Một loạt các bang của Mỹ ra lệnh người dân ở nhà vì COVID-19

Người dân Mỹ đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 - Ảnh: AFP/TTXVN

* 150 tổ chức kêu gọi Mỹ không độc quyền thuốc điều trị COVID-19

Ngày 30/3, chính quyền khu vực DMV, gồm các bang Maryland, Virginia và thủ đô Washington, cùng bang Arizona đã ban hành lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà ngoại trừ trường hợp thiết yếu nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trong thông báo, Thống đốc bang Maryland Larry Hogan cho biết lệnh giới nghiêm tại bang này sẽ có hiệu lực từ 20 giờ cùng ngày (theo giờ địa phương). Theo đó, người dân toàn bang không được ra tập thể dục ngoài trời cũng như dắt chó đi dạo. Chỉ những doanh nghiệp thiết yếu được mở cửa, tuy nhiên cũng phải hạn chế hoạt động. Thống đốc Hogan cũng khẳng định sẽ xử phạt những trường hợp vi phạm. Mức phạt có thể lên tới 5.000 USD, hoặc bị đi tù 1 năm hoặc cả hai hình thức trên.

Trong khi đó, Thị trưởng thủ đô Washington Muriel Bowser khuyến cáo người dân tại thủ đô cũng chỉ nên ra ngoài trong những trường hợp thật cần thiết như mua thực phẩm, hoạt động kinh doanh cần thiết hay thực hiện nhiệm vụ của chính phủ. Những trường hợp vi phạm có thể bị xử phạt hoặc bỏ tù. Chính quyền của thủ đô cũng khuyến khích bất cứ ai có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2 cần lập tức liên hệ qua điện thoại với bác sĩ hoặc cơ sở y tế do hiện có 3 bệnh nhân tại Washington DC đã tử vong đều do không đến bệnh viện và không được xét nghiệm.

Ngoài ra, thành phố cũng đã lập một địa điểm xét nghiệm dành riêng cho nhân viên Sở Cảnh sát và Sở Cứu hỏa. Hiện có 5 cảnh sát, 14 lính cứu hỏa, 1 nhân viên của chính quyền thành phố và 4 nhân viên của Sở Giáo dưỡng dương tính với virus SARS-CoV-2, kéo theo 498 người bị cách ly.

Đối với bang Virginia, Thống đốc bang Ralph Northam thông báo sẽ thực hiện lệnh “ở nhà” bắt đầu ngày 30/3 và kéo dài tới ngày 10/6 do có rất nhiều người dân không tuân theo hướng dẫn, vẫn tập trung đông người tại các bãi biển và nhiều địa điểm khác.

Cùng với chính quyền khu vực DMV, Thống đốc bang Arizona Doug Ducey cũng ban hành lệnh yêu cầu người dân không đi ra ngoài cho tới cuối tháng Tư, tuyên bố đây là nỗ lực của chính quyền bang nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Lãnh đạo bang nhắc nhở người dân Arizona duy trì thói quen tốt để giữ sức khỏe và tìm cách để có thể giao tiếp với bạn bè và người thân trong khi vẫn ở nhà.

Trước đó, một số bang như California hay Michigan cũng ban hành lệnh trên nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Mỹ hiện đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo số liệu của worldometers.info cập nhật lúc 7 giờ 15 ngày 31/3 (giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận 163.479 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 3.148 ca tử vong. Trên cả thế giới, số người nhiễm là 784.381 và số người tử vong là 37.780 người.

Trong diễn biến khác, Chính phủ Mỹ và công ty Johnson&Johnson (J&J) ngày 30/3 quyết định sẽ cùng đầu tư 1 tỉ USD để sản xuất hơn 1 tỉ liều vắcxin ngừa virus SARS-CoV2 gây dịch COVID-19 mà công ty này đang thử nghiệm. Theo thỏa thuận, Chính phủ Mỹ sẽ chi 421 triệu USD để hỗ trợ công ty xây nhà máy sản xuất vắcxin này tại Mỹ.

Theo báo New York Post, J&J cho biết công ty đã chọn được loại vắcxin tối ưu và sẽ tiến hành thử nghiệm trên người vào tháng Chín tới nhằm có vắcxin để được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào đầu năm 2021, nhanh hơn rất nhiều so với thời gian thông thường để thử nghiệm, cấp phép và sản xuất một loại vắcxin mất tới 18 tháng.

