Một loạt chỉ số kinh tế thấp hơn kỳ vọng, những bài toán hóc búa nào đang thách thức Trung Quốc?
Thế giới kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi sau đại dịch với các dự báo về xuất khẩu và đầu tư được cho là bùng nổ mạnh mẽ. Tuy nhiên, một loạt đánh giá kinh tế mới nhất, từ sản lượng công nghiệp, tài chính bất động sản, chi tiêu cơ sở hạ tầng và đầu tư nước ngoài đều cho thấy kết quả thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Tại phiên họp ngày 16/6 của Bộ Chính trị Trung Quốc, Thủ tướng Lý Cường đã trình bày với Hội đồng Nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kế hoạch thúc đẩy "tính hiệu quả" bên trong nền kinh tế trì trệ.
Một tuyên bố từ Hội đồng nhấn mạnh: "Để đối phó với bối cảnh kinh tế đang thay đổi, bắt buộc phải đưa ra các chính sách mạnh mẽ hơn. Những chính sách đáp ứng các điều kiện cần thiết phải nhanh chóng được công bố và thực hiện không chậm trễ".
Đà phục hồi không như mong đợi
Tuy nhiên, những biện pháp đó cụ thể sẽ là gì, hoặc khi nào các biện pháp này sẽ được thực hiện thì không được nêu chi tiết.
Nhưng đây là một sự thừa nhận rõ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị đình trệ. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố chiến thắng Covid-19 vào cuối năm ngoái và bất ngờ kết thúc chiến dịch phong tỏa kéo dài 3 năm.
Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc báo cáo hiệu suất tốt hơn mong đợi trong quý đầu tiên của năm 2023 nhưng sự phục hồi kinh tế không được duy trì. Giai đoạn tháng 4-6/2023 ghi nhận tốc độ tăng trưởng là 0%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tại Trung Quốc tăng vọt lên 20%. Các khoản nợ của hộ gia đình và địa phương đang tăng lên. Lĩnh vực bất động sản vẫn suy yếu với mức giảm 22%.
Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã tiến hành "khử rung" nền kinh tế đang bị đình trệ. PBoC tiến hành cắt giảm một số lãi suất chính. Các nhà phân tích mong đợi nhiều động thái hơn trong những tuần tới.
Mức độ quan ngại về kinh tế của Bắc Kinh có thể được nhìn thấy trong các thông điệp của giới chức Trung Quốc. Năm 2023, Trung Quốc đã chuyển sang áp dụng các mối quan ngại về "an ninh quốc gia" đối với một số báo cáo kinh tế quan trọng. Bắc Kinh cũng coi các công ty kiểm toán đa quốc gia là rủi ro "an ninh quốc gia".
Năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm xuống 50,7%, từ hơn 70% vào năm 2013. Theo các nhà phân tích, điều đó phản ánh xu hướng của các thỏa thuận thương mại và đầu tư hiện nay. Ngay cả các triệu phú của Trung Quốc dường như cũng đang tìm đường "tháo chạy". Dự kiến Trung Quốc sẽ ghi nhận sự mất mát của 13.500 cá nhân như vậy trong năm 2023, tăng từ mức 10.800 người vào năm 2022.
Một sự thay đổi phi thường là cần thiết để kinh tế Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là khoảng 5%. Người phát ngôn của Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Meng Wei cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi. Bà nói: "Trong quá trình phục hồi kinh tế, những biến động tạm thời trong một số lĩnh vực nhất định là bình thường”.
Nhưng Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đã cảnh báo về "áp lực gia tăng" trong nền kinh tế trong nước. Cơ quan này cho biết, sản xuất công nghiệp, đầu tư bất động sản, doanh số bán lẻ và thương mại đều không đạt được như dự đoán và đưa ra cảnh báo về áp lực giảm phát.
Dù vậy, theo tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, nước này đã bước vào một giai đoạn phát triển mới và quá trình chuyển đổi từ tăng trưởng tốc độ cao sang chất lượng cao sẽ cải thiện cấu trúc và chất lượng kinh tế.
Những phân tích của truyền thông phương Tây về kinh tế Trung Quốc thường không đáng tin cậy vì luôn phóng đại mặt tiêu cực, thổi phồng thuyết "Trung Quốc sụp đổ". Nếu các nhà đầu tư tin vào những đánh giá này sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn với Trung Quốc.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết, các vấn đề của nền kinh tế có nguyên do từ môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp và sự suy giảm trong thương mại và đầu tư toàn cầu. Nền kinh tế nói chung của Trung Quốc đang hồi phục và cải thiện, với nhu cầu thị trường phục hồi, sản lượng và nguồn cung tăng, giá cả và việc làm ổn định cũng như tiến bộ vững chắc trong phát triển chất lượng cao.
Giới chức nước này dường như cho rằng, các kế hoạch vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Chủ tịch Tập Cận Bình đang chuẩn bị đưa người dân về một "kỷ nguyên mới" của tăng trưởng kinh tế thấp nhưng thiên về chất lượng hơn số lượng.
Thách thức vẫn còn đó
Hơn 70% tài sản của Trung Quốc đổ vào bất động sản. Nhưng thị trường phát triển quá nóng đã dẫn đến việc các nhà phát triển phải bán tài sản sớm trước khi chúng được xây dựng và những chủ nhà tương lai đã phải gánh khoản nợ của họ.
Các chính quyền địa phương với nguồn thu nhập chính đã cạn kiệt, phải quay sang chính phủ trung ương và xin tài trợ – và đó là tăng học phí của trường công và học phí đại học tới 54%.
Thương mại quốc tế của Trung Quốc – nhập khẩu và xuất khẩu – chưa kịp phục hồi kể từ khi nước này chấm dứt chính sách đóng cửa đất nước. Các chính phủ toàn cầu và các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm cơ hội ở những nơi khác.
Theo Hội đồng Đại Tây Dương, các nhà đầu tư nước ngoài đã từ bỏ một lượng lớn tài sản của Trung Quốc trong hai năm qua. Chuyên gia Jeremy Mark của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: "Họ (các nhà đầu tư) đã bán một lượng lớn chứng khoán trong hai năm qua do các chính sách của Trung Quốc và căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng".
Đầu tư vào Trung Quốc sẽ trở nên rủi ro hơn và việc loại bỏ rủi ro sẽ trở nên phổ biến hơn.
Tuy nhiên, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, trong khi các phương tiện truyền thông phương Tây tuyên bố động lực kinh tế của Trung Quốc đang suy yếu, ngày càng có nhiều CEO đa quốc gia và các giám đốc điều hành cấp cao khác gần đây đã đến Trung Quốc, bày tỏ sự tin tưởng và lạc quan về triển vọng phát triển của nền kinh tế hàng đầu thế giới này.