Một mình 'gánh nặng' hai vai

30 năm gắn bó với bà con nghèo, thầy Tê luôn gánh nặng hai vai: Thầy giáo dạy chữ và thầy thuốc chữa bệnh. Chừng ấy thời gian, người thầy tâm huyết đã 'sung' tiền lương vào làm từ thiện, được người dân trong vùng một mực quý trọng.

Thầy Huỳnh Văn Tê vừa là thầy dạy chữ, vừa là thầy thuốc. Ảnh: Hải Luận

Thầy Huỳnh Văn Tê vừa là thầy dạy chữ, vừa là thầy thuốc. Ảnh: Hải Luận

“Ngày mai Chủ nhật, người bệnh tới bốc thuốc đầy nhóc luôn. Dân trong xã đến nhiều, mấy xã khác cũng rần rần đến đây, dân bên Campuchia sang cắt thuốc từng bao xách về. Thầy chẳng lấy của ai đồng nào” - Một phụ nữ đứng tuổi ở bên nhà thuốc xởi lởi nói với tôi từ chiều tối hôm trước.

30 năm gắn bó với dân ghèo biên giới

Chị hàng xóm “chỉ điểm”, 8 giờ sáng, tôi đến nhà thuốc Nam ở xã Thượng Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nằm bên bờ sông biên giới Sở Thượng (đường biên giới Việt Nam – Campuchia ở giữa sông) thấy có rất nhiều bà con chờ thầy bắt mạch, bốc thuốc. Phía giữa nhà, có 6 người đang cần mẫn cầm toa thuốc thầy kê, đi hốt từng loại và gói cẩn thận. Ngoài đường, có mấy người đang cắt cây, tranh thủ phơi nắng buổi sáng. Thầy Huỳnh Văn Tê, chủ nhà thuốc từ thiện “chốt” ngay với tôi: “Bây giờ, khách đông lắm, tôi không thể nói chuyện với anh được”.

- Vậy lúc nào thầy rảnh? - Tôi hỏi lại.

- Đợi hết khách, 12 giờ trưa cũng không dừng, khách đông quá phải làm xuyên buổi trưa. Chiều có số khác lại đến.

Tôi lân la chụp ảnh và hỏi chuyện ngoài rìa với mấy người xung quanh, quay về Đồn Biên phòng Cầu Muống, BĐBP Đồng Tháp ăn cơm, 12 giờ quay ra nhà thuốc vẫn còn gần 10 người đang chờ thầy Tê xem mạch. Tiếp đó, có 2 người chạy xe máy từ tỉnh Long An đến nhờ thầy bốc thuốc. “Tháng trước, thầy bốc cho 20 thang thuốc về sắc uống, thấy người khỏe re. Đang vào vụ gặt lúa, tranh thủ bỏ một ngày làm, chạy sang nhờ thầy bốc thêm thuốc, loại này nó giảm đau nhức ban đêm hay thiệt” – Ông Quang Huỳnh tâm sự.

Hết khách, thầy Tê quay sang kể chuyện: “Lúc sáng đến giờ đã bốc gần 2.000 thang thuốc, bà con cô bác đến đây từ nhiều nơi như huyện Tân Hồng, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, hay thành phố Hồ Chí Minh... Rồi mấy người trên Nam Giang (Thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia) thường xuyên qua đây khám và lấy thuốc. Làm cả ngày không có rảnh rỗi được, xin nhà trường phân thời khóa biểu dạy tiết 1, 2. Dạy xong là về thẳng nhà thuốc giúp bà con, bệnh nhân cứ tới liền liền, mình đi làm phước đức nên không lấy của ai đồng nào”.

Ngược thời gian, năm 1991, thầy Tê tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp (Khoa Hóa – Sinh) và được điều động về Trường Trung học cơ sở Thường Lạc. Lúc ấy, xã biên giới này không có đường giao thông, đi lại chủ yếu bằng đò, người dân nghèo xơ xác. Thầy Tê có kiến thức bắt mạch, bốc thuốc Nam từ thời học phổ thông do một sư phụ ở chùa thành phố Sa Đéc (quê hương thầy Tê) truyền dạy. “Hết giờ dạy học, tôi vác dao, cuốc đi hái cây thuốc, mang về chặt, phơi khô. Chủ nhật, có ai cần, tôi bốc cho và hướng dẫn cách sắc uống. Cái phòng ở tập thể của trường trở thành kho thuốc, thấy bệnh giảm, người khỏe, bà con đồn nhau, ngày càng có nhiều người đến bốc thuốc. Tôi làm từ thiện từ những ngày đầu mới ra trường, 30 năm gắn bó với bà con vùng biên giới rồi”.

