Một ngày ở chốt bảo vệ rừng Mỏ Nước
Không sóng điện thoại, không điện, thiếu nước sinh hoạt, hiểm nguy luôn rình rập... là những vất vả, nhọc nhằn không sao đong đếm được của những cán bộ kiểm lâm chốt bảo vệ rừng mỏ nước thuộc trạm kiểm lâm khu a (Na Hang). vượt qua khó khăn đó, họ vẫn ngày đêm băng rừng, lội suối để tuần tra rừng, kịp thời ngăn chặn nạn khai thác gỗ, săn bắt động vật, giữ bình yên cho đại ngàn.
Đường đến Mỏ Nước
Từ Trạm Kiểm lâm khu A, xã Năng Khả (Na Hang) chúng tôi di chuyển trên tuyến Quốc lộ 279 theo hướng giáp ranh địa phận huyện Lâm Bình để tìm đường đến Mỏ Nước. Hai bên đường rợp bóng những cây nghiến cổ thụ. Anh Nông Đức Nhật, Trưởng Trạm Kiểm lâm khu A nói với chúng tôi “khu này còn nhiều nghiến, trai, đinh… do vậy trên địa bàn thôn Nà Chao, Hạt Kiểm lâm huyện bố trí 3 chốt bảo vệ rừng tạo thành gọng kìm vững chãi bảo vệ vùng lõi”.
Để xe máy ven đường, chúng tôi đi bộ theo con đường mòn, bò qua những mỏm đá tai mèo, băng qua những cánh rừng sâu hun hút. Anh Nhật vừa đi vừa nói, “để đến chốt Mỏ Nước, phải mất 40 phút đi bộ theo đường mòn hiểm trở với đá tai mèo và vô số muỗi, vắt. Là một trong ba chốt bảo vệ rừng trên địa bàn thôn Nà Chao, chốt Mỏ Nước là chốt xa xôi, cuộc sống của anh em thiếu thốn đủ bề”.
Chốt Mỏ Nước nằm trong một thung lũng nhỏ trên núi, chốt được dựng theo kiểu nhà sàn của người Tày, đây là nơi sinh hoạt của 4 cán bộ bảo vệ rừng, gồm lực lượng kiểm lâm và nhân viên tuần rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Na Hang. Họ đến từ những vùng quê khác nhau, vì tình yêu với rừng họ không quản ngại khó khăn, gian nan, vất vả bám trụ.
Trong bộ quần áo rằn ri, vầng trán ướt đẫm mồ hôi, anh Nông Văn Việt, nhân viên tuần rừng, phụ trách chốt Mỏ Nước chia sẻ: “Được thông báo chốt có khách nên anh em tranh thủ đi tuần rừng sớm, vừa về đến đây thì các anh tới, mời các anh vào chốt uống nước, nghỉ ngơi”. Là kỹ sư, tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên với ước muốn giữ màu xanh quê hương, anh Việt rời quê hương Thượng Lâm (Lâm Bình) xin hợp đồng tuần rừng với Hạt Kiểm lâm huyện Na Hang từ năm 2019. Ở trong môi trường “rừng thiêng, nước độc” không sóng điện thoại, không điện, thiếu nước sinh hoạt, chưa kể mùa đông nhiệt độ xuống thấp hơn mức bình thường, tiếng gió rừng rít từng cơn… khiến chàng trai trẻ khi đó mới 24 tuổi có đôi lần chùn bước. Anh Việt tâm sự, nhờ sự bảo ban, giúp đỡ, động viên của anh em trong chốt mà anh dần quen với cuộc sống nơi đây. Ở đây, cuộc sống tuy vất vả, thiếu thốn nhưng anh em luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, dẫu khó khăn đến đâu cũng phải bảo ban nhau vượt qua, nhiều lúc nhớ gia đình, nhớ vợ, nhớ con nhưng phải nén lại.
Không than phiền
“Dùng tiết kiệm nước thôi anh em nhé, bể sắp hết nước rồi...” - mọi người tại chốt Mỏ Nước nhắc nhau. Anh Việt chia sẻ với chúng tôi, hai tháng nay hầu như chưa mưa, do vậy mỏ nước duy nhất để anh em hứng nước sinh hoạt đã cạn khô 1 tháng nay rồi. Lượng nước trong bể dự trữ cũng dần cạn kiệt chỉ đủ để anh em dùng cho nấu ăn hàng ngày, còn việc vệ sinh mọi người tranh thủ băng rừng xuống nhờ nhà dân dưới Quốc lộ 279.
