Một ngày ở tâm dịch Việt Yên
Huyện Việt Yên đang là tâm dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang với số bệnh nhân làm việc ở các khu công nghiệp (KCN) xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 liên tục tăng trong những ngày gần đây. Với tinh thần 'chống dịch như chống giặc', các lực lượng chức năng đã không quản ngại khó khăn, hiểm nguy lao vào tâm dịch với quyết tâm chiến thắng.
Thần tốc chống dịch
Việt Yên là huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Giang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ (bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/5/2021).
Các tuyến đường, con phố vốn nườm nượp người qua lại nay vắng lặng. Những dãy nhà dân nằm dọc 2 bên đường hầu hết đóng cửa, một cảnh tượng hiếm thấy ở một huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh với gần 300 nghìn người cư trú bao gồm công nhân và người dân sở tại.
Thị trấn Nếnh - một trong những điểm nóng nhất về dịch Covid-19 ở huyện Việt Yên với số lượng người phải lấy mẫu xét nghiệm lên tới 47 nghìn ở 11 tổ dân phố.
Hôm chúng tôi đến, dù đã hơn 12 giờ trưa, trời nắng nóng, oi bức, các phòng làm việc của trụ sở UBND thị trấn đều mở cửa với những bước chân vội vã của cán bộ, công chức.
Mặt hốc hác, tóc bết mồ hôi, ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Sau khi phát hiện những ca F0 liên quan đến ổ dịch ở Khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, một chiến dịch truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm được tỉnh, huyện, thị trấn triển khai thần tốc, quyết liệt. Gần hai tuần nay, toàn bộ lực lượng của thị trấn và 11 tổ dân phố căng mình làm việc thâu đêm, suốt sáng "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" yêu cầu khai báo y tế, điều tra truy vết các F, tiêu độc khử trùng toàn bộ các khu vực phong tỏa.
Tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở tổ dân phố My Điền 2 giữa cái nắng nóng đỉnh điểm buổi trưa, trong trang phục bảo hộ y tế kín mít từ đầu đến chân, mồ hôi vã ra như tắm, chị Chu Thị Hoa, nhân viên y tế của chốt chia sẻ, chốt được lập từ ngày 9/5 sau khi tổ dân phố My Điền 2 có trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên trên địa bàn huyện. Đây được coi là chốt trọng điểm nhất của thị trấn Nếnh khi My Điền 2 thực hiện giãn cách xã hội, trong đó có xóm 6 và 7 phải thiết lập vùng cách ly y tế. Quán giải khát của một hộ kinh doanh được trưng dụng làm nơi khám bệnh cho người dân. “Chúng tôi thay nhau trực 24/24 giờ, hiếm khi được chợp mắt, nhiều hôm làm việc tới 2-3 giờ sáng”, chị Hoa kể.
Thôn 7, xã Tăng Tiến cũng là thôn thiết lập vùng cách ly y tế, giãn cách xã hội theo quyết định của UBND tỉnh.
Ngồi trong lều lán hầm hập hơi nóng được dựng đầu thôn, gương mặt đẫm mồ hôi, anh Thân Văn Nam (SN 1986) chia sẻ: Vợ chồng tôi làm nghề buôn bán gia cầm. Mấy hôm nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, tôi xung phong ra chốt làm nhiệm vụ, vợ ở nhà chăm sóc 2 con nhỏ. Chỉ cách nhà vài trăm mét nhưng gần một tuần nay anh không về nhà mà ngủ ở chốt để kiểm soát nghiêm ngặt người qua lại, đồng thời phun thuốc khử khuẩn toàn bộ hàng hóa từ bên ngoài gửi vào thôn để bảo đảm an toàn phòng dịch.
Rời xã Tăng Tiến về hội trường UBND huyện Việt Yên (nơi tập kết mẫu) giữa buổi chiều, lúc này chị Đỗ Thị Thùy (SN 1989), nhân viên Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cùng đồng nghiệp ăn vội suất cơm hộp rồi tiếp tục lao vào làm việc. Công việc của chị là xuống các xã, thị trấn giám sát, gom các mẫu bệnh phẩm từ các xã, thôn vận chuyển lên tỉnh với cường độ làm việc gần 20 tiếng/ngày.
Chồng chị Thùy làm công an cũng đang đi tăng cường chống dịch, 2 con nhỏ phải nhờ bố mẹ trông thay. Nhìn gương mặt bơ phờ, đôi mắt quầng sâu vì thiếu ngủ, giọng nói khản đặc, tôi hiểu rằng, các chị rất mệt mỏi song vẫn gắng hết sức mình vì công việc. Đi sớm, về khuya, gần hai tuần nay chị chưa gặp các con mà chỉ tranh thủ hỏi thăm qua điện thoại.
“Tối qua, tôi nói chuyện qua điện thoại với con gái. Cháu vừa nói vừa khóc bảo rằng, con chỉ nhìn thấy quần áo của mẹ ở nhà mà không thấy mẹ đâu, bao giờ mẹ về với chúng con hả mẹ? Chẳng biết nói gì với con, tôi cũng bật khóc theo”, chị Thùy chia sẻ.
