Một ngày ở 'rốn lũ' Nam Phương Tiến

Đến chiều 1/8, các phương tiện đã có thể ra, vào xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), tuy nhiên phía trong các thôn Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Côn của xã, nhiều hộ dân vẫn bị ngập trong lũ.

Máy cày lội nước hỗ trợ người dân

Từ hôm 24/7, chiếc máy cày của gia đình trưởng thôn Nam Hài Bùi Ngọc Bình trở thành “xe lội nước” hoạt động từ sáng sớm tới đêm khuya, đưa đón hàng trăm lượt cán bộ, người dân ra vào vùng rốn lũ.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng thôn Nam Hài Bùi Ngọc Bình cho biết, từ khi lũ tràn về, 355 hộ, 1.800 nhân khẩu trong thôn hoàn toàn bị cô lập bởi nước lũ, trong đó gần 300 hộ ngập sâu trong nước. Lúc này, chiếc máy cày (gia đình ông Bình mới mua 465 triệu đồng) đã trở nên lưỡng dụng, vì gầm máy cày khá cao (có thể chạy được trong điều kiện đường ngập cả mét nước), người dân đã chế một bộ khung, đặt một chiếc xuồng lên phía trên bộ khung đó, thế là một chiếc “xe lội nước” dã chiến ra đời.

Chiếc máy cày của Trưởng thôn Nam Hài đã trở thành "xe lội nước", từ sáng tới khuya đưa đón người dân ra vào thôn.

Chiếc máy cày của Trưởng thôn Nam Hài đã trở thành "xe lội nước", từ sáng tới khuya đưa đón người dân ra vào thôn.

“Từ hôm 24/7 đến nay, từ mờ sáng đến đêm khuya, mỗi ngày chiếc “xe lội nước” này đã đưa đón hàng trăm lượt người dân, cán bộ ra vào thôn Nam Hài, vừa an toàn, vừa hiệu quả. Tính ra mỗi ngày chiếc ‘xe lội nước” nói trên ngốn hết khoảng 700.000 tiền dầu, nhưng được chính quyền hỗ trợ một phần, một số hộ dân cũng đóng góp thêm” - ông Bình cho biết tiếp.

Phụ nữ đi chợ giúp nhau

Đã hơn một tuần trôi qua, nhiều thôn làng của xã Nam Phương Tiến chìm trong nước lũ, mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Việc mua bán nhu yếu phẩm của người dân không thể thực hiện được. Trước tình thế đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã nam Phương Tiến đã đưa ra sáng kiến “đi chợ hộ”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Phương Tiến Cao Thị Luyến cho biết, người dân trong vùng lũ có nhu cầu mua bán thực phẩm, thuốc chữa bệnh sẽ được Hội Liên hiệp phụ nữ xã đứng ra mua giúp và vận chuyển đến tận nhà bằng thuyền thúng. Chỗ nào ngập sâu, Hội sẽ phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão xã vận chuyển đến tay người dân bằng thuyền máy.

Bà Nguyễn Thị Nhàn (thôn Hạnh Bồ) cho biết, bà rất cảm ơn Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã có sáng kiến này, giúp cho những người dân bị cô lập, không bị thiếu thốn những thứ thiết yếu như gạo nước, thực phẩm trong cơn mưa lũ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nam Phương Tiến thông tin thêm, ngoài việc đi chợ giúp bà con, nước rút đến đâu, phụ nữ xắn tay cùng người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nam Phương Tiến với sáng kiến đi chợ giúp dân.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nam Phương Tiến với sáng kiến đi chợ giúp dân.

Nhiều khó khăn phía trước

Anh Trịnh Văn Đoàn (thôn Nam Hài) cho biết: “ngày thường, thanh niên chúng em thường làm việc trong thành phố, nhưng khi lũ về, hầu hết phải nghỉ làm để trông nom nhà cửa. Đến nay, lũ đã dần lui nhưng phải chờ một thời gian nữa nước mới rút hết khỏi nhà, sau đấy phải dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn môi trường mất cỡ một tháng mới vào ở được. Tính ra phải mất khoảng 2 tháng, cuộc sống sinh hoạt mới trở lại trạng thái bình thường”.

Xe bồn cấp nước sạch cho người dân thôn Hạnh Côn, xã Nam Phương Tiến, trưa 1/8.

Xe bồn cấp nước sạch cho người dân thôn Hạnh Côn, xã Nam Phương Tiến, trưa 1/8.

Theo quan sát của chúng tôi, cách đây 2 hôm, đường vào thôn Nhân Lý nước vẫn mấp mé bờ, đến đầu giờ chiều 1/8, cốt đường đã có khoảng cách khá xa so với mặt nước.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, mực nước sông Bùi ngày 1/8 đã giảm xuống mức 6,91m.

Đường vào thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, nước đã rút khá sâu.

Đường vào thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, nước đã rút khá sâu.

Nước rút đến đâu, huyện chỉ đạo khẩn trương đóng điện trở lại cho các hộ (đã đảm bảo an toàn), đồng thời hỗ trợ bóng điện, dây điện cho các hộ khó khăn. UBND các xã, thị trấn triển khai tổng vệ sinh môi trường, rác thải, xác động vật, thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ thiệt hại theo quy định. Bên cạnh đó, triển khai phương án phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống của Nhân dân.

Theo lãnh đạo huyện Chương Mỹ, sau khi nước rút cạn, sẽ trồng rau và cây vụ Đông sớm (dưa chuột, cà chua, rau các loại..). UBND huyện sẽ có chương trình hỗ trợ cây giống cho người dân vùng ngập lụt…

Theo thống kê, huyện Chương Mỹ đã huy động 4.721 người và 199 phương tiện tham gia hỗ trợ người dân và khắc phục hậu quả (trong đó, các đơn vị quân đội 450 người, 13 xe các loại, 4 xuồng máy); vật tư đã sử dụng: 6.028m3 đất, cát; 52.675 bao tải; 180m2 bạt nilon. Xí nghiệp Đầu tư và khai thác công trình thủy lợi đã vận hành 12 trạm với 36 máy bơm để bơm tiêu thoát nước. Đồng thời, tổ chức tiếp nhận và từ nguồn xã hội hóa, nguồn ngân sách của các đơn vị mua sắm cấp phát hỗ trợ đến các hộ trong vùng ngập úng.

Trần Thụ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mot-ngay-o-ron-lu-nam-phuong-tien.html