Một năm 'được mùa' trên các bảng vàng quốc tế
Năm 2020, thành quả của Việt Nam đã được ghi nhận bởi các tổ chức quốc tế hàng đầu, với sự thăng tiến của các bảng xếp hạng, cũng như những dự báo tốt hơn về triển vọng phát triển. Điều này một lần nữa củng cố cho nhận định, năm 2020 là năm thành công nhất trong nhiệm kỳ này.
Gần đây nhất, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) ở Anh đã công bố báo cáo thường niên về 193 nền kinh tế, trong đó, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới vào năm 2035.
CEBR dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% trong giai đoạn 2021-2025, 6,6% trong 10 năm tiếp theo và đến năm 2035 sẽ vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Hai nền kinh tế này được CEBR dự báo có thứ hạng lần lượt là 21 và 25.
Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) công bố dự báo đến năm 2023, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trên trung bình. JCER dự báo thu nhập đầu người Việt Nam sẽ là 11.000 USD năm 2035 và quy mô kinh tế sẽ lớn thứ hai trong vùng, chỉ sau Indonesia.
Cũng về lĩnh vực này, “bảng vàng” được nhiều người chú ý là đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới. Định chế tài chính hàng đầu thế giới này nhìn nhận, GDP của Việt Nam sẽ đạt quy mô hơn 340,6 tỷ USD trong năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử vượt Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336,3 tỷ USD), đứng thứ 4 ở khu vực ASEAN.
Hồi tháng 8/2020, tạp chí The Economist đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.
Trong khi đó, theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) được hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance công bố, nhờ công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19, với ước tính 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới mất 13.100 tỷ USD trong năm nay, giảm từ 98.000 tỷ USD năm 2019 xuống còn 84.900 tỷ USD.
Cụ thể, hãng định giá thương hiệu của Anh nhận định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% so với năm ngoái, lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó, Việt Nam đã tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu" công bố hồi tháng 9 của hãng dự báo và phân tích tình hình kinh tế Oxford Economics, do Viện Kế toán công chứng của Anh (The Institute of Chartered Accountants in England and Wales) (ICAEW) ủy quyền, đánh giá triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam tươi sáng nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Việt Nam được cho là nền kinh tế duy nhất của khu vực sẽ đạt tăng trưởng dương trong năm 2020.
Một xếp hạng đáng chú ý nữa là Chỉ số quyền lực châu Á năm 2020 do Viện Lowy - viện nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu của Australia công bố hồi tháng 10. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 12 trong tổng số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, tăng một bậc so với năm ngoái.
Theo Viện Lowy, Việt Nam đã tham gia rất hiệu quả trong các diễn đàn và các sáng kiến thương mại khu vực, từ việc thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với tư cách là Chủ tịch ASEAN, cho đến nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng với 10 quốc gia thành viên khác. Ngoài ra, trong năm 2020, Việt Nam cũng đã cải thiện nhiều về năng lực kinh tế và tăng 3 bậc trong Chỉ số về mạng lưới quốc phòng.
Trong các lĩnh vực cụ thể khác, thứ hạng của Việt Nam cũng có sự gia tăng đáng kể. Kết quả xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2020 tăng 2 bậc so với năm 2018, xếp hạng 86/193 quốc gia, 23/47 quốc gia châu Á và 6/11 quốc gia Đông Nam Á.
Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo GII năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42 trong 131 quốc gia/nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019 và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN chỉ sau Singapore và Malaysia. Trong nhóm 29 quốc gia/nền kinh tế có cùng mức thu nhập được xếp hạng năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu. Tính chung trong các năm qua, Việt Nam nằm trong top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.
Về lĩnh vực giáo dục, năm 2020, Việt Nam có 4 trường đại học trong danh sách 1.000 trường tốt nhất thế giới; có 8 trường đại học trong danh sách 500 trường hàng đầu châu Á theo bảng QS University Rankings, 8 trường đại học được URAP xếp hạng, 21 cơ sở nghiên cứu/trường đại học được SCImago xếp hạng. Ngoài ra, 3 trường đại học đã được chứng nhận 3, 4 sao theo QS-Stars. Cũng trong năm 2020, theo thống kê, khoảng gần 80% học sinh Việt Nam đã học trực tuyến, xếp 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục để ứng phó đại dịch.
