Một năm vượt dịch và hành trình dựng 'một triệu chốt Covid-19' của Vĩnh Phúc
Là địa phương đầu tiên bị dịch tấn công trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4, tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2021 chủ động đưa ra các quyết sách linh hoạt để dập dịch, giữ đà tăng trưởng kinh tế-xã hội.
Chiều tối ngày 28/1/2022, anh Doãn Hữu Toản đáp chuyến xe từ Hà Nội về huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2022 với gia đình. Chưa vội về nhà, anh lên ngay trạm y tế xã để khai báo, đồng thời xuất trình một tờ giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 do anh tự nguyện kiểm tra.
Những ngày cuối năm, số ca mắc Covid-19 tại Vĩnh Phúc tăng cao, tuy nhiên cách chống dịch của Vĩnh Phúc vẫn giữ sự chủ động khi đã chuyển hướng phòng chống dịch bằng mệnh lệnh hành chính sang việc giao cho các đơn vị cơ sở thực hiện các giải pháp cụ thể. Người dân được trang bị "vũ khí" chống dịch cho riêng mình bằng dụng cụ test nhanh Covid-19. Việc chủ động phòng chống dịch ở từng cơ sở, ở mỗi người dân giúp giảm áp lực cho lực lượng y tế.
Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, tất cả người dân về quê chắc chắn không phải cách ly, tỉnh cũng không yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính. Trong các thông điệp phát đi rộng rãi, chính quyền yêu cầu mỗi người dân phải có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng khi trở về địa phương.
Bốn quyết sách đưa Vĩnh Phúc vượt dịch
"Một lãnh đạo Chính phủ hỏi thăm Vĩnh Phúc đã dỡ bỏ các chốt kiểm soát dịch Covid-19 sau Nghị quyết 128 hay chưa? Tôi trả lời rằng các chốt cứng đã được dỡ bỏ ngay lập tức, nhưng Vĩnh Phúc xây dựng được hơn một triệu chốt chặn khác khi mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch", ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc mở đầu câu chuyện với VietNamNet khi nhìn lại hành trình một năm 2021 nhiều khó khăn, thách thức và cả cơ hội.
Một năm căng mình chống dịch, Vĩnh Phúc vẫn đạt được những kết quả ấn tượng. Sáu tháng đầu năm 2021, Vĩnh Phúc tăng trưởng 14,21%, 9 tháng đạt 9,62%. Cả 6 và 9 tháng năm 2021 Vĩnh Phúc luôn đứng thứ 3 về tăng trưởng của cả nước. Đến cuối năm mức tăng trưởng trung bình đạt 8,02%. Thu ngân sách gần 33 nghìn tỷ đồng, đạt 107% dự toán.
Có một điều khá đặc biệt tại Vĩnh Phúc khi địa phương này luôn là nơi đầu tiên dịch bệnh tấn công. Cũng chính vì điều đó mà những cách làm về chống dịch chưa có tiền lệ cũng xuất phát từ Vĩnh Phúc rồi lan tỏa ra những nơi khác.
Biến chủng Delta xuất hiện từ cuối tháng 4 năm 2021, và tiếp tục “chọn” Vĩnh Phúc để thử thách khả năng phòng chống dịch Covid-19 của địa phương. Từ một nhóm người Trung Quốc vi phạm cách ly từ tỉnh Yên Bái xuống sử dụng dịch vụ tại tỉnh Vĩnh Phúc đã làm dịch lây lan. Trong vòng hơn một tuần, toàn tỉnh ghi nhận 89 ca mắc Covid-19.
Tốc độ lây lan khủng khiếp của biến chủng mới khiến Vĩnh Phúc chuyển trạng thái chống dịch từ truy đuổi sang “đánh chặn, bao vây, đón đầu”. Các nghị quyết về mở rộng xét nghiệm, nâng công suất xét nghiệm gấp 80 lần trong ba ngày đã giúp tỉnh khống chế dịch bệnh trong thời gian ngắn. Trong khi các địa phương gồng mình chống dịch, trong đợt dịch thứ tư, Vĩnh Phúc có 80 ngày không có ca mắc Covid-19.
Một chính sách được Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm là đón công dân từ vùng dịch về quê. Tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch xin Thủ tướng để được đón dân về trên các chuyến chuyến bay từ nguồn xã hội hóa. Có đến 32.000 công dân Vĩnh Phúc được đón về các địa phương.
Khi Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn với đại dịch, Vĩnh Phúc xây dựng chiến lược mới khi chống dịch dựa vào thế trận lòng dân. Với việc gỡ bỏ 18 chốt chặn kiểm soát tại các cửa ngõ, Vĩnh Phúc lập mới hơn “một triệu chốt” - khi xem mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch.
Theo ông Lê Duy Thành, kết quả về tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 thành công hay thất bại phụ thuộc chính vào yếu tố chống dịch tốt hay không.
Hoàn thiện hạ tầng đưa tỉnh “cất cánh”
Không khó để nhận thấy, định hướng tỉnh công nghiệp của Vĩnh Phúc được hình thành từ cách đây hơn hai thập kỷ. Chủ trương đưa Vĩnh Phúc thành tỉnh công nghiệp đang cho thấy sự đúng đắn khi đến nay, các khu công nghiệp đang tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đến nay, Vĩnh Phúc cơ bản đầu tư hạ tầng phục vụ các khu công nghiệp, kết nối địa phương, kết nối vùng tạo động lực kinh tế các vùng.
