Một ngày của những công nhân sửa chữa đầu máy xe lửa
Nhân dịp kỷ niệm 139 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2025), hãy cùng đến Xí nghiệp đầu máy Hà Nội, thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam, để xem một ngày làm việc của những người thợ sửa chữa đầu máy. Họ là những con người thầm lặng góp phần vào sự vận hành nhịp nhàng của hệ thống giao thông đường sắt.
Hà Nội những ngày đầu hè, nhịp sống vẫn hối hả chảy trôi trên những con phố rực rỡ cờ hoa chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc. Bên cạnh nhịp sống sôi động nơi đô thị, có một thế giới khác, mang đậm dấu ấn của sắt thép và dầu mỡ, nơi những người thợ đang miệt mài "thổi hồn" vào những cỗ máy khổng lồ. Đó là các xưởng sửa chữa đầu máy tàu hỏa. Nơi những người công nhân, kỹ sư tận tâm ngày đêm "chăm sóc" cho những "chiến mã" sắt, đảm bảo cho những chuyến tàu xuôi ngược an toàn, thông suốt.
Chị Lâm Thu Huyền Huyền là một người phụ nữ đã dành trọn 22 năm thanh xuân cho công việc sửa chữa đầu máy xe lửa. Bất kể trời nắng hay trời mưa, ngày đông cũng như ngày hè, chị Huyền vẫn luôn có mặt tại xí nghiệp, cần mẫn với từng mối hàn, từng con ốc. Công việc này vốn dĩ đối với nam giới đã nặng nhọc, đòi hỏi sức khỏe và sự tỉ mỉ đến từng milimet. Với một người phụ nữ, những khó khăn ấy có lẽ nhân lên gấp bội. 22 năm, một quãng thời gian đủ để một người phụ nữ chứng kiến bao đổi thay của cuộc sống nhưng với chị Huyền, tình yêu với những cỗ máy sắt dường như chưa bao giờ cạn.
Chị Lâm Thu Huyền – Tổ sửa chữa khung vỏ, Xí nghiệp đầu máy Hà Nội chia sẻ: “Khối sửa chữa có 14 nữ, các chị em trải rộng ra mấy tổ, vừa vệ sinh, vừa sửa chữa, điện, khung vỏ. Công việc thì độc hại, nặng nhọc, vất vả. Với người ngoài, có khi đến nhìn thôi đã cảm thấy chán nhưng mình làm. Cứ mỗi một sản phẩm mình làm ra, mình cảm thấy thích nó. Ví dụ, mình là thợ hàn, mỗi một đường mình hàn xong mình cảm thấy đẹp, cảm thấy nó chắc là tự mình thích nó. Với mình thì việc nặng, có thể sẽ bỏng ở rất nhiều nơi, có thể từ trên cổ xuống dưới chân. Mùa hè thì nóng, vất vả, nhiệt độ hàn rất cao, có khi những hôm về là bong hết da mặt ra. Dù trang bị bảo hộ nhưng có những vị trí làm việc mình không thể dùng mặt nạ để che mặt được. Cũng có đôi lúc mình nghĩ là, tại sao lúc trước mình không chọn nghề nhẹ nhàng, sạch sẽ hơn vì là phụ nữ, nhưng nó cũng là cái duyên. Cái nghề nó cho mình cuộc sống, gia đình đầy đủ hơn. Đến bây giờ thì cũng được 22 năm rồi”.
Trong không gian xưởng đầy mùi dầu mỡ và tiếng máy móc, những đôi bàn tay thoăn thoắt thực hiện các công đoạn sửa chữa phức tạp. Họ tháo rời từng bộ phận, kiểm tra mức độ hao mòn, tìm kiếm những vết nứt, những dấu hiệu của sự xuống cấp. Từ việc hàn gắn những vết nứt kim loại, tiện những chi tiết bị mài mòn, đến việc thay thế những linh kiện đã hết tuổi thọ. Tất cả đều được thực hiện với sự tập trung cao độ. Không chỉ làm việc độc lập, các công nhân còn phối hợp chặt chẽ với nhau, trao đổi kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề kỹ thuật hóc búa.
