Một người phụ nữ đi qua ký ức kinh hoàng

Vượt qua ký ức kinh hoàng tưởng như đã lấy đi mạng sống bản thân, người phụ nữ ấy giờ chỉ biết cần mẫn với công việc may đồ, bán hàng online để có tiền lo cho hai người con.

Việc người chồng nhiều năm chung sống nhẫn tâm tưới xăng, châm lửa đốt chị đã dần phai mờ, nguội lạnh đi sau những nỗ lực không biết mệt mỏi để xóa nhòa mà chính bản thân chị đã trải qua.

Chị Ngân kể về cuộc đời đầy ám ảnh của mình.

Chị Ngân kể về cuộc đời đầy ám ảnh của mình.

Sống sót trong biển lửa

Ngồi cùng chúng tôi trong căn nhà trọ ở ngay tuyến đường quốc lộ 22 đoạn qua xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TPHCM), chị Lê Thị Kim Ngân (34 tuổi, quê Phú Yên) cho biết chị mới đưa hai con đi học và đi chợ mua đồ ăn sáng về.

Chị Ngân bảo hiện nay cuộc sống của chị tạm ổn sau khi thuê căn nhà chừng hơn mười mét vuông để mở cửa tiệm bán quần áo, đồ tinh dầu thiên nhiên xoa bóp do một người bạn cung cấp. Đây cũng là nơi sinh sống của ba mẹ con chị. Với một người phụ nữ bị bỏng tới 92% cơ thể thì đó được coi là tạm ổn. Nhưng hành trình để có được ngày hôm nay với chị là vô vàn những nỗ lực, đớn đau cả về thể xác lẫn tinh thần.

Sau khi trải qua 7 lần phẫu thuật, chị được xuất viện với một hình hài gần như không còn nguyên vẹn. Thế nhưng nhìn hai người con lúc đó mới 9 và 6 tuổi, chị Ngân lại phải cố gắng để sống tiếp. Và cuộc đời đã không phụ lại người phụ nữ ấy.

Hồi tưởng về cái đêm kinh hoàng ấy, trên nét mặt người phụ nữ chằng chịt những mảng da nhăn nheo vì bỏng ấy vẫn chưa hết sợ hãi kể: “Đó là vào tháng ba của 3 năm về trước. Lúc đó chừng 10 giờ tối, mình vừa đóng cửa tiệm kinh doanh internet và khép cửa phòng ngủ của hai con. Lúc này chồng tới ngồi cạnh bên cũng nói chuyện bình thường. Khi ấy, cuộc sống của gia đình cũng khá bình thường dù chồng chị mắc bệnh lao phổi, thường xuyên phải đi bệnh viện lấy thuốc thang. Mình ở nhà mở một tiệm kinh doanh internet nho nhỏ và làm thêm công việc thêu tranh trong lúc coi tiệm.

Trước đó hai vợ chồng không cự cãi gì nhau quá nhiều cả dù chồng thường xuyên cá độ đá bóng khiến mình có phần mệt mỏi. Khi mình vừa đóng cửa xong thì chồng nắm chặt tay lôi vào phòng, lấy tay đè lên cổ rồi lấy chai xăng đã chuẩn bị trước dưới gầm giường tưới từ đầu lên khắp người. Sau đó anh cũng tưới xăng lên người anh rồi châm lửa để cả hai cùng chết chung.

Khi nghe tiếng bật lửa phụt lên, mình đã nghĩ đời mình chấm dứt nhưng khi đó không hiểu bằng cách nào vẫn đạp cửa chạy ra ngoài kêu cứu và hô hoán để hai con ngủ phòng bên cạnh chạy ra khỏi nhà. Sau đó hàng xóm phá cửa dập lửa rồi đưa cả hai vợ chồng đi cấp cứu. Sau mấy ngày nằm trong Bệnh viện đa khoa Phú Yên. Do vết thương quá nặng, mình được người thân chuyển vào bệnh viện ở TP HCM điều trị tiếp. Khoảng chừng hai tuần sau mình mới hồi tỉnh, nhận thức được sự vật xung quanh. Một tháng từ sau biến cố ấy, các bác sỹ đã giữ lại được mạng sống cho mình nhưng cơ thể bị bỏng 92% vĩnh viễn không thể nào hồi phục được” - chị Ngân vừa khóc vừa kể.

Nhìn gương mặt người phụ nữ mới hơn ba mươi tuổi nhưng chằng chịt những vết bỏng cháy, chúng tôi không dám hỏi chị thêm về ký ức kinh hoàng ấy nữa. Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu những ngày tháng khó khăn của đời chị. Chị Ngân kể rằng đau đớn thể xác đã khiến chị từng nghĩ đến việc quyên sinh. Dù ngọn lửa chồng thiêu đã lụi tàn nhưng cơ thể chị lúc nào cũng như bị đốt vì nóng nhức, đau đớn, bỏng rát. Những vết cháy xém thịt gần như toàn thân khiến việc phẫu thuật khó khăn hơn. Thậm chí bác sỹ đã không thể tìm được ven trên da thịt khi tiêm thuốc cho chị. Nhưng nhìn hai người con và muốn gặp lại người chồng bạc bẽo để hỏi “tại sao lại đối xử với mình như vậy” khiến chị mạnh mẽ sống tiếp. Sau khi trải qua 7 lần phẫu thuật, chị được xuất viện với một hình hài gần như không còn nguyên vẹn. Thế nhưng nhìn hai người con lúc đó mới 9 và 6 tuổi, chị Ngân lại phải cố gắng để sống tiếp. Và cuộc đời đã không phụ lại người phụ nữ ấy.

