Một ngày đẹp trời

Một ngày đẹp trời, có nắng nhẹ, sương lớt phớt. Đang yên đang lành tự dưng anh lao ra đường. Anh muốn ăn mặc thật đẹp chạy xe quanh phố chơi, tiện thể mua ít đồ cần thiết.

-Minh họa: L.N.D

-Minh họa: L.N.D

Anh mới nhận lương hôm qua. Chính xác là lương chuyển vào tài khoản ATM, anh chỉ nhận được tin nhắn qua điện thoại báo thẻ đã có tiền. Anh lên danh sách những thứ cần mua sắm. Ba mươi tuổi chưa chịu lấy vợ, trong anh như có thêm một người phụ nữ khác, biết tự toan liệu việc sắm sửa và nội trợ, biết dè sẻn chi tiêu.

Nhét cái ví vào túi sau quần. Vỗ vỗ tay thấy đã chắc chắn, nhưng anh vẫn chưa yên tâm. Cài lại chiếc cúc, thấy vẫn còn sơ hở. Anh chạy đến cây xăng. Rót một bình thật đầy rồi muốn đi đâu thì đi.

Một cô gái chừng hai mươi tuổi mặc áo pull trắng đứng như thể chờ ai ở bên cạnh cây xăng. Đợi anh đổ xăng đầy, cô tiến lại xin đi nhờ xe một đoạn. Trời đang đẹp, người cũng rất đẹp. Xin thì chở. Sáng ra làm ơn làm phúc cũng là một điều nên.

Có nên đề phòng người đẹp? Anh nghĩ. Rồi tự nhủ cũng cần thận trọng. Anh nhét cái ví xuống sâu thêm chút nữa. Lại vẩn vơ nghĩ nếu cái túi này dài tới tận chỗ khủy gối chắc mình cũng cố nhét xuống cho chắc ăn. Anh ngồi lên xe, mông đè lên nửa cái ví. Có chiếc thẻ ATM ở trong, cẩn thận không nó gãy giòn thì khốn.

Người đẹp ngồi sau không nói gì. Anh cũng chẳng bắt chuyện. Thỉnh thoảng cái yên xe nhồi lên, người đẹp úp bầu ngực vào lưng anh. Như hai con mắt đầu lân vồ tới. Anh run run. Ba mươi tuổi chưa vợ, chạm vào con gái thấy hồi hộp. Nhưng vẫn phải cẩn thận với cái ví.

Chạy xe chở người đẹp anh càng không yên tâm. Có khi cô này đang giận người yêu ngúng nguẩy không chịu đi cùng xe nên mới dừng tạm ở cây xăng chăng. Nghĩ dại lỡ chàng người yêu của cô quay lại bắt gặp rồi thù anh thì mạt đời. Càng nghĩ anh càng run, thấy trai ba mươi như mình còn dại. Lại nhớ lời thằng bạn khuyên đi đường bây giờ đừng nên tin ai cả, đừng tốt bụng với ai quá. Xin xe quá giang nhờ đường phải từ chối ngay. Để người ta đi bộ cũng chả chết đâu mà lo. Làm ơn có khi mắc phải oán.

Trước khi kể tiếp, xin phép được cắt ngang để kể chuyện này.

Anh vào hộp ATM bên đường rút tiền. Xe để ở ngoài, đã khóa cổ cẩn thận nhưng vẫn chưa yên tâm. Đứng trong hộp ATM ở tư thế mắt trái liếc vào mắt phải ngó ra. Đã nhiều vụ mất xe ở chỗ rút tiền rất oan uổng. Trộm bây giờ phải gọi là siêu đẳng. Chỉ cần lơ mắt đi một chút là chúng đã nhảy lên xe mình đi ngon ơ. Hộp ATM ngậm chiếc thẻ của anh lâu lắc vẫn chưa rút được. Tình trạng này anh đã gặp vài lần. Phiền phức ghê gớm.

