Một năm thực hiện EVFTA: Đã tận dụng được hết lợi thế?
Chiều 3/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Viện Konrad – Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến Công bố Báo cáo đánh giá một năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Sau 10 năm đàm phán, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2020 trong một bối cảnh đặc biệt, khi ả thế giới đang phải chống chọi với đại dịch Covid-19.
Với những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa, EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú huých đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh như nông, thủy sản.
Tuy nhiên, nhìn lại một năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mặc dù vẫn có những điểm sáng trong bức tranh thương mại giữa Việt Nam và EU, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tận dụng lợi thế từ EVFTA.
Nhiều thách thức từ trong lẫn ngoài
Theo PGS. TS. Nguyễn Anh Thu, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), sau một năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 39,8 tỷ USD tính đến ngày 31/7/2021, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2020. Hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước chuyển biến tích cực nhằm đáp ứng những yêu cầu của Hiệp định EVFTA.
Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý vấn đề thực thi pháp luật, nhất là trong lĩnh vực: sở hữu trí tuệ, quyền của người lao động và vấn đề bảo vệ môi trường. Việt Nam hiện phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ bên trong cũng như bên ngoài.
Chi phí thương mại của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN cũng như thách thức cạnh tranh trong tương lai khi mà EU đang đàm phán FTA với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Bà Thu cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động, cải thiện năng lực, chất lượng sản phẩm để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi, cho dù có hay không có FTA thì xu hướng sản xuất và giao thương theo chuỗi giá trị đã và đang diễn ra rất tích cực, chiếm một phần không nhỏ trong trị giá xuất nhập khẩu toàn cầu.
Đi vào cụ thể, bà Thu cho rằng, cải cách để đáp ứng đòi hỏi của Hiệp định EVFTA sẽ ngày càng khó và chậm hơn, trong khi đó, lợi thế tương đối của Hiệp định này cho Việt Nam đối với các nước trong khu vực sẽ ngày càng giảm đi nhanh hơn. Vì vậy, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật sao cho phù hợp với các cam kết trong Hiệp định.
Đồng thời, giảm bớt các thủ tục hải quan và các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, tăng năng lực điều hành cũng như giám sát đối với các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS) Việt Nam nhằm hạn chế vi phạm các qui định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật tại các nước nhập khẩu...
Đánh giá cao những lợi ích chiến lược mà EVFTA mang lại cho Việt Nam thông qua sự phát triển quan hệ thương mại-đầu tư đầy tiềm năng với một trong những đối tác lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam, ông Phạm Văn Long, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn, thách thức.
Nhóm nghiên cứu đã tiếp cận và phỏng vấn 8 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như nông sản, dệt may và đồ chơi thông minh; trong đó, có 7 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu trực tiếp và gia công hàng xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, chỉ có 2 doanh nghiệp cho biết, trị giá xuất khẩu sang thị trường EU tăng trong năm vừa qua nhờ vào việc đơn hàng tăng. Số còn lại đều giảm về mặt giá trị xuất khẩu sang thị trường EU.
"Nguyên nhân khiến việc giảm giá trị hàng xuất khẩu chủ yếu là do số lượng đơn hàng giảm, chi phí sản xuất gia tăng. Các điều kiện xuất khẩu thắt chặt hơn và chi phí logistics tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cước tàu biển tăng liên tục do sự khan hiếm container. Đặc biệt, vấn đề liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm trái cây, rau củ chính là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường EU", ông Long cho hay.
Cần gia tăng sức cạnh tranh
Một trong những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo của VEPR đó là hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước chuyển biến tích cực nhằm đáp ứng những yêu cầu của Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, Việt Nam đang đi theo chiến lược “dễ làm trước, khó làm sau” nên có thể dự báo tốc độ thay đổi cải cách luật pháp ở Việt Nam sẽ chậm dần so với yêu cầu của Hiệp định này.
Vấn đề đặc biệt cần lưu ý là việc thực thi pháp luật, trong đó những lĩnh vực đáng lưu ý nhất là Sở hữu trí tuệ, quyền của người lao động, doanh nghiệp nhà nước và vấn đề bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu.
Còn ông Frauke Schmitz Bauerdick - Giám đốc Cục xúc tiến thương mại và Đầu tư Đức tại Việt Nam (GTAI) nhìn nhận, EVFTA mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Ông cho rằng, EU là một đối tác lớn hơn ở trong Hiệp định EVFTA so với Việt Nam, chính vì thế, những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt là không nhỏ.
Theo ông Frauke Schmitz Bauerdick, Việt Nam nên khoanh vùng lại những thách thức đang đặt ra do EVFTA mang lại, có thể liên quan đến những tiêu chuẩn về luật pháp. Đồng thời, các cơ quan hoạch định chính sách cần đẩy mạnh hơn nữa việc công bố và chia sẻ thông tin với cộng đồng, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp họ có thể khai thác được tối đa hiệp định này.
Ông cũng nhấn mạnh, Hiệp định EVFTA sẽ tăng tính cạnh tranh trong khu vực ASEAN và đồng thời tăng tính cạnh tranh cho cả các công ty của EU.
"Hơn hết, Việt Nam cần gia tăng chất lượng về nguồn lực, vì đây chính là tài sản chính của quốc gia. Tăng cường về trình độ học thuật kỹ năng làm kinh tế, ngoại ngữ sẽ thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa EU với doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam", ông Frauke Schmitz Bauerdick khuyến nghị.
TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi vào thị trường EU vẫn là năng lực cạnh tranh, khi yếu tố này còn thấp.
“Mặc dù đã trải 14 FTA, nhưng năng lực cạnh tranh ở cấp doanh nghiệp và cấp quốc gia còn thấp. Bài toán đặt ra là chúng ta phải tích cực hơn nữa việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa, đây là việc hết sức quan trọng”, ông Phương chỉ rõ.
Ông Phương dẫn số liệu về việc Việt Nam hiện đang đứng thứ 31 về xuất khẩu trong số 240 nền kinh tế trên thế giới, là một cường quốc về xuất khẩu nhưng chủ yếu là số lượng chứ không phải chất lượng.
“Ước tính năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được 272,6 tỷ USD, còn năm 2021 dự báo sẽ hơn 300 tỷ USD. Thế nhưng giá trị gia tăng vào lại thấp, chúng ta vẫn còn kém xa các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines về giá trị gia tăng”, ông Phương nhấn mạnh, đồng thời cho rằng yếu tố giá trị gia tăng trong thời gian tới cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-nam-thuc-hien-evfta-da-tan-dung-duoc-het-loi-the-163804.html