Một ngày đi làm từ 5h của cán bộ Bình Dương cũ lên TPHCM
Xuất phát từ nhà tới điểm đón xe khoảng 5h. Kết thúc ngày làm việc, lên xe trở về nhà khoảng 19h30, có người đến 20h mới tới nơi. Đó là hành trình mỗi ngày của các cán bộ, công chức, viên chức ở Bình Dương (cũ) đến TPHCM làm việc.
Thức dậy khi chuông điện thoại báo 4h, tôi cấp tốc chuẩn bị hành trang đi làm. 4h30, tôi xuất phát từ nhà bằng xe máy tới Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương cũ, một trong những điểm đón xe đưa rước cán bộ, công chức đến các trụ sở làm việc tại TPHCM.
Đến nơi, có 5 chiếc xe khách (1 xe loại 29 chỗ, 4 xe còn lại loại 16 chỗ) đã dừng chờ sẵn và có 5 cán bộ ngồi trên xe.
Có cán bộ nhà ở cách điểm đón khoảng 15km nên phải dậy từ 3h30, vệ sinh cá nhân, chuẩn bị hành trang rồi đi xe máy tới điểm đón. "Mấy ngày nay, hôm nào cũng phải dậy sớm và trở về nhà lúc 19h30, có hôm tới 20h nên cũng khá mệt", vị cán bộ này chia sẻ.
Đúng 5h30, chiếc xe đầu tiên bắt đầu khởi hành với hơn 10 người gồm cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả tôi (phóng viên). Theo ghi nhận, xe đưa rước sạch sẽ, có điều hòa, wifi và nội thất tiện nghi.


Điểm đón cán bộ, công chức tại Trung tâm hành chính Bình Dương cũ
Từ Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, chúng tôi đi qua đường Lê Lợi, rẽ phải vào đường Hùng Vương, thẳng tới Phạm Ngọc Thạch. Trên đường Phạm Ngọc Thạch có một điểm đón khác trước cổng Bệnh viện Đa khoa Bình Dương nhưng không có người chờ nên xe tiếp tục di chuyển tới quốc lộ 13 (Đại lộ Bình Dương). Trên quốc lộ 13 cũng có một điểm đón tại khu vực trước tòa nhà Becamex.
Ngồi trên xe, di chuyển tới trụ sở làm việc mới, anh Vũ - cán bộ UBND TPHCM vui vẻ trò chuyện với PV, anh cho biết thức dậy lúc 4h. Ngày đầu, anh thức sớm hơn vì sợ trễ. Sau này quen với lộ trình và thời gian di chuyển, anh Vũ tự điều chỉnh.
Xe tiếp tục di chuyển trên quốc lộ 13, qua Đinh Bộ Lĩnh, rẽ vào Điện Biên Phủ, tới Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lê Thánh Tôn. Đến đây, xe dừng lại để những cán bộ làm việc tại UBND TPHCM xuống điểm đến. Sau đó, chiếc xe tiếp tục di chuyển tới đường Phạm Hồng Thái, qua Nguyễn Trãi và điểm cuối cùng là Bến xe buýt Sài Gòn tại khu vực Công viên 23/9 trước chợ Bến Thành.
Một số cán bộ đi xe đưa đón chia sẻ rằng từ ngày về TPHCM làm việc, hôm nào cũng dậy sớm đi xe máy cả chục cây số tới điểm đón, sau đó lên xe đưa rước đi thêm 40 km để đến cơ quan. Với hành trình 55 - 60 km, ngày nào cũng rời khỏi nhà từ sáng sớm và trở về khi đã tối mịt nên không thể tránh khỏi cảm giác mệt mỏi.
Mong được "an cư"
Tâm sự với phóng viên, anh Lâm – cán bộ Thành Đoàn TPHCM cho biết, mỗi ngày anh và nhiều đồng nghiệp khác phải di chuyển từ Bình Dương cũ đến trụ sở mới làm việc. Dẫu vất vả, nhưng là một cán bộ Đoàn, anh luôn giữ tinh thần tiên phong, không lùi bước trước mọi khó khăn.
Khi được hỏi, theo anh cán bộ ở Bình Dương cũ đến TPHCM làm việc, họ mong muốn điều gì?, anh nói “nếu có nhà công vụ hoặc được hỗ trợ tiền thuê nhà thì sẽ đỡ hơn”.
Trên hành trình di chuyển bằng xe đưa rước, một cán bộ công tác tại HĐND TPHCM cho biết, anh ở huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương cũ, di chuyển từ nhà tới điểm đón hàng chục km. Hai ngày đầu, để chủ động thời gian, anh đi xe cá nhân từ nhà tới trụ sở làm việc nhưng gặp một số điểm ùn ứ, về đến nhà rất muộn, lại rất tốn tiền xăng xe. Thế nên, anh quyết định chọn phương án đi xe đưa rước.


Các cán bộ, công chức, viên chức từ Bình Dương cũ trên hành trình di chuyển đến trụ sở làm việc tại TPHCM
Theo một số tài xế xe đưa đón cán bộ, với lộ trình di chuyển như trên, tính từ lúc khởi hành đến điểm trả khách mất từ 90 đến 100 phút. Trên hành trình có một số điểm ùn ứ, trong đó có quốc lộ 13, đoạn qua cầu vượt Bình Phước tới gần Đại học Luật TPHCM và đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn từ nút giao Chu Văn An tới đường Bạch Đằng. Để tránh kẹt xe, trễ giờ làm của cán bộ, các chuyến xe đưa rước đều xuất phát đúng giờ quy định, bất kể trên xe có bao nhiêu người, không chờ đợi.
Tài xế xe đưa rước cho biết, họ được điều phối bởi Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM. Ngày đầu có ít người đi, những ngày trở lại đây, trên xe đưa rước luôn đông, có xe không còn ghế trống.
Tại tỉnh Bình Dương cũ, có hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức đăng ký sử dụng xe đưa rước, trong đó có 487 người di chuyển hàng ngày, 20 người tham gia vào cuối tuần. Các chuyến xe đưa đón hàng ngày, trên xe có ghi thông tin “xe đưa rước công chức, viên chức” trên kính chắn gió để dễ nhận diện. Từ Bình Dương (cũ), xe khởi hành lúc 5h30 sáng và xuất phát trở về lúc 17h30.
Hiện nay có 8/14 sở, ban ngành của Bình Dương (cũ) đã chuyển cán bộ, công chức về TPHCM làm việc. Đa phần cán bộ, công chức đều chấp hành theo phân công, tuy nhiên nhiều người vẫn có nguyện vọng được công tác tại khu vực Bình Dương do đặc thù công việc và các khó khăn về di chuyển, chưa tìm được chỗ ở, chưa có nhà công vụ...

Hơn 7h, xe đến điểm cuối tại Bến xe buýt Sài Gòn
Ông Nguyễn Quốc Vinh – Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Xây dựng TPHCM, cho biết hoạt động đưa đón cán bộ, công chức từ Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương cũ được triển khai từ ngày 1/7, áp dụng từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Các chuyến xe hoàn toàn miễn phí, không sử dụng ngân sách thành phố trong 3 tháng đầu. Cán bộ chỉ cần xuất trình thẻ công chức để lên xe. Trung tâm Giao thông công cộng cũng được giao phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nhằm nắm bắt nhu cầu thực tế, đảm bảo phương tiện hoạt động hợp lý và hiệu quả nhất.