Một miếng 'sim, me' từ Ngọc Chiến
Từ thành phố Sơn La về huyện Mường La khoảng 40km. Cũng khoảng ngần ấy km về xã Ngọc Chiến, xã gần cuối huyện, nơi giáp tỉnh Yên Bái. Từ đây sang xã Tú Lệ nổi tiếng gạo ngon của Yên Bái cũng chỉ khoảng 40km.
Con đường từ thành phố Sơn La về Mường La hơn 40 phút, đường dốc lên cao, mỗi lúc một cao, không hề dễ đi. Nhưng chừng ấy km về Ngọc Chiến thì khó khăn gấp bội. So với 40km về huyện Tú Lệ cũng vậy.
Đường về Ngọc Chiến là cả một quãng nhọc nhằn, rất dằng dặc gập ghềnh, đầy những đá hộc lổn nhổn. Thời gian cho chiều dài tương đương ấy nhẹ nhất cũng gấp ba hai chỗ kể trên nếu muốn đến nơi
Con đường ấy xấu là bởi thiên tai, cơn lũ quét đầu tháng 8 năm 2017. Một trận lũ quét kinh hoàng làm cả huyện Mường La chết và mất tích mười mấy người, xóa sổ một bản hơn 170 hộ dân, 191 nhà hư hại, phá nát hàng chục km đường, biến mất Trường THCS Nậm Păm. Thiệt hại tính ra trên 600 tỷ đồng.
Giờ trường Nậm Păm đã được xây lại rất khang trang, băng rôn chào mừng ngày khai giảng còn tươi roi rói. Nhưng đường xấu vẫn chưa sửa được, đúng ra sửa được đoạn này lại hỏng mất đoạn kia. Ruộng cũng từng mảnh được ghép lại.
Bọn trẻ con đi học dưới lòng suối Nậm Păm mùa cạn, lổn nhổn đá cục đá cuội to như quả bí, quả dưa, ít ra cũng bằng nắm đấm. Chẳng hiểu sao chúng nó không ngã khi phải ghì ghi đông bằng hết sức lực như thế, lại còn chở 2 chở 3…
Cái việc trẻ con đi học bằng xe đạp và xe đạp điện, hay là đi bộ dưới lòng suối cạn có gì đó giống như hành động mang tính biểu tượng. Biểu tượng vượt khó. Trẻ con miền núi luôn cứ phải là biểu tượng vượt khó.
Con đường đến trường của chúng nó, ở Mường La cũng như ở hầu hết mọi miền núi cao, vùng sâu vùng xa, là phải vượt qua những cây số lởm chởm đá núi cao, dù vẫn được gọi là đường.
Chúng có thể mất hàng tiếng đồng hồ gian nan để đến trường. Mà trường học, đau lòng thế, cũng chẳng phải nơi chắc chắn an toàn. Vụ sập cổng trường ở Lào Cai mới đây chẳng hạn.
Bộ Xây dựng vừa mới ra cảnh báo về những vụ sập trường tương tự. Cảnh báo chẳng khó, chịu trách nhiệm mới khó. Khó nên thỉnh thoảng lại có những vụ sập cổng tương tự mà không ai đi tìm hiểu từ nguyên nhân gốc rễ là gì mà giải quyết cho đến tận cùng.
Nhưng cứ nói với nhau những chuyện này mãi, tình hình cũng không khác lắm, đường sẽ làm lại, trường sẽ xây lại, trẻ con sau thiên tai nhân tai vẫn chịu khó vượt đường xa đến trường. Rồi lại bão, mưa, lũ quét...
Một khi rừng pơ mu chưa bị chặt hoàn toàn hết, thủy điện rất nhiều rồi vẫn còn đang xây tiếp, thì sự nháo nhào vẫn đấy, thiên tai ắt sẽ lại xảy ra. Tất nhiên khi rừng chẳng còn và thủy điện làm nát cả thượng nguồn sông Đà, thì thiên tai sẽ còn đương nhiên hơn nữa. Và chúng ta rồi cũng quen như đã quen mưa bão lũ quét lũ ống và quen vượt khó.
