Một nhóm KOL mới vừa ra đời

Sự gia tăng nhu cầu về các nội dung mới mẻ liên quan đến công việc, đặc biệt trong đại dịch, khiến workfluencer - nhóm nhà sáng tạo nội dung về lĩnh vực này - phát triển mạnh mẽ.

 Ngày càng nhiều người chia sẻ về công việc trên mạng xã hội.

Ngày càng nhiều người chia sẻ về công việc trên mạng xã hội.

Một tháng sau khi đại dịch bùng phát, Cece Xie có một sinh nhật thật tồi tệ. Cô chán nản, thu mình và sợ phải ra ngoài. Cố làm gì đó để kỷ niệm, nữ luật sư nghỉ làm một ngày, quay clip đầu tiên đăng lên TikTok, hài hước so sánh trải nghiệm làm việc của mình với bạn bè trong lĩnh vực marketing.

Bài đăng trở nên nổi tiếng, có hơn 940.000 lượt xem và gần 7.000 lượt chia sẻ. Được các bình luận dưới clip khuyến khích, Xie tiếp tục đăng một số nội dung liên quan đến công việc, chia sẻ những câu chuyện hài hước và mẹo nghề nghiệp cho các luật sư mới vào nghề. Nhờ vậy, cô thu hút được hơn 400.000 người theo dõi trên nền tảng video ngắn, theo Insider.

Mắc kẹt ở nhà và không thể phàn nàn về công việc với đồng nghiệp, nhiều người đã tràn lên TikTok và LinkedIn để than vãn, khóc lóc hay kể chuyện về nghề nghiệp của mình. Hashtag #careertiktok có hơn 1,5 tỷ lượt xem còn theo LinkedIn, hơn 13 triệu người dùng của trang mạng xã hội này để trang cá nhân ở chế độ “nhà sáng tạo nội dung”.

Điều này đánh dấu sự thay đổi trong việc mọi người chia sẻ về nghề nghiệp trên mạng. Thay vì chỉ những bài đăng về sự thành công, cột mốc trong sự nghiệp, mọi người trung thực, chi tiết hơn khi kể về công việc hàng ngày. Tuy nhiên, khía cạnh này trên mạng xã hội cũng có thể khiến một số người lao động gặp rắc rối với cấp trên hoặc người xem của mình.

Nổi lên

Thời kỳ đầu đại dịch, những người mắc kẹt phải làm việc ở nhà bắt đầu đổ xô đến các nền tảng truyền thông xã hội. Ngay cả những nền tảng truyền thống cứng nhắc như LinkedIn cũng ghi nhận lượng bài đăng về sức khỏe tâm thần, kiệt sức và căng thẳng nhiều chưa từng có.

Tình trạng mất việc tăng vọt khi các doanh nghiệp đóng cửa, những người may mắn giữ được vị trí phải đối mặt với cái gọi là “áp lực hai mặt”: áp lực khi phải làm việc ngay tại nhà và áp lực phải đem lại lợi nhuận cho công ty trong nền kinh tế khó khăn.

Như Xie giải thích trong một video, đại dịch cũng lấy đi những bữa tối miễn phí với khách hàng, sự thân thiết với đồng nghiệp và các bữa tiệc trong kỳ nghỉ. Không có những điều đó, người lao động chỉ lùi lũi, đơn độc làm việc.

 Nội dung liên quan đến công việc, nhất là các góc khuất, thu hút người xem trên mạng.

Nội dung liên quan đến công việc, nhất là các góc khuất, thu hút người xem trên mạng.

Khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại, người dùng vẫn có nhu cầu rất lớn đối với nội dung liên quan đến công việc trên các nền tảng mạng xã hội. Thị trường việc làm náo nhiệt khuyến khích mọi người thực hiện những bước ngoặt lớn trong sự nghiệp - tạo ra làn sóng “đại từ chức”.

Không chỉ các nhân viên làm việc từ xa, những người lao động tại văn phòng, làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu cũng rời bỏ những công việc vốn đã trở thành mối nguy với sức khỏe. Một nghiên cứu của Pew Research vào tháng 2 cho thấy 53% người được hỏi bỏ việc vào năm 2021 cũng đã thay đổi nghề nghiệp hoặc lĩnh vực làm việc.

Khi quyết định đổi việc, nhiều người cần nghiên cứu, từ đó gia tăng nhu cầu về thông tin cụ thể liên quan. Đó là khi “workfluencer” xuất hiện. Nhóm này cũng nhận thấy rằng việc chia sẻ nội dung hậu trường công việc thu hút sự chú ý.

