Một nước Tây Á có động thái mở đường cho việc gia nhập EU
Tổng thống Armenia Vahagn Khachaturyan ngày 4/4 đã ký ban hành luật đặt nền tảng pháp lý cho quốc gia Nam Kavkaz này tiến tới gia nhập Liên minh châu Âu (EU), trong nỗ lực đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế ngoài đối tác truyền thống là Nga.

Dù từng là quốc gia thuộc Liên Xô, Armenia đã phát triển mối quan hệ nồng ấm với EU, nhưng việc gia nhập liên minh sẽ không dễ dàng. (Nguồn: Massis Post)
Theo truyền thông Armenia, luật này đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 3/2025.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, người đã đưa đất nước xích lại gần phương Tây hơn kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2018, nhiều lần nhấn mạnh, dự luật này không phải là đơn xin gia nhập EU mà là sự khởi đầu của một quá trình hội nhập rộng lớn hơn.
Ông Pashinyan cũng cho biết, người dân không nên mong đợi Armenia nhanh chóng gia nhập EU. Trong mọi trường hợp, điều này sẽ cần phải được chấp thuận thông qua trưng cầu dân ý.
Dù từng là quốc gia thuộc Liên Xô, Armenia đã phát triển mối quan hệ nồng ấm với EU, nhưng việc gia nhập liên minh sẽ không dễ dàng.
Quốc gia với 2,7 triệu dân này không có chung biên giới với EU, đặc biệt, Azerbaijan - đối thủ của Armenia - hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn cho khối này.
Vào tháng 3/2035, Armenia và Azerbaijan thông báo đã thống nhất một dự thảo hiệp ước hòa bình nhằm chấm dứt tranh chấp về khu vực Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, Baku từ chối phê chuẩn chính thức nếu Yerevan không sửa đổi hiến pháp.
Ngoài ra, có 3 quốc gia khác từng thuộc Liên Xô, gồm Estonia, Latvia và Litva, đã gia nhập EU vào năm 2004 sau nhiều năm đàm phán và điều chỉnh toàn diện hệ thống pháp luật để phù hợp với các quy định của khối.
Về phần mình, Nga đã nhiều lần tuyên bố Armenia sẽ phải rời khỏi Liên minh kinh tế Á-Âu, một khối thương mại do Moscow dẫn đầu, nếu nước này gia nhập EU.
Hiện tại, nền kinh tế của Armenia vẫn phụ thuộc sâu sắc vào Moscow với phần lớn năng lượng nhập khẩu từ Nga.