Vào một ngày mưa, gió táp rách nát lá những cây chuối dọc đường, hết sức vất vả để đi qua các xã Nậm Păm, Ít Ong..., đến với xã Nậm Chiến của Mường La, đi giữa gần chục đập thủy điện lớn nhỏ trên địa bàn một huyện, chúng tôi dừng lại một nhà dân ở ngã ba đường.
Và bất ngờ được ăn một món ăn chưa từng được ăn dưới xuôi. Me non ngắt xuống, lá đu đủ bánh tẻ, củ đậu thái mỏng, gừng non thái lát mỏng..., chủ nhà ngắt thêm nắm lá rau ngót. Rồi ngắt miếng lá đu đủ, đặt vào đấy lát củ đậu, lát gừng non, vài lá rau ngón và một mẩu quả me non.
Cuộn lại, chấm vào chẩm chéo. Ngon kỳ lạ. Một thứ có đắng, có chát, có chua, có mát hiền củ đậu, có nóng gắt ớt gừng... Có lẽ không ai có thể hình dung được sự tổng hòa các vị bình dị ấy thành ra một thứ lạ lùng đánh thức giác quan như thế.
Nhưng thế, vẫn chưa đủ, có ai đó buông xuống bàn một túm quả trông rất lạ. Quả sim, chủ nhà gọi thế, hoàn toàn khác với quả sim tím thông thường mọi người đều biết.
Quả sim này to gấp đôi trái bàng. Chủ nhà thái từng lát mỏng. Và thế là cái thứ gói ghém mấy loại lá kể trên có thêm vị nữa, hoặc bỏ me non thêm vài lát sim. Cứ thế, hết miếng nọ đến miếng kia, một rổ lá đu đủ, rau ngót, củ đậu, gừng non vơi nhanh chóng.
Thứ nước chấm làm từ ớt nướng, gừng, tỏi, bột gia vị, lá mùi tàu, hạt mắc khén... tất cả giã nát, cũng vơi nhanh chóng. Một bữa tiệc thanh đạm, tràn ngập cảm giác mạnh, diễn ra hết sức giản dị.
Chủ nhà bảo món sim, me, hay mình muốn thì gọi là món salad, món gỏi cuốn, cũng chẳng sai, là món quen thuộc của người Thái vùng này. Vào mùa xuân, mọi người ăn những trái nhót xanh, cuộn vào lá bắp cải non, rau mùi, lá tỏi..., theo cách thức tương tự, chấm vào nước chấm kể trên, cũng là món ngon quen thuộc.
Đôi khi đi qua những vùng đất chưa đến, ăn những món ăn chưa ăn bao giờ, cũng nghĩ ra được một cách lý giải điều gì đó. Chẳng hạn ở đây, những lát cắt cuộc sống tưởng chừng ít liên quan, những khó khăn và chịu đựng nơi khác khó hình dung, bỗng có cách nào đó để tồn tại cạnh nhau, như những vòng quay bánh xe lũ trẻ đi học trong lòng con suối cạn, như những vệt đường nham nhở vắt qua sườn núi, như rừng xanh lùi xa và quá nhiều bê tông chặn lại một khúc sông ở thượng nguồn…
Chỉ là tưởng tượng thế. Những món ăn quen thuộc và những xáo trộn không gian sống rốt cuộc cũng thành hòa hợp chẳng bởi một lý do nào.
Nhưng rõ là như cái miếng "sim, me" kia, đời sống của người dân trên này cũng đầy đủ những vị đắng, chát, cay... với những "nguyên liệu" người dưới xuôi mình chẳng thể hình dung tới. Và họ vẫn cứ phải "giữ thăng bằng" như cách lũ trẻ vượt qua lòng suối cạn.
Lũ trẻ ghì ghi đông xe. Còn họ, ghì vào cái gì?
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/mot-mieng-sim-me-tu-ngoc-chien-613121/