Tại xí nghiệp này, hầu hết các công nhân đã gắn bó với nghề vài chục năm. Công việc khám và chữa bệnh cho những cỗ máy khô khan giờ đây đã trở thành một phần cuộc sống, tạo ra thu nhập ổn định cho họ.
Anh Nguyễn Quốc Đạt - tổ trưởng tổ hãm, cũng đã gắn bó với xí nghiệp đầu máy suốt 24 năm. Bộ phận hãm của tàu là bộ phận tương tự như phanh của ô tô, giữ vai trò quan trọng để dừng đoàn tàu khi có trở ngại và khi tàu vào ga, nên phải thuộc từng thông số để kiểm tra chuẩn xác.
Anh Nguyễn Quốc Đạt - Tổ trưởng tổ hãm, Xí nghiệp đầu máy Hà Nội cho hay: “Bộ phận hãm của mình ảnh hưởng an toàn của cả một đoàn tàu, từ hành khách, đến lái tàu và tính mạng của con người đi trên đoàn tàu ấy. Sau một thời gian vận hành trên đường, sẽ có nhiều cái lỏng, mất an toàn, kiểm tra các lò xo giảm chấn xem nó có bị gãy hay sụt lún gì không. Kiểm tra tất cả vòng quanh, từ dưới lên trên, kiểm tra guốc hãm, xi lanh hãm, còi, bánh xe, lò xo, cao su trung ương. Nói chung là làm người công nhân rất là vui khi đưa một cái đầu máy ra ngoài, kéo tàu được an toàn, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ”.
Trái tim của mỗi đầu máy tàu hỏa chính là động cơ. Với gần ba thập kỷ gắn bó, anh Vinh đã trở thành một "chuyên gia" về động cơ tàu hỏa. Anh hiểu từng tiếng máy, từng rung động, như thể hiểu được nhịp thở của một sinh vật sống. Công việc của anh không chỉ đơn thuần là sửa chữa, mà còn là bảo dưỡng, đảm bảo "trái tim" này luôn khỏe mạnh để đoàn tàu có thể mạnh mẽ lăn bánh trên mọi nẻo đường. Sự đồ sộ và phức tạp của khối động cơ là cả một hệ thống cơ khí, điện lực khổng lồ, phối hợp nhịp nhàng để tạo ra sức mạnh truyền động. Bất kỳ một trục trặc nào ở đây cũng có thể làm tê liệt cả một "cơ thể" khổng lồ. Vì lẽ đó, vai trò của những người thợ như anh Vinh là vô cùng quan trọng. Gần 30 năm, biết bao nhiêu thế hệ đầu máy đã đi qua tay anh Vinh. Sự tận tâm và kinh nghiệm của anh không chỉ đảm bảo cho sự vận hành ổn định của đoàn tàu mà còn góp phần vào sự an toàn của hàng nghìn hành khách và hàng hóa trên khắp đất nước.
Anh Nguyễn Trọng Vinh – Tổ động cơ, Xí nghiệp đầu máy Hà Nội cho biết: “Động cơ là trái tim của đầu máy. Trong quá trình sửa chữa, tất cả tập thể cùng làm, anh em phối kết hợp với nhau, vì một người không thể làm được. Sửa chữa từ cấp lớn đến cấp nhỏ, anh em phối kết hợp để làm sao đạt hiệu quả cao nhất, theo thông số của nhà sản xuất đưa ra theo tiêu chí nhanh, đảm bảo chất lượng để đưa đầu máy ra vận dụng. Ngành đường sắt nói chung và xí nghiệp nói riêng cũng nhiều cái thăng trầm, cũng có thời gian nọ, thời gian kia, nhưng đến thời điểm hiện tại thì tôi thấy có nhiều khởi sắc. Thu nhập đi lên, anh em phấn khởi tập trung vào công việc làm sao đạt hiệu quả cao nhất”.
