Một Nghị quyết thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo đầu những năm 1990
Tháng 7/1994, Hội nghị Trung ương 7, Khóa VII đã ra Nghị quyết về Phát triển công nghiệp và công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lạm phát nghiêm trọng
Sau Đại hội Đảng VI, xen lẫn không khí vui tươi, phấn khởi của dòng suối tư duy mới, nhận thức mới là tình hình khó khăn của sản xuất - kinh doanh và đời sống. Tại Hội nghị Trung ương 2, Khóa VI, ngày 01/4/1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định: “Không cần phải suy nghĩ nhiều, mỗi chúng ta đều thấy rõ, hiện nay lạm phát đang là vấn đề nghiêm trọng nổi lên trong nền kinh tế nước ta. Chỉ trong vòng hơn một năm, khối lượng tiền tệ ném vào lưu thông đã tăng đến 10 lần”. Vì thế: “Mục tiêu giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối lưu thông là: giảm bội chi ngân sách, giảm dần nhịp độ tăng giá, giảm tốc độ lạm phát, giảm khó khăn về đời sống nhân dân, góp phần giải phóng sức sản xuất, mở rộng giao lưu hàng hóa, chuyển các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa”.
Thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo
Giữa năm 1988 trở đi, các chủ trương, chính sách đổi mới bắt đầu mang lại kết quả rõ rệt, tình hình kinh tế và đời sống nhân dân dần dần được cải thiện, sinh hoạt dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy, lòng tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới tăng lên. Nhưng từ năm 1991, tình hình quốc tế biến động mạnh, Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bước vào thời kỳ tan rã đã gây cho chúng ta những đảo lộn lớn và đột ngột về thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, về nhiều chương trình hợp tác kinh tế và nhiều hợp đồng về lao động.
Trong một thời gian ngắn, Nhà nước phải chuyển một phần đáng kể khối lượng buôn bán từ các thị trường truyền thống sang các thị trường mới; chịu những tác động lớn về biến động cung - cầu và giá cả của thị trường thế giới. Trong bối cảnh đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991 đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; tiếp tục khẳng định và bổ sung, hoàn thiện các chủ trương chính sách đổi mới kinh tế, đổi mới phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Trong đó nhấn mạnh đến phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại gắn liền với phát triển một nền nông nghiệp toàn diện nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Những công tác lớn cần tập trung tiến hành là: Từng bước hình thành và mở rộng đồng bộ các thị trường, bao gồm các yếu tố của quá trình sản xuất (thị trường hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất, dịch vụ, thị trường vốn và tiền tệ, thị trường ngoại hối, thị trường sức lao động...). Phát triển các hình thức thu hút vốn và bảo đảm chu chuyển vốn nhanh.
Trong 5 năm 1991 - 1995, đặc biệt chú trọng tăng nhanh sản lượng khai thác dầu khí; phát triển điện lực, nhất là ở miền Trung và miền Nam; sắp xếp và đầu tư chiều sâu để phát triển ngành Cơ khí nhằm trước hết phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp; phát triển công nghiệp điện tử - tin học; sớm xây dựng cơ sở lọc dầu, sản xuất phân đạm; khai thác đá quý, bauxite, đất hiếm...
Mở rộng giao lưu hàng hóa trong cả nước, chú trọng nông thôn và miền núi, xóa bỏ triệt để mọi hình thức chia cắt thị trường theo địa giới hành chính. Gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, có chính sách bảo vệ sản xuất nội địa, kiên quyết chống buôn lậu và các hiện tượng tiêu cực khác trong lưu thông. Tăng cường vai trò của hợp đồng kinh tế theo đúng pháp luật. Làm tốt công tác dự báo và chủ động cân đối về những mặt hàng thiết yếu, hạn chế đến mức thấp nhất và khắc phục kịp thời các đột biến về giá trên thị trường.
Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại. Huy động tiềm năng của nền kinh tế, phát huy lợi thế so sánh, vừa đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và đời sống trong nước, vừa hướng mạnh về xuất khẩu. Tiếp tục coi trọng các thị trường truyền thống, đồng thời nhanh chóng thâm nhập thị trường mới, mở rộng thị trường khu vực. Cải tiến cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng các mặt hàng chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu, tạo ra các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dầu mỏ, nông sản, thủy sản. Sớm tạo được một số mặt hàng gia công, lắp ráp, chế biến có công nghệ hiện đại, có sức cạnh tranh trong xuất khẩu.
Tháng 7/1994, Hội nghị Trung ương 7, Khóa VII đã ra Nghị quyết về Phát triển công nghiệp và công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết đã tạo thuận lợi, mở ra các cơ chế chính sách cụ thể thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp mang tính nền tảng như công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp sản xuất nguyên, nhiên, vật liệu cơ bản, công nghiệp quốc phòng và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng.