Một loạt ngân hàng sắp tăng vốn khủng từ chia cổ tức
Sau khi vừa kết thúc mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ), một loạt NH đang cấp tập công bố chia cổ tức bằng cổ phiếu. Với kế hoạch cổ tức khủng, dự kiến vốn điều lệ (VĐL) của nhiều nhà băng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Tấp nập chia cổ tức
VietinBank vừa có Nghị quyết về việc phê duyệt Phương án tăng VĐL thông qua phát hành cổ phiếu, để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019.
Cụ thể, NH dự kiến phát hành 1,08 tỷ cổ phiếu, tương đương với 29,06% số cổ phần đang lưu hành để trả cổ tức. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và IV-2021. Sau khi phát hành, VĐL của VietinBank sẽ tăng từ 37.234 tỷ đồng lên 48.057 tỷ đồng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về việc phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại VietinBank. Theo đó, NH sẽ được bổ sung hơn 6.977 tỷ đồng theo tờ trình của NHNN để duy trì tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại NH này.
Quá trình chuẩn bị tăng VĐL cũng đang diễn ra rất sôi động ở nhóm NHTMCP. ACB dự kiến sẽ đạt mức vốn 27.019 tỷ đồng so với mức 21.615 tỷ đồng hiện nay (tăng thêm hơn 5.400 tỷ đồng) thông qua việc phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ cổ tức 25%). Phương án trên cũng đã được NHNN chấp thuận. Theo thông báo của NH, ngày 11-6 tới đây là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2020.
VIB cũng đã được NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận kế hoạch chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 40%. Theo đó, VĐL của nhà băng này sẽ được bổ sung thêm hơn 4.437 tỷ đồng, nâng mức vốn từ 11.094 tỷ đồng lên trên 15.500 tỷ đồng. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng là ngày 10-6-2021.
Ngày 11-6, VietBank (mã VBB) cũng sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019. Sau khi hơn 58,6 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 14% phát hành thành công, NH này sẽ tăng vốn thêm 586 tỷ đồng lên gần 4.800 tỷ đồng. Được biết, nguồn chia cổ tức này lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm 2017-2019 sau khi trích lập các quỹ.
Theo thông tin công bố hôm nay (3-6), NHNN cũng đã chấp thuận cho MB được tăng VĐL lần 1 theo đề xuất của NH, thêm tối đa hơn 9.795 tỷ đồng theo phương án dùng nguồn lợi nhuận để lại của năm 2020 và các năm trước để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 35%.
Cuối tháng 5-2021, SHB đã hoàn tất phát hành hơn 175 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 10%, nâng VĐL lên hơn 19.260 tỷ đồng. Bắt đầu từ ngày 1-6, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã nhận lưu ký số cổ phiếu này.
Hiện tại, nhà băng này đang hoàn thiện hồ sơ trình NHNN phương án tăng VĐL đã được thông qua tại ĐHCĐ thường niên năm 2021. Cụ thể là chi trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10,5% bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 100:28. Kế hoạch của NH này là VĐL sẽ tăng mạnh lên hơn 26.674 tỷ đồng trong năm nay.
Giá cổ phiếu "ủng hộ" kế hoạch của nhà băng
Năm nay, các NHTM tích cực hưởng ứng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu dù dù Chỉ thị số 01 của NHNN ban hành vào tháng 1-2021 không đề cập đến yêu cầu "các NH không chia cổ tức bằng tiền mặt" như năm 2020.
Theo dõi ĐHCĐ ngành NH năm nay cho thấy, quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì bằng tiền mặt của nhiều NH không còn vấp phải những phản ứng gay gắt của cổ đông như các năm trước. Nguyên nhân là vì trên thị trường, giá cổ phiếu NH liên tục tăng nóng.
Đương nhiên các NH cũng nắm được tâm lý này, tận dụng cơ hội tăng vốn thông qua kế hoạch chia cổ tức "khủng" với tỷ lệ phổ biến lên đến 25-30%. Đồng thời, việc phát hành cổ tức để tăng VĐL cũng cấp tập thực hiện sớm so với các năm trước. Nguồn vốn tăng thêm này sẽ giúp các NH đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn, tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Bởi theo một số tính toán đưa ra cho thấy, với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 12-13%, vốn chủ sở hữu của các NH tăng ít nhất khoảng 7-8%. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm thích hợp để tăng vốn bổ sung thêm nguồn tiền để cải tạo, đầu tư các dự án chiến lược trong những năm tới.
Trong một báo cáo mới đây, CTCK SSI nhận định, nhiều NH tư nhân đã có những đợt tăng vốn đáng kể để cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn trong năm 2017-2018, trong khi các NHTM có vốn nhà nước như Vietcombank và BIDV đã tăng vốn trong năm 2019. Kể từ sau những đợt tăng vốn đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các NH niêm yết đã vượt tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu.
Đồng thời, toàn hệ thống bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vốn nghiêm ngặt hơn theo Basel II từ năm 2019. Do đó, các NH cần bộ đệm vốn lớn hơn để duy trì đà tăng trưởng hiện tại, trong khi vẫn đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn đại dịch.
Song một số chuyên gia cũng lưu ý, chia cổ tức bằng cổ phiếu có hai mặt. Khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, nhà đầu tư phải chờ 2-3 tháng để cổ phiếu mới phát hành về tài khoản, sau đó mới có thể bán.
Nếu trong tương lai, giá cổ phiếu của nhóm NH tiếp tục đi lên, tài sản của các cổ đông tăng lên, nhưng sẽ bất lợi nếu giá cổ phiếu giảm. Đồng thời ở thời điểm hiện tại, áp lực pha loãng cổ phiếu khi phát hành tăng vốn có vẻ đang bị bỏ quên khi thị trường quá quan tâm vào diễn biến giá cổ phiếu NH tăng nóng.