Nếu như hình ảnh quen thuộc về những người thợ sửa chữa đầu máy thường gắn liền với dầu mỡ và sức nặng cơ khí, công việc của anh Công lại có vẻ khác biệt. Anh là người thợ chuyên trách bộ phận điện trung tâm của những cỗ máy khổng lồ này. Khác với sự nhàn nhã bên ngoài, công việc của anh Công đòi hỏi sự tập trung cao độ và độ chính xác tuyệt đối. Những mạch điện phức tạp như mạng lưới thần kinh của con tàu, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Không vấy bẩn dầu mỡ, nhưng sự căng thẳng hiện rõ trên từng ánh mắt, từng thao tác của anh Công. Đối diện với hàng trăm, hàng ngàn sợi dây, với những thông số kỹ thuật phức tạp, áp lực về thời gian và trách nhiệm luôn thường trực. Công việc đặc thù này đòi hỏi không chỉ kiến thức chuyên môn sâu rộng mà còn cả sự kiên nhẫn và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Anh Đinh Anh Công – Tổ điện đầu máy, Xí nghiệp đầu máy Hà Nội chia sẻ: “Mình sẽ bắt đầu công việc từ 7h30, mình sẽ có một buổi giao ban công việc đầu giờ, khi đó mình sẽ nhận các kế hoạch của máy trong ngày, cũng như lệnh sản xuất từ ban quản đốc đưa xuống. Sau đó, mình ra máy mà mình đảm nhiệm, mình khám máy bước đầu. Sau đó lên kế hoạch, sửa chữa bảo dưỡng theo các cấp quy định. Vì đây là đầu máy chuyển động điện, nên hệ thống điện là cực kỳ quan trọng. Người ta ví, động cơ là trái tim, còn điện như bộ não. Hệ thống điện điều khiển toàn bộ các chế độ vận hành cũng như tất cả các thiết bị an toàn, mọi thiết bị đều liên quan đến điện”.
Sau quá trình "chữa trị" tỉ mỉ, chiếc đầu máy được đưa vào giai đoạn kiểm tra nghiêm ngặt. Từng bộ phận, từng hệ thống lại được rà soát một lần nữa, đảm bảo mọi thứ hoạt động đồng bộ và an toàn. Mọi sai lệch dù là nhỏ nhất cũng phải được phát hiện và điều chỉnh kịp thời. Cuối cùng, chiếc đầu máy được đưa ra khu vực thử nghiệm. Tiếng động cơ rền vang, tiếng còi tàu vang vọng như một lời khẳng định về sự hồi sinh của cỗ máy. Chỉ khi vượt qua được những bài "thử lửa" khắt khe nhất, nó mới chính thức được "xuất viện" và trở lại phục vụ những hành trình.
Anh Nguyễn Ngọc Thắng – Giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội cho biết: “Trong bối cảnh chung của ngành đường sắt, Xí nghiệp đầu máy Hà Nội trước đây đang vận dụng các đầu máy hơi nước, với công cuộc phát triển bây giờ thì chúng tôi đảm nhiệm đầu máy diesel, hiện đại, công suất lớn. Đồng thời được giao nhiệm vụ, quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, duy trì và quản lý các vật dụng của đầu máy trên tuyến đường: Hà Nội – TP.HCM, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên; chúng tôi luôn đảm bảo phương tiện theo quy chuẩn của ngành, đảm bảo công tác an toàn giao thông, luôn duy trì công tác phát triển về công nghiệp đường sắt về hiện đại hóa của ngành đường sắt”.
Nhìn những đoàn tàu đi trên đường ray, ít ai biết rằng đằng sau đó là sự đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng to lớn của những người thợ sửa chữa đầu máy. Họ là những người giữ nhịp cho những chuyến đi, là những người bảo đảm cho sự an toàn và thông suốt của mạch máu giao thông đường sắt.