Một nửa giới trẻ Anh muốn sống không Internet
Gần 70% người trẻ tại Anh cảm thấy tồi tệ hơn sau khi sử dụng mạng xã hội, trong khi một nửa ủng hộ ý tưởng về 'giờ giới nghiêm kỹ thuật số' để hạn chế thời gian trực tuyến.

Khảo sát mới cho thấy 70% những người được hỏi cảm thấy tệ hơn sau khi sử dụng mạng xã hội. Ảnh: Nick Moore/Alamy
Theo tờ Guardian, một nghiên cứu mới tại Anh cho thấy gần một nửa số thanh thiếu niên từ 16 đến 21 tuổi mong muốn được sống trong một thế giới không có Internet.
Nghiên cứu này phản ánh sự mệt mỏi và lo ngại ngày càng gia tăng về ảnh hưởng tiêu cực của không gian mạng đến sức khỏe tinh thần.
Nghiện mạng xã hội và mặt tối của thế giới ảo
Khảo sát do Viện Tiêu chuẩn Anh (British Standards Institution – BSI) thực hiện với 1.293 người trẻ từ 16-21 tuổi cho thấy khoảng 70% cảm thấy tệ hơn về bản thân sau khi sử dụng mạng xã hội.
Một nửa số người được hỏi ủng hộ việc áp đặt "giờ giới nghiêm kỹ thuật số", giới hạn quyền truy cập vào một số nền tảng như TikTok hay Instagram sau 10 giờ tối. Trong khi đó, 46% cho biết họ mong ước mình lớn lên trong một thế giới không có Internet.
1/4 số người tham gia khảo sát thừa nhận dành ít nhất 4 tiếng mỗi ngày trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, nhiều người trẻ tiết lộ những hành vi mang tính giả tạo hoặc rủi ro khi sử dụng Internet:
Không ít người trẻ thừa nhận đã có những hành vi thiếu trung thực hoặc tiềm ẩn rủi ro trong quá trình sử dụng Internet. Theo khảo sát, 42% từng nói dối cha mẹ hoặc người giám hộ về những gì họ làm trực tuyến, trong khi tỷ lệ tương tự từng khai man tuổi để truy cập vào các nền tảng có giới hạn độ tuổi.
Ngoài ra, 40% đã sử dụng tài khoản giả (còn gọi là "burner account"), 27% thừa nhận đã giả danh thành người khác, và cũng có 27% từng chia sẻ vị trí của mình với người lạ trên mạng.
Hệ quả là, 68% số người tham gia khảo sát cho biết thời gian trực tuyến đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của họ. 75% nói rằng họ dành nhiều thời gian trên mạng hơn kể từ khi đại dịch bùng phát, một nguyên nhân khiến việc thoát khỏi thế giới số trở nên khó khăn hơn.
"Giờ giới nghiêm" không phải là giải pháp duy nhất
Trước thực trạng này, chính phủ Anh được cho là đang cân nhắc áp dụng các biện pháp can thiệp mạnh tay hơn, trong đó có khả năng thiết lập giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội. Bộ trưởng Công nghệ Peter Kyle gần đây ám chỉ chính sách này đang được xem xét cho các nền tảng như TikTok và Instagram.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng lệnh giới nghiêm kỹ thuật số, dù hữu ích, cũng không thể giải quyết triệt để các rủi ro mà người trẻ phải đối mặt.
“Chúng ta cần làm rõ rằng giới nghiêm không thể bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung độc hại vào những thời điểm khác trong ngày,” bà Rani Govender, Giám đốc chính sách an toàn trực tuyến trẻ em tại tổ chức NSPCC cho biết. “Điều quan trọng hơn là tạo ra những nền tảng an toàn hơn và ít gây nghiện hơn ngay từ đầu.”
Bà Rani Govender nói thêm rằng trọng tâm chính của các công ty công nghệ và chính phủ là đảm bảo trẻ em sử dụng "các trang web an toàn hơn và ít gây nghiện hơn".
Đồng quan điểm, ông Andy Burrows, Giám đốc tổ chức từ thiện Molly Rose Foundation chuyên phòng chống tự tử ở giới trẻ, cũng cho rằng vấn đề nằm ở cách các nền tảng vận hành: “Các thuật toán hiện tại có thể dễ dàng dẫn dắt người dùng trẻ tuổi đến những nội dung độc hại và gây đau khổ mà không phải do lỗi của họ.”
Ông kêu gọi ban hành luật mới nhằm đặt lợi ích của người trẻ và xã hội lên trên lợi nhuận của các công ty công nghệ. “Chúng ta cần một cách tiếp cận an toàn theo thiết kế, thay vì tiếp tục để giới trẻ tự xoay xở giữa rừng nội dung nguy hiểm”, ông nói.