Theo ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hạ tầng giao thông được tỉnh xác định là trọng tâm để đầu tư trong kế hoạch đưa kinh tế của tỉnh “cất cánh”. Hiện nay, các tuyến giao thông huyết mạch đã được đầu tư đồng bộ, giao thông giữa các huyện, thành phố cơ bản kết nối.
Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc xác định xây dựng ba trục giao thông chính gồm trục đường từ Nội Bài (Hà Nội) đi qua Đại Lải (TP Phúc Yên) đến khu vực chân núi Tam Đảo (huyện Tam Đảo) với mục tiêu xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái, sân golf và các dịch vụ du lịch.
Trục thứ hai được tập trung xây dựng là từ đỉnh núi Tam Đảo xuyên qua TP Vĩnh Yên sẽ được mở rộng 100m, thậm chí có đoạn sẽ mở rộng 150m để tạo trục qua hồ Đầm Vạc rồi xuyên qua Yên Lạc đi thủ đô Hà Nội.
Trục thứ ba, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ mở rộng quốc lộ 2 bằng nguồn ngân sách từ Trung ương và địa phương. Tỉnh sẽ đầu tư xây dựng đường gom hai bên để kết nối với các tỉnh Phú Thọ, Hà Nội, Tuyên Quang. Cùng với đó, tỉnh sẽ đầu tư các tuyến đường khác ở cấp huyện để tạo đức lực lớn cho tỉnh tiếp đà tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc xác định rất rõ kinh tế vùng trong đó huyện Tam Đảo, hồ Đại Lải là phục vụ du lịch. Vùng kẹt giữa hai thành phố Phúc Yên và Vĩnh Yên là phát triển công nghiệp còn các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc phát triển thương mại, dịch vụ.
Cơ hội ngay trong nguy cơ
Giữa đại dịch, một nhà máy của Ý tại Vĩnh Phúc đã tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm bất chấp dịch bệnh bùng phát. Doanh thu tăng, DN tuyển thêm 10% lao động. Đây là kết quả bất ngờ khi suốt nửa đầu năm nay tỉnh này vẫn là ổ dịch và bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Điều này càng đáng lưu ý khi các nhà máy ở nước khác của hãng này bị đình trệ hoặc giảm công suất.
Covid-19 đã thay đổi cách nhìn và ứng xử của chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Xác định chống dịch tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng thay đổi lớn nhất là chống dịch vẫn phải đảm bảo ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Đòi hỏi này tạo sức ép để Vĩnh Phúc tìm các giải pháp để duy trì cả hai mục tiêu nhằm đưa mọi mặt đời sống vận hành điều kiện có dịch bệnh.
Theo ông Lê Duy Thành, trong bối cảnh dịch bệnh, ai thích ứng nhanh thì cơ hội sẽ tới. Thực tế chứng minh khi khống chế dịch bệnh, bảo vệ an toàn các KCN trước Covid-19 là cách thiết thực giúp môi trường đầu tư của địa phương được cải thiện.
Đại dịch Covid-19 "quét" qua Vĩnh Phúc - cực tăng trưởng lớn tại phía Bắc, quy tụ nhiều “đại bàng” trong chuỗi cung ứng toàn cầu - chứng tỏ việc tìm “cơ trong nguy” là hoàn toàn khả thi. Kinh nghiệm cho thấy, trong khó khăn, nếu chọn đúng phương án và thực hiện bài bản sẽ tạo ra được nhiều cơ hội có một không hai, nhất là về môi trường đầu tư an toàn.
Doanh nghiệp nội "gánh" khoản hụt FDI
Thực tế cho thấy, Vĩnh Phúc được đánh giá là tỉnh phát triển nhưng lại bị phụ thuộc lớn vào đầu tư nước ngoài. Năm 2021, chỉ tiêu đầu tư nước ngoài lại sụt giảm gần 30% (gần 3.000 tỷ đồng). Sự thiếu hụt này buộc tỉnh Vĩnh Phúc phải khai thác từ các nguồn thu từ doanh nghiệp nội.
Việc tăng trưởng và đóng góp lớn (tăng 27%) của doanh nghiệp nội được đánh giá là tín hiệu lạc quan, phù hợp với Nghị quyết 04 của tỉnh với yêu cầu phát triển phải tạo ra sự cân đối, thoát ly sự ảnh hưởng của các doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Mặc dù vậy, định hướng của Vĩnh Phúc trong những năm tới là hoàn thiện hạ tầng để "lót ổ" cho các doanh nghiệp "đại bàng" đến làm tổ. Với điểm sáng chống dịch trong năm qua, tỉnh tự tin với khả năng thích ứng với đại dịch để tạo đà cho các DN phát triển.
"Tổng thu về thuế thu nhập doanh nghiệp của Vĩnh Phúc không thua kém các tỉnh lớn trên cả nước. Điều đó cho thấy, việc thu hút đầu tư của tỉnh có chọn lọc kỹ lưỡng, tỉnh sẵn sàng từ chối các nhà đầu tư kém chất lượng", ông Lê Duy Thành chia sẻ.