Một bà chị chừng bốn chục tuổi từ đâu cũng chui vào cốp. Nói ngọt lịm anh ơi nhờ rút tiền hộ em, em không biết dùng thẻ này. Vừa lúc tiền của anh đã chịu chui ra. Anh cầm lấy, nhét vội vào túi cho chắc ăn. Định sẽ đi ngay nhưng cái nhà chị này đã nhờ vả, chẳng lẽ không giúp. Ngày đẹp trời cũng nên làm đẹp lòng thiên hạ một chút. Nhưng phải cẩn thận, anh nghĩ. Cầm vào cái thẻ đấy có khi bị thôi miên làm cho mê muội. Anh bảo chị nhét thẻ vào đấy, bấm cái nốt đấy. Nói xong anh mở cửa đi ra, ngồi lên xe bật khóa đi ngay. Hú hồn. Xe chưa mất người chưa mê man.

Anh vào chợ. Một cái chợ đông đúc nhất thành phố. Chợ nói thách có tiếng. Giá một hô lên hai, thậm chí ba bốn. Mặc cả không khéo rất dễ bị mua hớ. Anh cầm chai rượu nhãn đỏ lên xem. Mua một chai về để dành thỉnh thoảng tiếp khách tiếp bạn. Tối qua anh đã lên mạng xem giá. Xem để mua khỏi bị hớ.

Tính anh vốn cẩn thận, sợ bị người ta chém giá cao. Chủ hàng đọc giá. Anh thấy ổn rồi, đúng giá trên mạng rao bán. Nhưng anh vẫn kỳ kèo mặc cả. Nghĩ bụng chợ này nói thách có tiếng, tiếc gì chúng nó không nói thêm. Dân bán buôn một vốn bốn lời, thể nào cũng bớt cho mình chút ít. Anh trả xuống, bớt cho em năm mươi nghìn nhé. Chủ hàng cười bảo anh này quê quá trời, ai đời đi mua rượu mà trả giá. Nếu muốn rẻ thì ra đằng kia nhé, ở đấy bán hàng đểu. Cuối cùng anh chấp nhận mua. Tiền nào của nấy.

Anh đến hàng thực phẩm mua ít thức ăn tươi về chuẩn bị bữa trưa. Đàn ông sống đơn thân chả sao, chỉ đến khi đi chợ mới thấy tủi, cả ngại ngùng e dè. Anh đã ba năm kinh nghiệm tự đi chợ tự nấu nướng. Thế mà lần nào vào chỗ thực phẩm tươi cũng e sợ. Sợ mua không được con cá tươi mớ rau xanh. Đàn ông mà lật lên lật xuống chọn lựa thì còn ra thể thống gì.

Anh mua rau trước. Rau gì đây. Rau bây giờ toàn phun thuốc sâu, thuốc kích thích tăng trưởng. Cải mới trỉa hôm trước hôm sau đã nhổ đi bán. Rêu rao đảm bảo cải nhà tự trồng bằng thủ công kinh nghiệm. Nhìn mớ rau cải xanh non và lời đưa đẩy vẻ uy tín anh cũng ưa mua, nhưng vẫn sợ. Cái màu xanh lay lảy kia dễ là nhờ thuốc lắm. Có lần anh được mách nước kinh nghiệm đi mua rau cải. Phải chọn những lá cải có những lỗ thủng nhỏ, dấu hiệu bị sâu ăn. Rau đấy chứng tỏ không bị phun thuốc.

Anh đi một lượt vẫn không tìm được thứ cải đó. Hay là chọn rau muống đi. Thứ rau bình dị dân quê mà anh thích hồi nhỏ. “Anh đi anh nhớ quê nhà/nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Đinh ninh cái gì có trong ca dao thì không bị phun thuốc. Đừng có mơ, cổ tích còn bị xuyên tạc nữa là ca dao. Mới đây có chuyện người trồng rau muống tưới phân bằng dầu nhớt phế thải. Trời ơi, máy móc ruột rà của anh còn tốt, không cần nạp nhớt nữa. Thôi đừng ăn rau.