Chung sức dập dịch
Với tình cảm hướng về Việt Yên thân yêu, những ngày qua, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh những y, bác sĩ, nhân viên tế, lực lượng quân đội, công an đang gồng sức chống dịch. Từng đoàn xe vận chuyển thực phẩm, vật tư y tế liên tục ra vào giúp đỡ người dân đang ở vùng cách ly, phong tỏa.
Ngày 19/5, có lẽ là ngày đáng nhớ nhất đối với Nguyễn Ngọc Giang (SN 2002), chàng thanh niên dân tộc Tày, quê ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, hiện đang cư trú tại thôn Vân Cốc 1, xã Vân Trung (Việt Yên) khi được góp sức vào hoạt động tình nguyện.
Nghe tin dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn huyện Việt Yên, nhất là khi toàn huyện thực hiện cách ly xã hội, qua nhóm Facebook của Tỉnh đoàn Bắc Giang, Giang tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Nhóm tình nguyện của Giang khoảng 15 người có nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm từ các tổ chức, nhà hảo tâm gửi tới người dân các khu vực đang thực hiện cách ly y tế, phong tỏa. ''Dù vất vả song em cảm thấy rất vui vì được góp sức nhỏ bé trong công tác phòng, chống dịch. Biết em làm việc này, bố mẹ ở quê rất phấn khởi. Em sẽ làm đến khi nào dịch bệnh được đẩy lùi'', Giang nói.
Cùng với hỗ trợ nguồn thực phẩm thiết yếu, không ít chủ nhà trọ ở thị trấn Nếnh cùng các xã: Hồng Thái, Quang Châu, Vân Trung, Tăng Tiến... đã chia sẻ khó khăn với hoàn cảnh của những công nhân phải nghỉ làm do 4 khu công nghiệp tạm dừng hoạt động.
Thông thường, nếu đi làm, những công nhân này sẽ được công ty bố trí ăn trưa hoặc tối, các sinh hoạt khác cũng diễn ra tại công ty nên chi phí không tốn kém nhiều, chẳng hạn như nước uống, đồ dùng vệ sinh cá nhân, chi phí điện, nước... Khi nghỉ làm cũng đồng nghĩa với việc không có lương, công nhân sẽ gặp khó khăn, trong đó tiền thuê trọ cũng là khoản lớn mà họ phải chi trả.
Ông Thân Vương Đương (70 tuổi) - chủ nhà trọ ở tổ dân phố My Điền 1 cho biết, gia đình có 30 phòng trọ đang cho công nhân thuê với mức 800 nghìn đến một triệu đồng/phòng. Thấu hiểu, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của công nhân, dù hằng tháng phải trả lãi ngân hàng gần 10 triệu đồng, ông Đương vẫn bỏ tiền túi từ 100- 200 nghìn đồng cho mỗi phòng trọ để chi tiêu hằng ngày, đồng thời sẽ xem xét giảm hoặc miễn tiền thuê cho công nhân tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Tính đến sáng 19/5, huyện Việt Yên có 350 trường hợp mắc Covid-19 với hàng vạn F1, F2 đang thực hiện cách ly tập trung và tại nhà. Ứng phó với diễn biến phức tạp mới của dịch Covid-19, chỉ trong vài ngày gần đây, toàn huyện thành lập 25 khu cách ly tập trung nằm trên địa bàn 17 xã, thị trấn. 134/134 thôn, tổ dân phố đã thành lập tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng.
Do 4 khu công nghiệp phải tạm dừng hoạt động, cả huyện thực hiện cách ly xã hội nên cuộc sống của công nhân ở các nhà trọ về lâu dài sẽ gặp khó khăn, nhất là ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin, huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, lập chốt ở khu vực có đông công nhân sinh sống, cung cấp, phục vụ nhu cầu về lương thực, thực phẩm của người dân. Mặt khác, MTTQ, các tổ chức đoàn thể huyện, xã tích cực kêu gọi sự ủng hộ tiền mặt, các mặt hàng thiết yếu, trên cơ sở đó cấp phát theo lịch, phân bổ hợp lý, kịp thời đến các đối tượng.
Trong những ngày thực hiện cách ly xã hội, huyện đã có sự sáng tạo đó là tổ chức in thẻ vào chợ gửi đến trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn để phát cho các hộ nhằm phân chia tần suất đi chợ đối với người dân. Theo đó, cứ ba ngày, mỗi hộ, phòng trọ được đi chợ một lần để mua hàng hóa thiết yếu. Thẻ vào chợ có giá trị sử dụng một lượt. Mục đích của việc làm này nhằm hạn chế lượng người đi chợ đông cùng một thời điểm.
“Việt Yên đang gồng mình chống dịch, qua đó không những bảo đảm an toàn cho người dân trên địa bàn huyện mà còn cho các địa phương khác và cả nước, cho dù cuộc chiến chống dịch phía trước còn vô cùng gian nan”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thân Văn Thuần nói.
Bài, ảnh: Công Doanh