Một ngày trải nghiệm tại vựa vải thiều Lục Ngạn
tìm hiểu về kết quả xây dựng nông thôn mới, công tác đầu tư xây dựng cơ bản và kế hoạch sản xuất, tiêu thụ vải thiều, Đoàn phóng viên trẻ Báo điện tử Xây dựng vừa có chuyến đi thực tế tại vựa vải thiều lớn nhất cả nước – Lục Ngạn (Bắc Giang).
Huyện Lục Ngạn là vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh và khu vực phía Bắc với trên 28.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó cây trồng chủ lực là vải thiều có tổng diện tích trên 17.000 ha sản xuất chuyên canh, trong đó có gần 13.500ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; gần 4.000ha vải chín sớm; dự kiến sản lượng quả tươi toàn huyện năm 2023 đạt khoảng 98.000 tấn, trong đó vải chín sớm đạt sản lượng khoảng 25.000 tấn.
Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được trên 25.000 tấn quả tươi, trong đó 54% sản lượng được tiêu thụ trong nước và khoảng 46% xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nhiều nhất là thị trường Trung Quốc (đến nay đạt khoảng hơn 10.000 tấn, dự báo tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những ngày tới).
Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Tiếp nối chuỗi các sự kiện xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều năm 2023 của tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn ở trong và ngoài nước, vừa qua huyện Lục Ngạn tiếp tục đổi mới hình thức quảng bá truyền thông xúc tiến bằng việc tổ chức khởi động Chương trình du lịch mùa hè với chủ đề “Lục Ngạn mùa vải chín” đã tạo được hiệu ứng lan tỏa rất lớn và thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng và du khách ở khắp mọi miền đất nước.
Tại Lục Ngạn những ngày này, người nông dân đang tấp nập thu hoạch vải thiều. Những đồi vải thiều chín đỏ, miên man tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp đã thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm thu hoạch vải tại vườn.
Đến thăm vườn vải, du khách được tận tay hái trái vải thiều chín mọng trên cây và thưởng thức ngay tại vườn. Du khách cũng có thể cùng người dân nơi đây thu hoạch vải thiều và trực tiếp mua sản phẩm tại vườn với giá dao động từ 20.000 - 22.000 đồng/kg.
Thời gian qua, huyện Lục Ngạn cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ và nhân dân về lợi ích của du lịch trong phát triển kinh tế và tiêu thụ nông sản. Yêu cầu thực hiện quy tắc ứng xử văn minh, thân thiện. Các nhà vườn minh bạch trong thu phí, bán hàng bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, quét dọn vườn đồi sạch đẹp, bố trí bàn ghế, mắc võng để du khách thư giãn… Hướng dẫn các địa phương, HTX xây dựng sản phẩm, lịch trình tour, tuyến gắn việc trải nghiệm vườn vải…
Trong công tác xây dựng nông thôn mới, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của nhân dân nên Chương trình xây dựng NTM của huyện Lục Ngạn thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo lãnh đạo huyện Lục Ngạn, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện đã có sự thay đổi rõ nét, kinh tế phát triển khá; các lĩnh vực văn hóa, y tế, quy chế dân chủ ở cơ sở có nhiều chuyển biến, an ninh trật tự an toàn xã hội được tăng cường, hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn, trình độ sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng cao rõ rệt…
Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng giao thông, khu văn hóa thể thao được đầu tư cải tạo, xây dựng mới khang trang hơn; đặc biệt nhiều công trình được hình thành từ nguồn đóng góp, hiến đất của nhân dân…
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Lục Ngạn phấn đấu hoàn thành các tiêu chí, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới tại các xã còn lại trên địa bàn. Mục tiêu chung của huyện sẽ là xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước theo hướng hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch...
Lục Ngạn bốn mùa đều cho hoa thơm trái ngọt. Không chỉ có vải thiều, huyện còn có nhiều cây ăn quả nổi tiếng thơm ngon được trồng gối vụ và luân phiên thu hoạch suốt bốn mùa trong năm.
Cũng tại chuyến đi, Đoàn phóng viên trẻ có cơ hội tìm hiểu về mô hình phát triển hợp tác xã, tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tại địa phương.