Về du lịch, những giải thưởng quốc tế vinh danh Việt Nam liên tục trong những năm gần đây đã mang tới thế giới hình ảnh một Việt Nam mới, đẳng cấp hơn, chất lượng hơn và hấp dẫn hơn. Tối 27/11, tại lễ trao giải Oscar của ngành du lịch thế giới - World Travel Awards (Nga), Việt Nam, một lần nữa, lại vượt qua các ứng viên sáng giá để được xướng tên ở hạng mục "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2020". Ngoài giải thưởng trên, Việt Nam còn được vinh danh với nhiều giải thưởng khác, từ lữ hành, hàng không, đến điểm đến, khách sạn, resort...
Năm nay, để đạt được giải thưởng danh giá này, Việt Nam đã vượt qua các ứng viên rất “nặng ký” là Brazil, Ai Cập, Hy Lạp, Liên bang Nga, Bồ Đào Nha và Saudi Arabia.
Trong lĩnh vực kinh tế số, Việt Nam có những bước tiến mạnh. Nhật báo Business Times (Singapore) đưa tin, các nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam đã mang lại tốc độ phát triển lớn nhất cho Việt Nam trong số các nền kinh tế tại châu Á-Thái Bình Dương. Theo báo cáo khảo sát 11 thị trường châu Á-Thái Bình Dương của công ty GSMA Intelligence, Việt Nam có mức tăng điểm cao nhất từ năm 2016 đến năm 2019. Tính đến hết năm 2019, Việt Nam xếp ở mức 49 điểm, tăng 12 điểm so với cách đây 3 năm.
Theo báo cáo mới đây về tình hình phát triển mạng 5G tại Đông Nam Á của Cisco Việt Nam, đến năm 2025, khu vực Đông Nam Á dự tính sẽ có khoảng 200 triệu thuê bao 5G, trong đó Việt Nam sẽ có hơn 6,3 triệu thuê bao. Việt Nam và Singapore dự kiến sẽ là hai quốc gia đầu tiên triển khai công nghệ 5G ở khu vực Đông Nam Á vào năm 2020-2021.
Trong khi đó, theo bảng xếp hạng Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu (GRETI) mà hãng Jones Lang LaSalle (JLL) công bố dựa trên đánh giá 99 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng 163 khu vực, thành phố theo 210 tiêu chí, độ minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam được xếp hạng 56 trên toàn cầu, bước vào nhóm các nước bán minh bạch lần đầu tiên sau một thập kỷ. Báo cáo đánh giá, trong 10 năm qua, Việt Nam đã từng bước trở thành điểm đến hàng đầu cho ngành công nghiệp sản xuất tại Đông Nam Á và thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể.
Lĩnh vực thể thao cũng có tín hiệu tích cực. Đội tuyển bóng đá Việt Nam kết thúc năm 2020 với vị trí thứ 93 trong tháng cuối cùng của năm 2020, tăng 1 bậc so với tháng 2/2020, tháng đầu tiên trong một năm theo bảng xếp hạng FIFA. Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam có được trong vòng 20 năm.
Đội tuyển Việt Nam vẫn dẫn đầu vị trí trong khu vực Đông Nam Á, xếp ngay sau là Thái Lan. Đội tuyển Việt Nam tiếp tục duy trì khoảng cách lên tới 18 bậc so với đội tuyển Thái Lan. Đội bóng xứ chùa vàng khép lại năm 2020 bằng việc cải thiện 2 bậc thứ hạng (từ 113 lên 111).
Để có được các thứ hạng nêu trên, từ kinh tế đến thể thao, theo các đánh giá, vinh quang đến từ các nỗ lực không ngừng nghỉ, khi Việt Nam vừa khống chế thành công dịch COVID-19, vừa bảo đảm phát triển toàn diện kinh tế-xã hội.