Không chỉ Xie nhận được lượt tương tác cao cho bài đăng đầu tiên. Maddie Machado, cựu nhân viên tuyển dụng của Meta và LinkedIn, cho biết cô cũng ghi nhận kết quả tương tự với video đầu tiên trên TikTok khi kể về công việc cũ.

Workfluencer tận dụng Internet

Sự bùng nổ của các hashtag như #careertiktok có lợi cho các nhà sáng tạo nội dung. Họ thường kiếm tiền từ nội dung của mình bằng cách bán các sản phẩm như khóa học, sách và dịch vụ tư vấn.

Ví dụ, Justine Welsh, influencer trên LinkedIn, quảng bá các khóa học và dịch vụ tư vấn cho người xem, thu về 3 triệu USD kể từ tháng 8/2019 - gần 1 triệu USD/năm. Bên cạnh đó, workfluencer cũng có thể kiếm tiền từ việc hợp tác với các thương hiệu.

 Workfluencer được nhiều công ty xem là kênh thu hút ứng viên tiềm năng.

Workfluencer được nhiều công ty xem là kênh thu hút ứng viên tiềm năng.

Một số công ty cũng khuyến khích nhân viên xây dựng thương hiệu cá nhân và thu hút người theo dõi, giúp họ giữ chân nhân tài nổi tiếng và tuyển dụng nhân viên mới. Ở trường hợp của Welsh, thành công trên mạng xã hội đã giúp ích cho công ty anh, thu hút một lượng lớn ứng viên.

“Mọi người muốn làm việc với chúng tôi”, Welsh nói.

Nhưng theo kinh nghiệm của Machado, hầu hết công ty không biết phải làm gì với những người sáng tạo nội dung chia sẻ về công việc trên mạng xã hội. Lãnh đạo công ty thường coi nền tảng cá nhân của nhân viên như con dao hai lưỡi.

“Tiếng nói của bạn rất có sức mạnh. Sức mạnh mà bạn làm mọi người quan tâm đến công ty cũng có thể khiến mọi người cảm thấy ngược lại”, Machado nói.

Cẩn thận với những gì chia sẻ

Chia sẻ thông tin chi tiết về nơi làm việc trên mạng có thể giúp nhà sáng tạo nội dung thu hút người xem và giúp người theo dõi tìm hiểu một công việc mới song cũng tiềm ẩn rủi ro.

Braden Wallake, CEO công ty khởi nghiệp về tiếp thị HyperSocial là một trong số những người hiểu rõ điều này. Sau khi sa thải 2 nhân viên vào tháng 8, anh đăng một bức ảnh khóc lóc lên LinkedIn.

 Dù đem lại nhiều lợi ích, các workfluencer cần thận trọng khi chia sẻ nội dung về công ty lên mạng.

Dù đem lại nhiều lợi ích, các workfluencer cần thận trọng khi chia sẻ nội dung về công ty lên mạng.

“Tôi chỉ muốn mọi người thấy rằng không phải tất cả CEO đều lạnh lùng và không quan tâm gì khi sa thải người khác”, anh viết trong chú thích. Nhiều bình luận chê hành động này là kinh tởm, đạo đức giả và ích kỷ.

Natasha Badger, làm việc tại LinkedIn, cũng gây tranh luận khi đăng video về các tiện nghi tại văn phòng công ty ở Chicago. Một số bình luận chỉ trích các đặc quyền xa hoa và đặt câu hỏi Badger đã thực sự làm gì. Nhà đầu tư mạo hiểm và người làm podcast David Sacks viết trong một tweet: “Có ai còn làm việc không vậy?”. Sau đó, Badger phải xóa các bài đăng liên quan đến văn phòng làm việc.

Ngoài mặt trái trên mạng, chia sẻ quá nhiều về công việc có thể khiến nhà sáng tạo nội dung phải trả giá. Nhân viên có thể và thực sự bị sa thải vì đã đăng bài về công việc.

Mỗi công ty đều có hướng dẫn riêng về những gì nhân viên có thể chia sẻ công khai. Khi ngày càng nhiều người lao động buôn chuyện ở chỗ làm trên mạng, điều quan trọng là phải biết giới hạn nào không nên vượt qua.

Sau khi phải nghỉ việc tại Meta, Machado đã chủ động nói về kênh TikTok của mình ở lần xin việc tiếp theo. Khi được tuyển, cô phải liên hệ với bộ phận nhân sự và pháp lý của công ty để được chấp thuận trước khi đăng bất kỳ nội dung nào liên quan đến công việc.

“Phải cẩn thận trước khi nó trở thành một vấn đề”, cô chia sẻ.

Mai An

Ảnh: Pexels

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-nhom-kol-moi-vua-ra-doi-post1374275.html