Vị tha để sống bình yên

Ký ức kinh hoàng và đau đớn thể xác những tưởng sẽ khiến chị Ngân nói rất nhiều khi gặp lại chồng nhưng lúc vào thăm anh trong trại giam, chị không nói được câu nào. Thấy người đàn ông cứ cúi mặt, lặng lẽ khóc chị cũng chỉ biết khóc cho những gì đã qua. Câu hỏi “tại sao lại đối xử với chị như thế” đã không còn ý nghĩa nữa. Anh phải trả giá cho những hành vi của mình theo pháp luật. Rồi chị quyết định làm đơn xin giảm án trong phiên tòa xét xử anh trước pháp luật, dù lúc đó hai người đã ly hôn.

Trong thời gian anh chấp hành án phạt 16 năm tù cho hành vi của mình, chị cũng có vào trại giam thăm anh, nhưng anh có lẽ đã ân hận với giây phút tội lỗi của mình mà tránh gặp chị. Thế nên chị quyết định đưa hai người con vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc và sinh sống. Một phần vì có người giới thiệu chị tới sống ở một trung tâm có nhiều người phụ nữ cùng hoàn cảnh với chị, phần vì chị muốn bản thân và các con rời xa căn nhà từng mang đến nỗi ám ảnh kinh hoàng ấy.

Tại vùng đất mới, một xã ngoại thành xa xôi ở huyện Củ Chi, hàng ngày chị Ngân lặng lẽ với công việc gia công quần áo, thậm chí là túi xách, giầy dép khi khách hàng có nhu cầu. Công việc thủ công, không cần nhiều kỹ thuật nhưng với chị cũng không hề dễ dàng vì cơ thể bị biến dạng và những đau đớn thể xác thi thoảng vẫn nhói lên. Ngoài làm việc, nhờ có mạng xã hội chị Ngân cùng một vài người bạn khác cũng có hoàn cảnh tương tự đã bán hàng online. Các chị tự lập tài khoản cá nhân và đưa các clip giới thiệu về tinh dầu tràm xoa bóp, hay tinh dầu thiên nhiên làm đẹp cho phụ nữ.

Chị Ngân kể, thời gian đầu lên mạng, nhiều người vào bình luận rất ác ý, kiểu như nhìn mặt chị xấu xí vậy mà bán sản phẩm làm đẹp thì ai mua, hay kêu đeo khẩu trang vào để người khác nhìn cho đỡ sợ... Từ sâu thẳm trái tim người phụ nữ, chị rất buồn nhưng để có tiền cho hai con ăn học, chị lặng lẽ chấp nhận và vượt qua.

Hơn một năm nay, nhiều khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm của chị đã bắt đầu tin tưởng và cảm thấy an tâm khiến chị có một nguồn thu nhập nho nhỏ nhưng cũng ổn định. Rồi chị bắt đầu xin với người đã cưu mang mình cho chị ra thuê nhà trọ riêng, tự tạo cuộc sống của mình. Phần vì chị nghĩ có thể tự làm lại cuộc đời, phần vì chị sợ rằng sẽ có người bất hạnh khác cần đến sự giúp đỡ ấy.

Khi chúng tôi tới, chị Ngân bảo ba mẹ con chị vừa chuyển vào căn nhà thuê này. Căn nhà tuy nhỏ và ven quốc lộ nhưng cũng đủ để chị và các con sinh sống. Ban ngày chị may đồ, sửa đồ cho khách. Buổi tối, khi xe cộ ít đi thì chị bắt đầu bán hàng online trên mạng. Dù phía trước còn nhiều khó khăn nhưng hai con chị đã có thể giúp mẹ những việc lặt vặt trong nhà, thậm chí là nấu cơm rửa chén hay cậu con lớn có thể tự đạp xe đi học. Với chị, như vậy là hạnh phúc bởi chỉ ba năm trước, chị không nghĩ mình sẽ có thể làm được như vậy.

Sinh ra và lớn lên ở một làng quê yên bình ở Phú Yên, ngay từ năm 11 tuổi chị Ngân đã lặn lội vào thành phố Hồ Chí Minh để làm thuê kiếm sống. Sau gần chục năm, chị dành dụm được một số vốn nho nhỏ và quay trở lại quê lấy chồng, xây một căn nhà và mở được tiệm kinh doanh internet nho nhỏ. Những tưởng cuộc sống cứ thế bình lặng trôi qua với người phụ nữ miền Trung ấy thì trong một phút túng quẫn suy nghĩ, chồng chị đã làm thay đổi cuộc đời của tất cả các thành viên trong gia đình. Thế nhưng, vượt lên tất cả bằng nghị lực và tình yêu vị tha, chị đã dần ổn định được cuộc sống của mình và có sinh kế tạm đủ chăm sóc cho hai người con. Dù muộn mằn và mong manh nhưng có lẽ, đây chính là hạnh phúc thực sự của đời chị.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mot-nguoi-phu-nu-di-qua-ky-uc-kinh-hoang-556773.html