Giám đốc phụ trách Khoa học của công ty J&J, ông Paul Stoffels, cho biết công ty bắt đầu xây dựng nhà xưởng ngay từ bây giờ, dù chưa biết kết quả thử nghiệm vắcxin có mang lại kết quả mong đợi hay không. Ông Stoffels nói thêm công ty hiện có nhà máy ở Hà Lan có thể sản xuất khoảng 300 triệu liều vắcxin, nhưng số lượng như vậy không thể đủ cho thế giới.

Ông Stoffels hé lộ rằng vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 sẽ được sản xuất dựa trên công nghệ đã từng được sử dụng để điều chế vắcxin chống Ebola vốn đã được sử dụng rộng rãi và được chứng minh an toàn với con người. Trước mắt J&J sẽ thử nghiệm vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 trên động vật vào mùa hè này.

Cũng trong ngày 30/3, hơn 150 tổ chức và cá nhân đã hối thúc công ty công nghệ sinh học Gilead của Mỹ không đăng ký độc quyền đối với thuốc remdesivir đang được thử nghiệm trong điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trong thư ngỏ gửi tới Giám đốc điều hành của Gilead, ông Daniel O'Day, 145 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) và Oxfam, cùng 12 cá nhân khác đã chỉ trích việc công ty này đăng ký bằng sáng chế thuốc remdesivir tại hơn 70 quốc gia. Điều đó đồng nghĩa những quốc gia này có thể cản trở việc phát triển thuốc tương đương sinh học với loại thuốc nói trên tới năm 2031.

Nội dung thư có đoạn "Chúng tôi yêu cầu Gilead hành động ngay lập tức nhằm đảm bảo tính sẵn có, chi phí phù hợp và khả năng tiếp cận nhanh chóng đối với thuốc remdesivir trong việc điều trị bệnh COVID-19 cho tới khi các kết quả thử nghiệm lâm sàng chứng minh được tính hiệu quả. Chúng tôi vô cùng quan ngại về cách tiếp cận hiện nay của Gilead đối với thuốc remdesivir..." và "không thể chấp nhận" việc Gilead kiểm soát độc quyền loại thuốc này.

Hơn 150 tổ chức và cá nhân nói trên cũng hối thúc Gilead tuyên bố không đăng ký sản phẩm độc quyền loại thuốc trên, đồng thời cho rằng "cách tiếp cận độc quyền và dựa trên một phía sẽ khiến thế giới thất bại trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Ngay bây giờ, Gilead phải hành động vì lợi ích của mọi người!".

Trước đó, trong thư ngỏ đăng trên trang web của Gilead, Giám đốc điều hành O'Day nhấn mạnh công ty này hy vọng remdesivir có thể được phê chuẩn là một loại thuốc an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh COVID-19. Ông cũng khẳng định nếu remdesivir được phê chuẩn, Gilead sẽ làm việc để đảm báo giá thành phải chăng và nguồn cung sẵn có, giúp các bệnh nhân có thể tiếp cận với loại thuốc này.

Thực chất remdesivir không phải là thuốc mới, bởi loại thuốc này vẫn đang trong quá trình phát triển nhằm ngăn ngừa các chủng virus khác, trong đó có virus Ebola, và các kết quả ban đầu cho thấy thuốc này không có hiệu quả. Thuốc chưa được phê chuẩn trong điều trị đối với bất kỳ bệnh nào.

Tuy nhiên, remdesivir đã được đưa vào các cuộc thử nghiệm lâm sàng mới đây tại Trung Quốc cũng như tại châu Á, và hồi đầu tháng này, các bác sĩ cùng quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bruce Aylward tuyên bố "hiện chỉ có một loại thuốc duy nhất chúng tôi nghĩ rằng có thể có hiệu quả thực sự. Đó là remdesivir”.

Giới chuyên gia đánh giá công ty Gilead có thể "bỏ túi" tới 2,5 tỉ USD từ việc sản xuất loại thuốc kháng virus này.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/236955/mot-loat-cac-bang-cua-my-ra-lenh-nguoi-dan-o-nha-vi-covid-19.html