Một người lơ là, cả xã hội vất vả

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam thời gian qua đã chứng minh rằng, bất kỳ sự chủ quan, lơ là nào trong cuộc chiến với đại dịch toàn cầu này đều phải trả giá đắt. Sự trả giá ấy không chỉ bằng mồ hôi, công sức, việc làm, sinh kế, sức khỏe mà còn là tính mạng của mỗi người. Thế nhưng, điều đó không phải ai cũng nhận ra. Sự lơ là, chủ quan của một bộ phận người dân những ngày này dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch trong tỉnh đã chứng minh điều đó.

Ý thức phòng dịch của người dân đóng vai trò quan trọng trong điều kiện nhân lực, vật lực của ngành y tế tỉnh còn nhiều hạn chế. Trong ảnh: Công tác kiểm soát dịch tại cửa ngõ dẫn vào tỉnh trên quốc lộ 13, huyện Chơn Thành

Ý thức phòng dịch của người dân đóng vai trò quan trọng trong điều kiện nhân lực, vật lực của ngành y tế tỉnh còn nhiều hạn chế. Trong ảnh: Công tác kiểm soát dịch tại cửa ngõ dẫn vào tỉnh trên quốc lộ 13, huyện Chơn Thành

Chỉ trong tuần qua, toàn tỉnh đã ghi nhận 218 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 5 ổ dịch trong cộng đồng với 64 ca bệnh và còn 3 ổ dịch chưa xác định được nguồn lây. Trong các bài viết trước, chúng tôi đã nhiều lần đề cập, một khi các tỉnh, thành bạn chưa an toàn; trong tỉnh còn xen lẫn các vùng xanh, vàng, cam, đỏ và tỷ lệ bao phủ vắc xin ở tỉnh chưa đạt ngưỡng an toàn thì chỉ một phút lơ là, chủ quan, thiếu ý thức của một vài người cũng khiến cả cộng đồng vất vả.

Những con số báo động

Hơn 2 tuần kể từ khi Bình Phước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới cũng là chừng ấy thời gian các ca dương tính với Covid-19 trong tỉnh không ngừng tăng cao. Từ 5-7 ca/ngày, tăng lên hơn 20 trường hợp/ngày, có thời điểm chỉ trong 33 giờ, toàn tỉnh ghi nhận 115 trường hợp dương tính với SARS-Cov-2. Đặc biệt, chỉ từ 20 giờ 30 phút ngày 1-11 đến 7 giờ 30 phút ngày 2-11 (trong vòng 11 giờ), toàn tỉnh đã ghi nhận thêm 70 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới. Đây là con số đáng báo động và cao nhất kể từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay xảy ra tại tỉnh. Nguyên nhân dẫn đến số ca dương tính tăng cao là những trường hợp từ các tỉnh, thành có dịch trở về, các lái xe vận chuyển hàng hóa vào tỉnh và lây nhiễm qua các hoạt động giao thương, buôn bán khi các tỉnh, thành phố trong khu vực trở lại trạng thái bình thường mới. Cùng với đó là các trường hợp F1 trở thành F0… Điều đáng lo ngại là trong đó có rất nhiều trường hợp gây ra ổ dịch trong cộng đồng, nhưng chưa xác định được nguồn lây, gây khó khăn cho công tác điều tra dịch tễ, khoanh vùng, dập dịch.

Không chỉ xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, những ngày này, dịch đã tấn công vào các doanh nghiệp, khu công nghiệp cũng xuất phát từ sự thiếu ý thức, chủ quan, xem thường dịch bệnh của số ít công nhân, người lao động. Đó là trường hợp F0 là công nhân Công ty TNHH Jason Furniture (Việt Nam), Khu công nghiệp Đồng Xoài III, xã Tiến Hưng (TP. Đồng Xoài) phát hiện vào chiều tối 1-11. Theo khai báo ban đầu, trường hợp này đang thực hiện phương châm “3 tại chỗ” tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, người này đã nhảy tường rào ra ngoài đi chơi, về nhà tiếp xúc với nhiều người rồi lại trốn vào công ty làm việc... Trường hợp F0 này đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác điều tra truy vết, khoanh vùng, cắt đứt nguồn lây và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong điều kiện số ca dương tính với Covid-19 trong tỉnh đang gia tăng, công tác kiểm soát người ra vào địa bàn phải được kiểm soát chặt chẽ. Trong ảnh: Người ra vào địa bàn huyện Chơn Thành thực hiện khai báo y tế

Trong điều kiện số ca dương tính với Covid-19 trong tỉnh đang gia tăng, công tác kiểm soát người ra vào địa bàn phải được kiểm soát chặt chẽ. Trong ảnh: Người ra vào địa bàn huyện Chơn Thành thực hiện khai báo y tế

Đặc biệt, qua điều tra dịch tễ, những ngày này còn có rất nhiều trường hợp dương tính với Covid-19 do giao lưu, buôn bán, tiếp xúc với người đến từ vùng dịch, nhưng không biết và đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người khiến các ca F0 trong tỉnh ngày càng tăng cao. Rất nhiều trường hợp lây nhiễm do tiếp xúc với người môi giới bất động sản đến từ các tỉnh, thành có dịch. Thống kê trong ngày 1-11, riêng thành phố Đồng Xoài ghi nhận 10 ca dương tính mới, trong đó có 2 người làm môi giới bất động sản. Hai người này đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người và qua truy vết trong ngày đầu, phát hiện 30 trường hợp F1 liên quan đến 2 ca dương tính này.

