Một 'ngoại lệ' trong lệnh trừng phạt chống Nga, Mỹ và châu Âu dù muốn cũng chưa thể xâm phạm
Phần lớn các loại năng lượng xuất khẩu của Nga đã 'trúng đòn' trực tiếp từ hơn 10 vòng 'trừng phạt chồng trừng phạt' của Mỹ và phương Tây nhắm vào nguồn thu chính của nền kinh tế Nga, kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine (2/2022). Nhưng trong đó vẫn có một ngoại lệ rất đáng chú ý.
Rosatom - "biểu tượng" độc quyền năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu Nhà nước Nga, là công ty xuất khẩu và làm giàu uranium hàng đầu thị trường, đồng thời là đối tác quan trọng và dày dạn kinh nghiệm bậc nhất, trong xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân trên khắp thế giới.
Giới chuyên gia cho biết, dù căng thẳng với Moscow như thế nào thì Rosatom vẫn được bảo vệ, bởi vai trò sống còn của nó đối với năng lượng hạt nhân toàn cầu và thực tế là nó không dễ bị thay thế. Paul Dorfman, Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn về hạt nhân và ngành công nghiệp hạt nhân, đồng thời cũng là cố vấn lâu năm cho chính phủ Anh tiết lộ lý do chính là “sự phụ thuộc đan xen đáng giá”.
Rosatom là nhà xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân chính. Đến tận năm 2021, Mỹ vẫn dựa vào sự độc quyền hạt nhân của Nga đối với 14% uranium cung cấp cho các lò phản ứng hạt nhân của nước này. Rosatom cũng cung cấp các dịch vụ làm giàu nhiên liệu, chiếm tới 28% nhu cầu của Mỹ.
Các nước châu Âu cũng đã mua gần 1/5 nhu cầu nhiên liệu hạt nhân từ Rosatom. Theo nhận xét của chuyên gia Dorfman, EU đã đạt được rất ít tiến bộ kể từ khi từ bỏ ngành công nghiệp hạt nhân của Nga.
Doanh nghiệp của Nga đã xây dựng nhiều nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới và trong một số trường hợp còn tài trợ cho việc xây dựng chúng. Mới đây là trường dự án Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu (Thổ Nhĩ Kỳ), Rosatom đã triển khai hình thức hợp tác đầu tư mới là tài trợ đầy đủ và cam kết vận hành trong suốt vòng đời.
Tính đến cuối năm 2021, gần 1/5 nhà máy điện hạt nhân trên thế giới là ở Nga hoặc do Nga xây dựng. Hiện tại, Rosatom đang xây dựng thêm 15 nhà máy bên ngoài nước Nga, theo thông tin từ Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia.
"Tính lợi hại" của năng lượng hạt nhân, khiến nhiều nước trên thế giới vẫn không chỉ cảm thấy khó sớm từ bỏ, mà còn mạnh tay tiếp tục theo đuổi điện hạt nhân. Và trong đó, "quan hệ phụ thuộc đan xen" không dễ dàng gỡ bỏ. Các chuyên gia cho biết, việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới để thay thế Rosatom trong ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu sẽ mất rất nhiều năm.
Theo Báo cáo Tình trạng hạt nhân thế giới (WNISR), một số quốc gia vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào năng lượng hạt nhân, hoặc ít nhất coi đây là nguồn năng lượng không có carbon để chống biến đổi khí hậu. Hiện trên thế giới vẫn còn 412 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại 41 quốc gia. Điện hạt nhân chiếm khoảng 9,8% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2021, giảm so với mức đỉnh 17,5% vào năm 1996.
Mỹ đã tìm được nguồn năng lượng sạch?
Trong khi Đức chính thức đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào ngày 15/4, chậm 3 tháng rưỡi so với kế hoạch ban đầu, Mỹ hiện vẫn đang sở hữu số nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới - với 92 lò phản ứng thương mại. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, năm 2022, điện hạt nhân chiếm 18,2% sản lượng điện của nền kinh tế số 1 thế giới.