Anh Nhật, Trưởng Trạm Kiểm lâm khu A cho biết, trước đây khu vực này là điểm nóng về khai thác lâm sản trái phép, là địa bàn giáp ranh nên từ đây lâm tặc có thể vận chuyển gỗ băng rừng vượt qua các chốt kiểm lâm Phúc Sơn (Lâm Bình) đưa gỗ lậu theo tuyến Quốc lộ 279 đi tiêu thụ. Nhận thấy “lỗ hổng” này, năm 2014 Hạt Kiểm lâm huyện Na Hang đã quyết định thành lập chốt bảo vệ rừng tại đây. Do địa hình chủ yếu là núi đá vôi với nhiều hang nhỏ, khe sâu nên nước thẩm thấu nhanh, không có nước chảy trên bề mặt, chỉ có một mạch nước ngầm nhỏ duy nhất tại đây nên anh em đã quyết định dựng chốt và đặt tên chốt Mỏ Nước. Việc đầu tiên khi dựng chốt là đào ngay bể chứa nước gần chốt, bể sâu khoảng 60 cm, rộng khoảng 5 m2.
Nói là bể nước cho sang chứ đây thực chất là vũng nước, bởi theo quan sát của chúng tôi, đáy bể chỉ được lót bạt để hạn chế nước thẩm thấu, nước được dẫn bằng đường ống từ mỏ nước về tích trữ tại bể dùng sinh hoạt hàng ngày. Theo anh Nhật, anh em cũng tính phương án xây bể bê tông cho hợp vệ sinh nhưng đường lên chốt khó khăn quá không thể thực hiện được. Những tháng mưa thì nước đủ dùng, nhưng những tháng mùa khô mạch nước cạn phải dùng tiết kiệm lắm.
Không chỉ thiếu nước, điện cũng phải dùng tiết kiệm, với 2 tấm pin năng lượng mặt trời cũng chỉ đủ thắp 2 bóng điện vào buổi tối. Ngày nắng thì điện đủ dùng, những ngày trời âm u, mưa thì coi như không có điện. Muốn có sóng điện thoại phải lên những mỏm đá cao.
Chốt bảo vệ rừng Mỏ Nước có 1 kiểm lâm viên, 2 nhân viên hợp đồng tuần rừng và 1 nhân viên tuần rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Na Hang. Chốt được giao tuần tra, kiểm soát, bảo vệ gần 600 ha rừng phòng hộ, gồm khoảnh 608 và 618.
Ngày làm việc của anh em tại chốt thường bắt đầu từ sớm, đồ đạc được chuẩn bị, lương thực, quần áo, vật dụng cá nhân, lương khô, mỳ tôm, nước lọc... là thứ không thể thiếu khi đi rừng. Là địa bàn giáp ranh với huyện Lâm Bình nên lâm tặc thường lợi dụng thời tiết xấu để xâm nhập, vì vậy càng những ngày thời tiết bất lợi, anh em lại càng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát.
Anh Lê Chí Công, nhân viên tuần rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Na Hang trải lòng: “Vợ em mới sinh cháu được 2 tháng, cháu sinh non nên yếu phải nằm viện nhiều ngày nay, nhưng do đặc thù công việc em chỉ được về thăm con 1 - 2 ngày rồi lại lên chốt thực hiện công việc. Cũng chỉ động viên vợ cố gắng, nhờ bố mẹ, anh em phụ giúp việc nhà”. Do đặc thù công việc, các chốt bảo vệ rừng luôn ứng trực 2/3 quân số, vì thế thời gian dành cho gia đình đối với nhân viên tuần rừng cũng là một điều xa xỉ.
Một ngày ở chốt Mỏ Nước chúng tôi thấu hiểu những vất vả, gian nan của các cán bộ quản lý bảo vệ rừng. Mặc dù vậy nhưng các anh không than phiền điều gì mà tinh thần của những người lính gác rừng này vẫn luôn lạc quan, nỗ lực hết mình để làm tốt công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Rời Mỏ Nước, chúng tôi để lại sau lưng bạt ngàn rừng xanh ôm trọn những người đàn ông canh rừng, họ như “những chiến binh xanh” để những cánh rừng mãi xanh, cho hôm nay mà nghìn đời sau.