Nới lỏng nhưng không lơi lỏng

“Thích ứng an toàn, linh hoạt” thay cho “zero covid” là chiến lược của Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế thấp nhất các ca mắc, tử vong do Covid-19; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân, đồng thời khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.Nói cách khác đó là việc thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ, vừa kiểm soát tối đa sự lây lan của Covid-19, vừa khôi phục, phát triển kinh tế trong điều kiện chấp nhận sống chung với Covid-19. Mục tiêu chiến lược này xuất phát từ thực tế, có sự kế thừa, rút kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước và từ yêu cầu thực tiễn.

Thực tế cho thấy, khi tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, chủ trương nới lỏng giãn cách, vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục phát triển nền kinh tế là bước đi táo bạo, kịp thời và phù hợp trong giai đoạn hiện nay vì “sức khỏe” nền kinh tế cả nước và đời sống dân sinh. Bởi thực tế chúng ta không mãi chỉ chạy theo dịch để ứng phó, chống chọi, cũng không thể ngồi yên đợi hết dịch rồi mới lo phát triển kinh tế. Công cuộc chống Covid-19 xác định là trường kỳ và mục tiêu “zero covid” không còn khả thi. Tuy nhiên, không “mở cửa” bằng mọi giá, không đánh đổi sức khỏe người dân để lấy kinh tế. Việc “mở cửa” trở lại được yêu cầu thực hiện từng bước thận trọng trên cơ sở đánh giá, phân vùng nguy cơ để có những giải pháp phòng dịch phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực hiện “mục tiêu kép”. Tinh thần chung là “an toàn đến đâu mở cửa đến đó”. “Mở cửa” trong giới hạn với những yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch.

Tại Bình Phước, ngày 15-10, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3513/UBND-KT quy định tạm thời các hoạt động kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, một số hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao vẫn tiếp tục đóng cửa, hầu hết những hoạt động được “mở cửa” trở lại nhưng chỉ được phép hoạt động 50% công suất, đảm bảo khoảng cách tối thiểu và không tập trung quá 30 người trong cùng một thời điểm. Các hoạt động dịch vụ ăn uống khuyến khích bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi… Các biện pháp “5K” và đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng dịch tiếp tục được thực hiện.

Quy định là thế nhưng thực tế, trong những ngày qua đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơi lỏng với những quy định phòng, chống dịch của một bộ phận nhân dân. Bất chấp các khuyến cáo của ngành chức năng và chính quyền địa phương, người dân vô tư đi lại, tập trung đông người tại các siêu thị, chợ, hàng quán. Tại các quán cà phê, dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Đồng Xoài không khó để bắt gặp tình trạng tập trung đông người, với cảm giác như chưa hề có dịch. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, những ngày qua đã có rất nhiều ca lây nhiễm từ các quán cà phê, dịch vụ ăn sáng.

Số ca dương tính với Covid-19 trong tỉnh ngày càng tăng cao, đặt áp lực lớn lên lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trong ảnh: Cán bộ, nhân viên y tế phân tích mẫu xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Số ca dương tính với Covid-19 trong tỉnh ngày càng tăng cao, đặt áp lực lớn lên lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trong ảnh: Cán bộ, nhân viên y tế phân tích mẫu xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Để xảy ra tình trạng tập trung đông người dẫn đến lây nhiễm dịch bệnh, không chỉ người bị lây nhiễm phải đưa đi cách ly, điều trị mà các điểm xảy ra dịch cũng phải đóng cửa, để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý, thiệt hại về kinh tế gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, những trường hợp cố tình vi phạm các quy định phòng dịch để xảy lây nhiễm diện rộng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhiều trường hợp ở thành phố Đồng Xoài bị xử lý chỉ vì chủ quan, thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch là bài học nhãn tiền.

Chúng ta đều biết, Covid-19 lây qua không khí do tiếp xúc gần, với người dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng dịch vẫn có thể lây nhiễm. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, khi đã được tiêm vắc xin phòng dịch thì nguy cơ tử vong vì Covid-19 thấp, nhưng không hoàn toàn tuyệt đối. Và điều đáng trách là, từ việc chủ quan đã được tiêm vắc xin phòng dịch rồi đi nhiều nơi làm lây lan dịch cho nhiều người. Hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 trên địa bàn tỉnh mới đạt 74,5%, mũi 2 đạt 15,6% so với số dân trên 18 tuổi cần tiêm. Nghĩa là trong tỉnh còn rất nhiều trường hợp chưa được tiêm vắc xin phòng dịch hoặc mới tiêm 1 mũi. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ lây nhiễm, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng nếu vô tình tiếp xúc nơi đông người.

Bài học từ cuộc chiến chống Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương cho thấy, cơ chế lây lan của Covid-19 là vô cùng nguy hiểm, khó lường, chỉ từ “1 tàn lửa nhỏ, có thể thành đám cháy lớn” và để lại nhiều hệ lụy cho xã hội và nền kinh tế đất nước. Hơn lúc nào hết, khi chúng ta chưa đạt được miễn dịch cộng đồng thì tinh thần, ý thức trách nhiệm của mỗi người trong phòng dịch là vô cùng cấp thiết, đặc biệt quan trọng. Và, chống dịch là trách nhiệm của toàn dân.

Minh Luận

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/128083/mot-nguoi-lo-la-ca-xa-hoi-vat-va