Ăn cua đá nướng, bé trai bị nhiễm sán lá phổi

Mới đây, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư đã tiếp nhận bé trai 7 tuổi (Tuyên Quang) trong tình trạng tổn thương phổi, ngực đau tức, khó thở.

Trước khi vào viện, trẻ ăn cua đá nướng. Vài tháng gần đây, trẻ xuất hiện triệu chứng đau đầu, buồn nôn, được thăm khám tại bệnh viện tỉnh, nghi ngờ xuất huyết não được chuyển tuyến lên điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, trẻ bị tổn thương tràn dịch màng phổi. Bệnh nhi thi thoảng kêu tức ngực, được điều trị tràn dịch màng phổi ổn định và xuất viện.

Về nhà được một thời gian, trẻ tiếp tục xuất hiện triệu chứng tức ngực, khó thở và được gia đình đưa đi cấp cứu. Kết quả xét nghiệm máu của trẻ nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng nên được giới thiệu đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ và được chẩn đoán mắc sán lá phổi.

 Bác sĩ khám cho bệnh nhi.

Bác sĩ khám cho bệnh nhi.

Theo bác sĩ Phùng Xuân Hách - Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, nguyên nhân gây bệnh cho trẻ có thể là do ăn phải cua đá nhiễm ấu trùng sán lá phổi chưa được nướng chín kỹ. Bệnh nhi được chỉ định nằm viện một tuần để điều trị sán.

Bác sĩ Hách cũng cho hay, bệnh viện tiếp nhận trung bình khoảng vài chục ca sán lá phổi mỗi năm. Người nhiễm sán lá phổi thường có triệu chứng ho nhiều, khạc đờm, đờm kèm máu, có thể tức ngực, khó thở. Điều này khiến bệnh nhân dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như lao phổi, viêm phổi, viêm phế quản. Chuyên gia cảnh báo, bệnh nhân nhiễm sán lá phổi nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng nặng nề tại phổi.

Theo các chuyên gia, cua, ốc rất khó nấu chín hoàn toàn nếu giữ nguyên phần vỏ, dù xào hay rửa sạch cũng khó loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng.

Điều đáng lo là các loại ký sinh trùng trong cua, ốc chủ yếu tấn công vào các cơ quan quan trọng trong cơ thể con người như gan, phổi... thậm chí là hệ thần kinh T.Ư nên nhiễm trùng có thể gây đau đầu dữ dội, cứng cổ và trong một số trường hợp nặng sẽ dẫn đến viêm màng não và tê liệt.

Cua, ốc rất khó nấu chín hoàn toàn nếu giữ nguyên phần vỏ, dù xào hay rửa sạch cũng khó loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng.

Cua, ốc rất khó nấu chín hoàn toàn nếu giữ nguyên phần vỏ, dù xào hay rửa sạch cũng khó loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội lưu ý, bản chất ký sinh trùng không phải vi trùng, vi khuẩn mà là trứng giun, trứng sán, thậm chí con giun, con sán, nên khi rửa dưới vòi nước sạch sẽ trôi hết.

Để phòng bệnh sán lá phổi, chuyên gia khuyến cáo, người dân luôn ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, tuyệt đối không ăn cua hoặc tôm chưa nấu chín. Khi người dân có dấu hiệu nghi ngờ bệnh nên đi khám để được điều trị kịp thời.

Hà Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/an-cua-da-nuong-be-trai-bi-nhiem-san-la-phoi.html