“Sung” toàn bộ tiền lương vào nhà thuốc

Nhà ở khu tập thể của trường đã quá tải, thầy Tê hỗ trợ bắt mạch, bốc thuốc ở trạm y tế xã, số lượng người đến bốc thuốc quá nhiều, cũng quá tải. Thầy Tê trút hết hầu bao tích góp bao nhiêu năm, với số tiền 80 triệu đồng để làm nhà thuốc to bên bờ sông biên giới Sở Thượng. “Nhà làm 2 gác bằng sắt và gỗ, đang làm bị thiếu tiền, tôi phải chạy đi xin mấy mạnh thường quân “tiếp” thêm mới hoàn thiện được nhà thuốc này. Phía trên để thuốc, phía dưới cũng để thuốc và có chỗ rộng khi bà con cô bác về đây ngồi chờ bốc thuốc” - Thầy Tê kể thêm chuyện làm nhà.

Để đảm bảo nguồn thuốc dự trữ và bốc thuốc thang hàng ngày cho mọi người bệnh, thầy Tê phần lớn dựa vào những bệnh nhân đã từng được thầy bắt mạch, bốc thuốc chữa khỏi bệnh, họ quay trở lại tình nguyện làm từ thiện ở nhà thuốc với thầy Tê. “Trước đây, bệnh của tui nặng lắm, đi chữa hoài ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Y Dược trên thành phố Hồ Chí Minh mà không khỏi. Nghe người ta nói thầy Tê bốc thuốc hay, tui đến thầy bốc thuốc về uống một thời gian thấy khỏe. Năm nay 83 tuổi, ngày nào tôi cũng đến đây làm phước với thầy. Bà đang làm ngoài đường cũng 80 tuổi rồi đó, chuyên lo phơi thuốc, bà làm cả ngày không có bệnh đau gì cả” - Bà Tô Thị Giòng, ở xã Thường Lạc chia sẻ.

Người dân trong vùng đến bốc thuốc Nam tại nhà thuốc của thầy Tê. Ảnh: Hải Luận

Người dân trong vùng đến bốc thuốc Nam tại nhà thuốc của thầy Tê. Ảnh: Hải Luận

Trường hợp ông Bùi Văn Chức, 65 tuổi, cũng có vợ bị bệnh giống như bà Giòng, được thầy Tê chữa khỏi. Từ năm 2011 đến nay, cả gia đình ông Chức tự nguyện đến phụ làm tại nhà thuốc Nam của thầy Tê, tổng số người phụ làm với thầy Tê lên đến 50 người. Đa số người tình nguyện đến đây làm đều là nông dân, khi vào vụ mùa, họ thay phiên nhau làm tại nhà thuốc và đi tìm lấy cây thuốc ở xa. Thầy Tê lướt qua công việc: “Số lượng cây thuốc cung cấp cho nhà thuốc có mấy nguồn: Thứ nhất, do chính anh em trong hội tự nguyện mang tới cho. Thứ hai, tôi phải tổ chức người đi hái, đào lấy, có nhiều khi phải chạy xe máy qua huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An) hoặc sang Campuchia... Anh thấy đấy, mới một ngày hôm nay đã bốc gần 2.000 thang thuốc, nếu một tháng là số lượng rất lớn. Chính vì vậy, phải đi lấy thuốc thường xuyên, tạo nguồn cung cấp không bị gián đoạn. Thời gian gần đây, có nhiều thầy giáo dạy ở các trường lân cận cũng tham gia đi lấy cây thuốc”.

Toàn bộ tiền lương giáo viên của thầy Tê đều sung vào chi tiêu ở nhà thuốc: Tiền ăn trưa cho trên dưới 10 người/ngày, tiền đổ xăng xe cho những thanh niên và người nghèo tham gia, rất nhiều khoản chi “không tên” khác nữa. Hết tiền lương, thầy Tê phải đi huy động mạnh thường quân “tiếp” chút đỉnh, nếu vẫn còn bị hụt thì vận động anh chị em trong hội đóng góp thêm. 30 năm qua, thầy Tê không vướng bận chuyện gia đình, thầy một mực chăm lo cho dân nghèo ở vùng biên giới.

Thầy Huỳnh Văn Tê, sinh năm 1968, chưa lập gia đình; được đào tạo cơ bản chuyên ngành hóa - sinh. Thầy đọc nhiều sách y khoa, kết hợp kinh nghiệm thực tiễn mấy chục năm nên rất vững tay nghề bắt mạch và bốc thuốc. “Mấy đứa học trò làm bác sĩ trên thành phố gặp những ca bệnh khó hiểu, điện về trao đổi. Tôi đưa ra phương án và cách xử lý của y học cổ truyền để mấy em tham khảo, ra quyết định với người bệnh” - Thầy Tê bổ sung thêm thông tin.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mot-minh-ganh-nang-hai-vai-post429052.html