Một ngày tháng Năm Bác về Phú Đình

Như còn đâu đây bóng hình của Bác/Một ngày tháng Năm Bác về Phú Đình…Câu hát vang lên đưa lòng người về miền nhớ: Ngày này năm xưa (20/5/1947) Bác Hồ và một số cán bộ đã đến ở và làm việc tại Đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc (Định Hóa). ATK Định Hóa trở thành Thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn - là niềm tin yêu, nơi nuôi chí bền của toàn dân tộc.

Mỗi năm, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa đón hàng ngàn lượt du khách. Ảnh tư liệu.

Mỗi năm, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa đón hàng ngàn lượt du khách. Ảnh tư liệu.

Tối 19/5/1947, từ làng Xảo (Sơn Dương, Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ cảnh vệ và giúp việc trèo đèo, lội suối sang ATK Định Hóa. Rạng sáng 20/5/1947, Bác Hồ đến xã Điềm Mặc. Nơi ở và làm việc của Bác là một căn nhà sàn lợp lá gồm hai gian được dựng trên đồi Khau Tý, nép mình bên cây cổ thụ giữa khu rừng nứa ngộ thuộc thôn Nà Tra. Căn nhà Bác ở thoáng mát, vách nứa được đan khéo tay, nhìn rất đẹp. Trên một phía vách có treo một chiếc áo the dài, một khăn xếp, một chiếc ô đen. Đó là những thứ Bác dùng để cải trang khi đi công tác. Dưới sàn có hai chiếc vali dùng để đựng tài liệu và quần áo. Giữa sàn trải một chiếc chiếu. Tất cả “tiện nghi” của Bác Hồ - vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ có thế. Từ nơi Bác ở có con đường mòn đi sang huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), xuống huyện Đại Từ (Thái Nguyên), lên huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), ra huyện Phú Lương (Thái Nguyên) và nhiều đường tắt đi lại kín đáo, thuận tiện.

Du khách tham quan di tích lịch sử về Bác Hồ ở Định Hóa. Ảnh tư liệu.

Du khách tham quan di tích lịch sử về Bác Hồ ở Định Hóa. Ảnh tư liệu.

Từ ATK Định Hóa, nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước, vận mệnh của dân tộc đươc đưa ra: Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông (1947), Chiến dịch Biên giới (1950), Trung Du (1950-1951), Kế hoạch tác chiến Đông-Xuân (1953-1954)… Đặc biệt, ngày 6/12/1953 tại Lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, một trận đánh quyết chiến, quyết thắng, kết thúc 9 năm trường kháng chiến chống Thực dân Pháp. Cũng chính nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương quan trọng để lãnh đạo đất nước; viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” giúp cán bộ, đảng viên làm kim chỉ nam cho mọi hành động, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Không chỉ các quyết sách lớn của Đảng và Chính phủ phần lớn đều quyết định tại ATK Định Hóa, mà các hoạt động ngoại giao cũng diễn ra chủ yếu trên đất Thái Nguyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Pôn Muýt (Paul Mus) - đại diện Cao ủy Pháp, tại thị xã Thái Nguyên. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do Lêô Phighe (Léo Figùeres) dẫn đầu, các đoàn cố vấn Trung Quốc, đoàn điện ảnh Liên Xô và nhà đạo diễn nổi tiếng Cácmen, nhiều nhà ngoại giao, nhà báo quốc tế… đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại ATK Định Hóa…

Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng tình cảm của người dân Định Hóa nói riêng, tình cảm của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên nói chung hướng về Người vẫn vẹn nguyên như ngày “Người đi rừng núi trông theo bóng người".

TKXB

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/chinh-tri/mot-ngay-thang-nam-bac-ve-phu-dinh-271315-97.html