Qua hàng cá. Anh thích cá hơn thịt. Cá nước ngọt hay cá nước mặn đều được. Cá ruộng cá hồ là khoái khẩu của anh hồi ở quê. Tụm năm tụm bảy vét mương tát đìa bắt được mớ cá đồng đem về kho mặn ăn rất sướng. Cá ở ruộng ở hồ thịt chặt, béo và thơm. Chục năm trước đánh cá bằng xung điện khiến các loại cá con chết lẩy bẩy.

Nhưng cánh đồng quê vẫn chưa đến nỗi khan hiếm cá. Chỉ đến khi người nông dân sử dụng quá nhiều loại thuốc hóa học bảo vệ lúa thì cá đồng mới triệt sinh nghiêm trọng. Bây giờ ra chợ khó mà tìm được cá đồng tự nhiên thứ thiệt. Toàn là cá nuôi, cho ăn bột. Thịt cá mềm mềm, nhàn nhạt mà lại ít chất dinh dưỡng. Chán quá, thèm con cá đồng thì chỉ còn cách về quê mà đi tát. May ra.

Cá biển thì không nuôi được, chắc chắn. Đại dương mênh mông bao la tha hồ đánh bắt, nuôi làm gì cho cực. Nhưng cá biển vẫn có nguy cơ độc hại. Mỗi chuyến tàu lênh đênh trên đại dương mất chục ngày, để cá được tươi thì phải ướp. Ướp muối thì chẳng nói làm chi, đằng này ướp bằng phân Urê. Phân trắng hóa học tẩm vào cá tươi roi rói, xanh màu nước biển rất đẹp. Ăn cá này vào nặng thì ngộ độc, nhẹ thì chỉ đau bụng râm râm, lâu ngày tích tụ mới phát bệnh. Chao ôi rừng vàng biển bạc mà muốn kiếm mớ rau con cá an toàn thật khó.

Anh quay đi không mua nữa. Một ngày đẹp trời không nên tống những thứ lo ngại vào bụng. Quyết định đi ăn quán. Một ngày đẹp trời cũng không nên bày ra nấu nướng. Nói dại, biết đâu cái bình gas phát nổ thì khốn. Một khi cái bụng không yên tâm việc gì thì đừng nên làm, để khỏi ăn năn nuối tiếc.

Chọn một quán bún sạch sẽ, anh vào ngồi. Bún bò tái anh gọi một tô. Không cần rau sống ăn kèm, bớt ngon một tí nhưng đỡ phải lo chuyện đau bụng. Quán bún khách đông, anh vào sau phải ngồi đợi. Nhiều khi bắt khách chờ đợi cũng là một bí quyết làm nên thương hiệu của quán ăn. Đợi chút cũng được, chả sao. Đằng nào hôm nay anh cũng rảnh rỗi. Anh cầm tờ báo bên bàn lên đọc. Lướt qua có vài thông tin đáng quan tâm.

Một. Mỹ nhân dùng sắc đẹp lừa đảo. Cô gái lợi dụng vẻ đẹp để xin đi nhờ xe, quyến rũ làm quen và dẫn người nhẹ dạ tới chỗ vắng rồi bất ngờ đồng bọn nhảy ra cướp xe.

Hai. Cẩn thận với những thứ mua làm quà biếu xén. Của biếu người thì ta không dùng, không kiểm tra được. Đặc biệt là rượu. Rượu ngoại càng dễ bị làm giả.

Anh giật mình. Ngừng đọc báo sờ tay vào túi quần sau kiểm tra lại cái ví. Thấy nó vẫn còn. Chai rượu vẫn ở đây, nhưng nghi ngờ chất lượng quá. Trước khi cô phục vụ bưng tô bún ra anh đã kịp đọc thêm thông tin này trên báo.

Ba. Nhiều cơ sở sản xuất bún sợi đã tẩm chất tẩy trắng, chất bảo quản gây độc hại.

Đến đấy thì anh không còn hứng thú với chuyện đi lại ăn uống nữa, dù hôm nay trời rất đẹp. Nhưng tô bún đang bốc khói ngùn ngụt trước mặt. Không ăn cũng phải trả tiền.

Hoàng Công Danh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/mot-ngay-dep-troi/176078.htm