Một ngày bồi dưỡng trực tuyến, giáo viên tiếp cận được bao nhiêu kiến thức?
Công văn số 503/BGDĐT-GDTH hướng dẫn, đối tượng bồi dưỡng là tất cả giáo viên dạy học lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023 và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục.
Ngày 17/2/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 503/BGDĐT-GDTH gửi đến các nhà xuất bản và các sở giáo dục và đào tạo nhằm hướng dẫn việc thực hiện bồi dưỡng giáo viên và cung ứng sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023.
Theo nội dung Công văn số 503/BGDĐT-GDTH, các nhà xuất bản sẽ hoàn tất tập huấn chương trình lớp 3, lớp 7, lớp 10 trước ngày 31/7/2022 đối với các môn học/hoạt động giáo dục đã được cơ sở giáo dục lựa chọn theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 về Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Chính vì thế, bắt đầu từ giữa tháng 6/2022, các nhà xuất bản đã triển khai việc tập huấn cho giáo viên ở các địa phương bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế người viết đang trải qua tập huấn của một số nhà xuất bản hiện nay, giáo viên dưới cơ sở cho rằng hiệu quả của công việc này chưa đạt được như kỳ vọng.
Bởi, hình thức , đơn điệu mà phía người học lại tập trung quá đông ở từng điểm cầu nên những bài tập tập huấn cũng chỉ mang tính hình thức, ràng buộc giáo viên mà thôi.
Một ngày bồi dưỡng trực tuyến, giáo viên tiếp cận được bao nhiêu kiến thức?
Theo Công văn số 503/BGDĐT-GDTH của Bộ, đối tượng bồi dưỡng là tất cả giáo viên dạy học lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023 và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục.
Hình thức bồi dưỡng được kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp theo các lớp học tương ứng với các môn học/hoạt động giáo dục đối với từng bộ sách giáo khoa tại địa phương cho tất cả giáo viên được phân công giảng dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023 và cán bộ quản lý.
Thời gian bồi dưỡng hoàn thành trước ngày 31/7/2022; các địa phương chủ trì phối hợp cùng các nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai bồi dưỡng, tập huấn.
Với hướng dẫn của Công văn số 503/BGDĐT-GDTH như vậy nên về cơ bản đến thời điểm hiện nay các địa phương đã thực hiện xong việc bồi dưỡng cho giáo viên sẽ dạy các lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học tới đây.
Tuy nhiên, vì Công văn số 503/BGDĐT-GDTH hướng dẫn việc bồi dưỡng được kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp nên đa phần các môn học/ hoạt động giáo dục được các nhà xuất bản và các địa phương triển khai bằng hình thức trực tuyến.
Ở địa phương chúng tôi công tác chỉ có môn tiếng Anh là bồi dưỡng trực tiếp mà thôi. Các môn học/ hoạt động còn lại được bồi dưỡng trực tuyến 1 ngày.
Trước khi tập huấn, Nhà xuất bản cung cấp tên phần mềm tập huấn, ID và Password cho các sở, phòng giáo dục và các nhà trường là điểm cầu tập huấn. Buổi sáng từ 8 giờ đến 11 giờ 30, buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 16 giờ 30 là kết thúc.
Với chừng ấy thời gian mà lại bồi dưỡng trực tuyến theo các điểm cầu, mỗi điểm cầu là nhiều trường tập trung bồi dưỡng nên thực tế giáo viên không lĩnh hội được bao nhiêu kiến thức.
Điểm cầu đông người, hội trường lớn, màn hình nhỏ nên chỉ có giáo viên ngồi bàn đầu còn nhìn thấy được file trình chiếu, phía sau cũng chỉ nghe được âm thanh nhưng cũng không được rõ ràng.
Hơn nữa, các báo cáo viên cũng chỉ giới thiệu khái quát được các chủ đề sách giáo khoa, các phân môn trong mỗi môn học và cách tiếp cận chương trình mới một cách sơ lược nhất.
Trong khi, vì bồi dưỡng trực tuyến qua đường truyền nên các báo cáo viên cũng trình bày đơn điệu một chiều, gần như không tương tác với người học trong quá trình báo cáo.
Chính vì thế, khi các nhà trường triển khai làm bài kiểm tra sau tập huấn theo yêu cầu của các nhà xuất bản thì nhiều thầy cô giáo cảm thấy bất ngờ.
Có thực sự phải làm bài thu hoạch sau tập huấn hay không?
Công văn số 503/BGDĐT-GDTH của Bộ hướng dẫn: “Kết thúc đợt bồi dưỡng, các giáo viên được đánh giá thông qua bài thu hoạch theo quy định; những giáo viên không tham gia bồi dưỡng hoặc không đạt được mức đánh giá theo yêu cầu thì không bố trí dạy học lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023”.
Tuy nhiên, với bối cảnh và thực tế tập huấn như nơi địa phương người viết công tác thì giáo viên có dự tập huấn hay không dự tập huấn cũng chẳng khác nhau bao nhiêu.
Thực ra không phải đến bây giờ mà trong những năm học vừa qua, giáo viên cũng thường phải làm những bài thu hoạch sau mỗi lần tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn. Gần đây nhất là Bộ triển khai việc tập huấn trực tuyến qua 9 module về chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Mỗi module đều có rất nhiều phần và bài tập khác nhau, bắt buộc giáo viên phải thực hiện đầy đủ bài tập mới cho sang phần khác. Có lẽ, Bộ muốn như vậy để ràng buộc giáo viên, sợ giáo viên bỏ sót, học lướt qua nhưng thực tế nó vẫn không có nhiều hiệu quả như mong muốn.
Bởi vì hiện nay, tất cả các bài tập tập huấn mà Bộ và các nhà xuất bản xuất đang triển khai đều có trên mạng Internet đầy đủ. Giáo viên chỉ cần click vào bài tập, rồi copy đáp án trên mạng Internet là dán vào, nếu trắc nghiệm thì điền vào câu trả lời đúng nhất là xong.
Thay vì phải làm các bài tập ở các module mà Bộ triển khai hay bài tập tập huấn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 mà các nhà xuất bản thực hiện theo hướng dẫn của Bộ thì cần đổi mới cách thức tập huấn, phương pháp tiếp cận cho giáo viên có lẽ sẽ hiệu quả hơn.
Chỉ cần thông qua tài khoản, mật khẩu, giáo viên tự vào học, không phải tập trung tại điểm cầu, giáo viên sẽ thấy, sẽ nghe rõ nội dung tập huấn. Vì thực ra tập huấn tập trung cũng chỉ đến ngồi nghe mà thôi chứ có tương tác gì đâu mà những giáo viên ngồi phía sau lại chẳng thấy được gì.
Sau khi tập huấn trực tuyến thì Bộ hướng dẫn cho các sở giáo dục tập huấn trực tiếp thêm một vài buổi thông qua các hội đồng bộ môn sẽ giúp cho giáo viên rõ nhất về chương trình, sách giáo khoa mà mình sẽ dạy. Bên cạnh đó, khích lệ tinh thần tự học, tự trau dồi chuyên môn của giáo viên.
Ràng buộc giáo viên bằng các bài tập nhưng hiệu quả của những bài tập đó không cao, thậm chí gây ức chế cho đội ngũ nhà giáo vì phải trải qua nhiều thao tác phức tạp nhưng rồi sau mỗi bài tập đó chỉ là những sản phẩm được sao chép, cắt dán mà thôi.