Tại đây có trang bị hệ thống camera an ninh quanh Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và các điểm quan trọng trên địa bàn thành phố Việt Trì, kịp thời xử lý mọi tình huống.

Tùng Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mot-le-hoi-mau-muc-5683765.html