Một người mất nửa triệu USD vì bị hack trên sàn NFT
Tuy đã đề nghị mua lại số tài sản bị đánh cắp, nhà sưu tập Trung Quốc vẫn chưa thể lấy lại vật phẩm NFT quý hiếm của mình.
Nick Chen, sinh viên năm cuối tại Đại học Tongji, Thượng Hải, vừa chia sẻ về “cú lừa” khiến anh mất trắng một vật phẩm NFT quý hiếm trị giá 200 đồng Ethereum, tương đương 548.000 USD trên nhóm Discord.
Chen từng tạo tiếng vang trong cộng đồng chơi NFT ở Trung Quốc vì câu nói “cược tất vào NFT” khi trả lời khảo sát việc làm tương lai của trường đại học.
Theo Chen, tác phẩm bị đánh cắp đến nằm trong dự án Doodle Collectibles nổi tiếng và chiếm đến một nửa tổng giá trị tài sản NFT của anh. Trước đó, vào tháng 1, Pranksy, “cá voi” NFT, đã mua một tác phẩm bộ sưu tập này với giá 296,69 Ethereum, tương đương 1,12 triệu USD.
Hiện nền tảng giao dịch NFT OpenSea đã khóa tính năng mua và bán số NFT bị trộm. Tuy nhiên, tên trộm đã bán cho một người dùng khác không hay biết về sự việc này.
Sau khi nói chuyện với chủ sở hữu mới, Chen cho biết bộ sưu tập này được buôn bán trái phép và đề nghị mua lại. Tuy nhiên, người chủ mới từ chối vì không muốn mất một khoản tài sản với giá mua “hời” như vậy.
Tuy nhiên, chàng sinh viên vẫn không bỏ cuộc mà vẫn tiếp tục thương lượng để lấy lại số NFT đã bị mất. Dù sự kiện này đã để lại một cú sốc không nhỏ cho Chen, nhưng anh vẫn không hề lung lay quyết định theo đuổi “nghề” NFT của mình. “Sản phẩm nghệ thuật tiền kỹ thuật số vẫn là điều tôi luôn hướng tới”, Chen chia sẻ.
NFT là loại tài sản kỹ thuật số được xây dựng trên hệ thống chuỗi khối và có chứa thông tin về chủ sở hữu và quyền sở hữu. Loại hình tài sản này đã trở thành một trào lưu được phổ biến rộng rãi trong những năm gần đây. Trong đó, người chơi chi hàng triệu USD để sưu tầm các hình họa hay tác phẩm nghệ thuật.
Vụ việc của Nick Chen cho thấy làn sóng tài sản NFT vẫn phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc bất chấp lệnh cấm tiền điện tử của chính quyền Bắc Kinh, SMCP đánh giá.
Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm các hoạt động khai thác và giao dịch tiền ảo trên toàn quốc, đồng thời người dùng ở quốc gia này cũng không thể truy cập OpenSea.
Mặc cho lệnh cấm, tại đây vẫn xuất hiện một cộng đồng các nhà đầu tư đổ tiền vào các nền tảng NFT của nước ngoài. Nhóm người này cũng tự rao bán tác phẩm NFT của mình trên OpenSea.
Sự bành trướng và thiếu kiểm soát đã khiến NFT trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho tội phạm lừa đảo. Tuần trước, 17 người dùng vướng phải một cuộc tấn công lừa đảo NFT, khiến họ mất quyền truy cập vào một số NFT có giá trị nhất. Hiện nền tảng OpenSea đang điều tra về nguồn gốc của vụ việc.
Tổng số tài sản NFT bị đánh cắp có thể trị giá lên đến 1,7 triệu USD, CEO Devin Finzer của OpenSea chia sẻ trên tài khoản Twitter của mình.