Một người chết, hàng chục ngôi nhà bị hư hỏng do mưa lớn kéo dài ở phía Bắc
Trước tình hình mưa lớn kéo dài, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai đề nghị người dân không được chủ quan, tuyệt đối tránh đi qua các ngầm tràn, đánh bắt cá, vớt củi trên sông... vào mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn.
Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), mưa lớn kèm giông lốc trong 2 ngày 24 – 25/6 tại các tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang đã gây thiệt hại về người và tài sản.
Cụ thể, 1 người mất tích do trượt chân và bị nước cuốn trôi khi đi qua ngầm tràn lúc 16 giờ 30 ngày 24/6. Nạn nhân được xác định là anh Hoàng Văn Hiên (41 tuổi, trú xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn).
40 ngôi nhà hư hỏng do sạt lở đất và sét đánh (Bắc Giang 7 ngôi nhà, Lạng Sơn 33 ngôi nhà), 365 ha lúa và hoa màu tại Lạng Sơn bị ngập úng.
Ngay sau đó, chính quyền các địa phương đã tổ chức tìm kiếm người mất tích; huy động lực lượng giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống.
Trước đó, ngày 25/6, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai vừa cảnh báo người dân không được chủ quan khi xuất hiện hình ảnh về chiếc xe khách bất chấp nước chảy xiết và đi qua ngầm tràn tại Phúc An (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái).
"Đã có rất nhiều trường hợp coi thường tính mạng khi đi qua ngầm tràn mùa mưa lũ và để lại hậu quả thương tâm. Đề nghị người dân không được chủ quan, tuyệt đối tránh đi qua các ngầm tràn, đánh bắt cá, vớt củi trên sông... vào mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn", Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai nhấn mạnh.
Cùng ngày, đoàn công tác của Văn phòng thường trực ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng, làm trưởng đoàn đi kiểm tra sạt lở tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; kiểm tra thực địa tại một số điểm sạt lở tại xã Tân Đức (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) và làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau.
Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày và đêm 26/6, ở phía Đông Bắc bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 80mm; khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 60mm (thời gian xảy ra mưa giông tập trung vào chiều và tối).
Trong mưa giông, có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Cần đề phòng ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở nhiều khu vực miền núi do mưa lớn đã kéo dài nhiều ngày.