Một mùa xuân nho nhỏ
Khi mọi người cảm nhận được cái rét ngọt luồn trong gió, mưa phùn rắc nhẹ rây rây trên tóc, trên lá non trong vườn, là lúc ta cảm nhận mùa xuân đã đến. Tết về! Những ngày này, khu vườn và mái chợ là nơi khiến người ta thích nhất, nhớ nhất và đẹp nhất.
Ở quê, nhà nào cũng có mảnh vườn nhỏ trước sân và sau nhà để trồng vài luống rau, đủ cung cấp cho bữa ăn gia đình. Mùa nào rau đó. Thời tiết mỗi mùa phù hợp để trồng từng loại rau khác nhau. Mùa cuối năm, mọi người thường trồng mấy luống hành, ngò, cà chua, các loại rau cải… đây cũng là những thứ rau phục vụ cho những bữa ăn dịp Tết cận kề.
Quê tôi ở Miền Trung, vùng Bắc Trung bộ. Dân quanh năm vất vả, nên món ăn ngày Tết nhiều lúc cũng đậm vị ngày thường. Để phục vụ Tết, những ngày cuối năm, đi qua vườn nhà ai cũng bắt gặp vài ba luống cải đủ loại, nào cải xanh, cải mồng gà, cải bắp, cải ngồng… Nhiều nhà đất rộng, họ còn dành hẳn một luống cải tốt nhất, ưng ý nhất, không thu hoạch mà để cho cải già trổ bông, chờ lấy hạt để giống cho mùa sau.
Những vạt cải hoa vàng - một màu vàng đặc trưng và lãng mạn, đến nỗi người ta đặt tên cho cái màu vàng ấy là màu hoa cải. Những ngày cuối năm, giữa cái “phông” màu trời luôn xam xám, ngày nào cũng như muốn rây mưa xuống mặt đất, thì những vạt cải xanh, những luống cải trổ vồng ra hoa vàng càng khiến người ta xao xuyến và khắc sâu mãi trong tâm trí bức tranh quê khi xa nhà.
Những ngày Tết cận kề, chợ quê tôi nhộn nhịp hẳn. Chợ chỉ tầm vài chục mái lều lợp lá cọ dựng trên gò đất trống, bên cánh đồng lúa ven làng, nhưng ngày nào cũng đông nghịt. Chợ quê nghèo ngày Tết nhộn nhịp và quá đỗi thân thương. Nhà ai cũng đi chợ bán sản vật có trong vườn nhà. Đó là mớ lá chuối, lá dong, đó là bó lạt gói bánh, là dăm bó hành, bó ngò, hay ít rau cải vừa hái ngoài vườn... Chỉ cần kiếm những đồng tiền nhỏ, mua hương, mua hoa, mua thịt, mua tấm áo mới cho con trẻ, vậy là Tết đủ đầy.
Chợ Tết khác chợ thường vì đi góc nào cũng ngửi thấy mùi hương trầm. Những người bán hàng đốt hương trầm như gửi đi một tín hiệu đặc trưng mà chỉ những ngày cuối năm mới có. Mùi hương trầm thoang thoảng trong gió, len qua các hàng quán trong chợ mà không hề vấy màu trần tục. Mùi trầm còn khiến người ta bồng bềnh, thư giãn và nôn nao tựa như với được đêm giao thừa trong tay vậy.
Hồi đó, Tết nhà nào bên mâm ngũ quả cũng có đôi câu đối đỏ và lọ hoa giấy đủ màu. Nhà nào “sang” lắm thì ra vườn chặt cành đào, hoa mỏng phơn phớt hồng, cắm lên bàn thờ cho thêm không khí Xuân đến, Tết về. Còn không thì sẽ ra chợ, nhín chút tiền mua vài cành hoa làm bằng giấy. Đó là những cành hoa làm thủ công, cắt giấy, nhuộm đủ màu xanh đỏ tím vàng rồi xếp cắt từng cánh, kết thành từng bông.
Cành hoa được làm bằng thanh nứa vót nhỏ, quấn cẩn thận bằng mẩu giấy màu xanh. Những bó hoa được người bán giắt thật khéo vào một thanh tre đã ốp bên ngoài một lớp rạ thật chắc, cột chặt lại bằng những sợi lạt khéo léo. Những bó hoa khổng lồ di động theo người bán từ góc chợ này sang góc chợ khác, sau đó lại theo gồng gánh của các mẹ, các dì về trang trí nhà ngày Tết.
Tôi đã đi nhiều nơi, đã đón những cái Tết sang trọng đủ đầy hơn, nhưng tôi vẫn xao xuyến nhớ những ngày rộn rã chờ Tết xưa. Bởi mùa xuân xưa, bởi cái Tết xưa đẹp và ấm cúng trong sự giản dị, an lành. Và khi đó, vườn nhà ai cũng đẹp như tranh, một bức tranh sống động trong không gian lành lạnh, lất phất những hạt mưa xuân, đọng trên những sợi tóc dịu dàng...
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhip-song/mot-mua-xuan-nho-nho_142659.html