Tỷ lệ điện hạt nhân trong tổng năng lượng của Mỹ cũng bị giảm trong thập kỷ qua - từ khoảng 20% xuống chỉ còn hơn 18% hiện nay. Sau khi đạt đỉnh khoảng 102.000 MW vào năm 2012, sản lượng điện hạt nhân của Mỹ giảm xuống còn 95.492 MW vào cuối năm 2021.
Mỹ cũng có các lò phản ứng hạt nhân lâu đời nhất trên thế giới, với độ tuổi trung bình là 41,6 năm. Hầu hết các lò phản ứng đã đi vào hoạt động từ năm 1985. Hiện chỉ có 2 lò mới đang được xây dựng.
Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden đã ủng hộ hạt nhân như một nguồn năng lượng không có carbon để chống biến đổi khí hậu. Chính quyền Mỹ năm ngoái đã tung ra một gói hỗ trợ trị giá 6 tỷ USD để "giải cứu" các nhà máy điện hạt nhân có nguy cơ đóng cửa.
Châu Âu chưa thể từ bỏ năng lượng hạt nhân
Trên thực tế, sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân của Nga đôi khi có thể vượt qua những cân nhắc khác. Chẳng hạn, Hungary là nước phản đối mạnh mẽ nhất các biện pháp trừng phạt của EU đối với Rosatom. Đây cũng là một trong số các quốc gia EU duy nhất dựa vào năng lượng hạt nhân cho hơn 40% sản lượng điện và họ có thỏa thuận tài chính dài hạn với Rosatom để xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Phần Lan hiện đang vận hành 4 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp 1/3 điện năng của quốc gia. Theo Bộ Kinh tế Phần Lan, lò phản ứng thứ 5 đang trong giai đoạn triển khai.
Trong những năm gần đây, sự hỗ trợ cho điện hạt nhân đã tăng lên ở Phần Lan. Một cuộc thăm dò do hiệp hội thương mại Năng lượng Phần Lan tiến hành năm ngoái cho thấy 60% người Phần Lan ủng hộ năng lượng hạt nhân, mức cao kỷ lục. So với nhiều nước khác trên thế giới, Phần Lan đã đi trước một bước trong quản lý chất thải hạt nhân. Quốc gia Bắc Âu này hiện đang xây dựng một kho chứa chất thải hạt nhân nằm sâu dưới lòng đất, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025.
Trong khi đó, Pháp vẫn phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân nhiều nhất trên thế giới, với 56 nhà máy điện đang vận hành, cung cấp khoảng 2/3 nhu cầu điện của quốc gia. Các nhà máy điện có tuổi thọ trung bình gần 37 năm và lò phản ứng cuối cùng đã đi vào hoạt động vào năm 1999.
Năm ngoái, chính quyền Pháp đã phải đóng cửa một số lò phản ứng của quốc gia sau khi phát hiện các vấn đề ăn mòn, khiến sản lượng điện hạt nhân giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm. Bất chấp các vấn đề, chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron vẫn muốn sản lượng điện hạt nhân tăng trở lại từ 350-380 TWh mỗi năm trong những năm tới. Nước này đặt mục tiêu xây dựng thêm 6 lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới EPR2 với tổng trị giá 52 tỷ Euro (57 tỷ USD). Mặc dù có nhiều lò phản ứng hạt nhân nhất, cho đến nay Pháp không có kho lưu trữ cuối cùng cho chất thải phóng xạ cao ở Pháp.
Ba Lan lại là một trường hợp khác, dù đã có kế hoạch phát triển điện hạt nhân từ năm 1980 và bắt đầu xây dựng 2 lò phản ứng, nhưng nước này đã ngừng xây dựng 2 lò này sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986. Sau nhiều nỗ lực không thành, đến cuối năm 2014, chính phủ mới thông qua kế hoạch xây dựng 6 lò phản ứng mới, với tổ máy đầu tiên dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024.
Ba Lan hy vọng năng lượng hạt nhân sẽ giúp nước này loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than, hiện đáp ứng khoảng 70% nhu cầu điện của Ba Lan.