Một ngân hàng Nga có thể trở lại hệ thống SWIFT trong tháng 9
Ngân hàng nông nghiệp Rosselkhozbank của Nga có khả năng sẽ được kết nối trở lại với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT sớm nhất là trong tháng 9 như một điều kiện để Moscow gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
Theo hãng tin Reuters đưa tin ngày 8/9, Rosselkhozbank sẽ được phép tiếp cận các giao dịch ngân hàng quốc tế thông qua công ty con ở Luxembourg. Công ty này sẽ đóng vai trò trung gian giữa ngân hàng nông nghiệp Nga với các ngân hàng nước ngoài khác.
Những thông tin này được trích dẫn từ một lá thư được cho là của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres gửi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 28/8. Trong bức thư, ông Guterres cho biết công ty con tại Luxembourg của Rosselkhozbank là RSHB Capital SA có thể nộp đơn xin SWIFT cấp phép việc tiếp cận với hệ thống “ngay lập tức”.
Cụ thể, ông Guterres nói với ông Lavrov rằng: “SWIFT đã xác nhận rằng RSHB Capital SA đủ điều kiện đăng ký làm thành viên và tiếp cận SWIFT đối với các giao dịch thực phẩm và phân bón dựa trên tư cách hiện tại là tổ chức phát hành chứng khoán nợ”. Tổng thư ký Liên Hợp quốc cũng bổ sung thêm rằng SWIFT đã xác nhận quy trình đăng ký có thể được tiến hành nhanh chóng và giúp RSHB khả năng “tiếp cận hiệu quả trong vòng 30 ngày”.
Ngoài đề xuất tái kết nối Rosselkhozbank với SWIFT, các đề xuất khác được liệt kê trong lá thư còn bao gồm một cơ sở bảo hiểm do Liên Hợp Quốc đồng tài trợ cho việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga. Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết cơ sở này được thành lập cùng với công ty bảo hiểm Lloyd’s of London và có thể “sẵn sàng đi vào hoạt động trong vòng 4 đến 6 tuần”.
Trả lời yêu cầu đưa ra bình luận của Reuters, Giám đốc điều hành của Lloyd là ông John Neal chỉ cho biết công ty đang đàm phán với Liên Hợp Quốc về việc cung cấp bảo hiểm cho các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine như một phần của thỏa thuận ngũ cốc.
Đặc biệt, Liên Hợp Quốc còn tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực giải phóng tài sản của Nga ở EU liên quan đến nông nghiệp và buôn bán phân bón. Tuy nhiên, tổ chức này cho biết các công ty Nga vẫn sẽ phải nộp đơn lên chính quyền quốc gia của các nước thành viên EU để được miễn trừ các biện pháp trừng phạt.
Nga đã nhiều lần bày tỏ thái độ chỉ trích các đề xuất của Liên Hợp Quốc. Gần đây nhất vào ngày 6/9, Bộ Ngoại giao Nga tiếp tục tuyên bố nước này không nhận thấy có gì mới trong các đề xuất của Liên Hợp Quốc, đồng thời tuyên bố tới hiện tại, chưa có một đề xuất nào từng được đưa vào thực hiện.
Cụ thể, hãng tin RT dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Thay vì được miễn trừ thực sự khỏi các lệnh trừng phạt, tất cả những gì Nga nhận được là một loạt lời hứa mới từ Ban Thư ký Liên hợp quốc”. Cơ quan này cũng khẳng định: “Những đề xuất gần đây không chứa bất kỳ yếu tố mới nào và không thể đóng vai trò là nền tảng để đạt được bất kỳ tiến bộ hữu hình nào trong việc đưa xuất khẩu nông sản của Nga trở lại bình thường”.
Tình hình bế tắc này kéo dài từ tháng 7 khi Nga chính thức đình chỉ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào năm 2022. Thỏa thuận này vốn được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển ngũ cốc của Ukraine tới thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột giữa Moscow và Kiev. Ngoài ra, nó cũng được kỳ vọng sẽ giúp dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây – yếu tố ngăn cản xuất khẩu nông sản của Nga.
Tuy nhiên, Nga cho biết phần phần thỏa thuận liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu và dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các công ty liên quan của nước này vẫn chưa được thực hiện. Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin ngày 21/7 tuyên bố quan điểm của Nga là muốn nhìn thấy kết quả chứ không phải lời hứa và chỉ khi đó các bên mới “có thể nối lại những nỗ lực chung này để cung cấp ngũ cốc cho thị trường toàn cầu”.