Một 'nhịp cầu nối' của BHXH tỉnh Sơn La

Để thuyết phục được người dân vào chuỗi an sinh, theo chị Lê Thị Hiền, cán bộ Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cần có cả cái tâm và cái tầm. Cái tâm là để đồng hành, thấu hiểu, cái tầm là kiến thức để sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc cho người dân khi cần.

Mộc Châu là một địa phương vùng cao, đời sống của người dân, đặc biệt là lực lượng lao động khu vực phi chính thức còn nhiều khó khăn, vì vậy, việc vận động người dân tham gia vào chính sách BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình là một thách thức, đòi hỏi nhiều tâm huyết của cán bộ làm công tác BHXH.

"Mưa dầm thấm lâu"

Nhận thức rõ đặc thù của một huyện vùng cao, chị Lê Thị Hiền với vai trò là một nhân viên giám định, tuyên truyền viên luôn vận dụng mọi khung thời gian, địa điểm, cùng chiến lược “mưa dầm thấm lâu” để lan tỏa lợi ích bền vững của các chính sách BHXH tự nguyện.

“Mỗi lần đi chợ mua rau hay mua thịt, tôi lại tranh thủ hỏi chuyện các bà, các chị bán hàng đã tham gia loại hình bảo hiểm nào chưa, từ đó tôi giới thiệu đến mọi người chính sách BHXH tự nguyện, ích lợi của mọi người khi tham gia là sẽ được khám chữa bệnh miễn phí, có lương hưu khi về già…", chị Hiền chia sẻ.

Chị Lê Thị Hiền luôn tận dụng nhiều phương cách để lan tỏa chính sách BHXH tới người dân.

Chị Lê Thị Hiền luôn tận dụng nhiều phương cách để lan tỏa chính sách BHXH tới người dân.

Theo chị Hiền, Mộc Châu là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hầu hết bà con có nhận thức, hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT còn hạn chế nên cán bộ BHXH càng phải kiên nhẫn nói đi nói lại nhiều lần, dùng những hình ảnh minh họa, gần gũi để họ dễ hiểu, dễ nhớ.

Khung giờ hiệu quả nhất để tuyên truyền, phổ biến chính sách với người dân trong huyện là sau giờ làm việc, khi các gia đình đã nghỉ ngơi. Không chỉ để gặp được người lao động, việc tiếp xúc với họ khi họ đã trở về nhà giúp chị Hiền có nhiều thời gian hơn để tâm sự, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của từng người.

Cùng với chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, “bám làng bám bản”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, chị Lê Thị Hiền cho biết các cán bộ làm công tác BHXH của huyện luôn tâm niệm phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, không để người dân phải đến lần thứ hai. Theo đó, việc làm ngoài giờ hành chính cũng là chuyện “như cơm bữa”.

Luôn luôn sẵn sàng

"Nhiều khi đã 7-8 giờ tối, nhưng người dân đến, chúng tôi vẫn tới trụ sở để giải quyết công việc, không nề hà. Việc làm đêm, làm ngoài giờ ở BHXH huyện là điều thường xuyên để phù hợp với đặc thù, con người địa phương", chị Hiền bộc bạch.

Nói về công việc của mình, chị Hiền tiết lộ bí quyết để thuyết phục được các hộ có lao động tự do tham gia vào lưới an sinh là phải biết lựa chọn những người tiềm năng, sắp xếp thời gian hợp lý đến vận động, tuyên truyền trực tiếp tại gia đình. Nội dung truyền thông phải ngắn gọn để người dân dễ hiểu.

Cán bộ tuyên truyền cần phải hiểu rõ về chính sách BHXH, BHYT, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến những chính sách, quy định mới. Thông qua công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, từ đó họ chủ động tham gia BHXH, BHYT.

Vì vậy, trong quá trình làm việc, chị Hiền luôn chuẩn bị sẵn sàng các nội dung tư vấn cho người dân, làm sao họ thấy quyền lợi ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT, căn cứ vào từng đối tượng để có tư vấn mức đóng phù hợp, hiệu quả nhất.

Mộc Châu đang phát triển rất hiệu quả đội ngũ tuyên truyền viên BHXH tự nguyện.

Mộc Châu đang phát triển rất hiệu quả đội ngũ tuyên truyền viên BHXH tự nguyện.

“Phải làm sao để giúp họ hiểu tham gia BHXH tự nguyện là một quyển sổ tiết kiệm an toàn nhất cho tương lai. Quỹ hưu trí là nguồn quỹ an toàn nhất chỉ sau ngân sách Nhà nước vì được Nhà nước bảo hộ. Khi hiểu được lợi ích thì họ sẽ tin tưởng và tham gia”, chị Hiền nói.

Đặc biệt, theo chị Hiền, vận động một người dân tham gia BHXH tự nguyện khó một, nhưng để duy trì bền vững còn khó gấp nhiều lần. Vì vậy, bên cạnh liên tục tuyên truyền để vận động mọi người tham gia, chị Hiền luôn chú tâm theo dõi, sâu sát, quan tâm đến người tham gia BHXH, BHYT để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở họ đóng đúng, đủ, từ đó đảm bảo quyền lợi và tính liên tục của mỗi loại hình BHXH.

Quyết tâm mở rộng lưới an sinh

Với vai trò là một cán bộ BHXH giàu kinh nghiệm, chị Hiền được giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tối thiểu 2-5 đối tượng/tháng. Tuy nhiên, bình quân mỗi năm, chị vận động được hàng trăm người vào chuỗi an sinh, trong đó kỷ lục vào năm 2021 với số lượng lên tới 217 người.

Có thể thấy, chính những “nhịp cầu nối” như chị Hiền đang giúp chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngày càng lan tỏa rộng hơn trên địa bàn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Ông Trần Ngọc Quyết, Giám đốc BHXH huyện Mộc Châu cho biết, việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại địa phương những năm qua luôn được đặc biệt quan tâm. Phương thức, nội dung tuyên truyền thường xuyên được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, số người tham gia BHXH tự nguyện trong những năm gần đây đã có sự tăng trưởng.

Đến đầu năm 2023, tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn huyện là trên 100 nghìn người. Trong đó, có hơn 6.350 người tham gia BHXH bắt buộc, hơn 100 nghìn người tham gia BHYT. Ngoài ra, BHXH huyện cũng giám định thanh toán cho trên 83.500 lượt bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT…

UBND huyện đã thông qua Quyết định số 368/QĐ-UBND giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn năm 2023, phấn đấu có 105.688 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 88% dân số trở lên.

Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt để nhân dân tiếp cận tốt nhất các thông tin chính sách pháp luật về BHXH tự nguyện, BHYT, hiểu về lợi ích của BHXH, BHYT trong bảo vệ sức khỏe của bản thân và tự giác tham gia.

Huyện sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Tuyệt đối đảm bảo quyền lợi của người lao động, không để xảy ra tình trạng nợ đóng BHXH ảnh hưởng đến các chế độ đối với người lao động trong trường hợp ốm đau, thai sản, hưu trí.

Cùng với đó, BHXH huyện tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; thường xuyên đồng hành cùng đơn vị, doanh nghiệp, hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đảm bảo chế độ cho người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội…

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/mot-apos-nhip-cau-noi-apos-cua-bhxh-tinh-son-la-1094339.html