Đợt mưa kéo dài từ tháng 6 đã gây ra trận lũ lụt tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ qua ở Pakistan, cuốn trôi mùa màng, làm hư hại và phá hủy hơn một triệu ngôi nhà. Ảnh: AP
Các nhà chức trách và tổ chức từ thiện đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cung cấp hàng cứu trợ cho hơn 33 triệu người bị ảnh hưởng. Đây là một nhiệm vụ đầy thách thức, đặc biệt là ở những khu vực giao thông bị cắt đứt. Ảnh: AP
Ở miền Nam và miền Tây Pakistan, người dân vì không có chỗ trú đã phải di tản lên đường cao tốc hoặc đường sắt để thoát khỏi vùng đồng bằng bị ngập lụt. Ảnh: AP
“Chúng tôi thậm chí còn không có không gian để nấu ăn. Chúng tôi cần giúp đỡ”, Rimsha Bibi, một nữ sinh ở Dera Ghazi Khan, miền Trung Pakistan nói. Ảnh: AP
Quốc gia Nam Á này thường đón những trận mưa lớn vào mùa gió mùa hằng năm. Nhưng đợt mưa từ tháng 6 đến nay là chưa từng thấy trong suốt 3 thập kỷ. Một trong những nguyên nhân chính, theo các quan chức Pakistan, là do tình trạng biến đổi khí hậu. Ảnh: AP
“Khi chúng tôi gửi máy bơm nước đến, họ hỏi rằng bơm nước đi đâu bây giờ? Họ đứng giữa một biển nước, không có vùng đất nào khô để bơm nước ra ngoài”, Sherry Rehman – một quan chức khí tượng của Pakistan nói. Ảnh: AP
Cũng theo bà Rehman, “khoảng 1/3 lãnh thổ Pakistan hiện đang chìm dưới nước, theo đúng nghĩa đen”. Ảnh: AP
Sông Indus, chạy dọc theo chiều dài của quốc gia Nam Á, đang có nguy cơ vỡ bờ khi dòng nước đổ về hạ lưu từ các nhánh của nó ở phía Bắc. Ảnh: AP
Các trại cứu trợ tạm bợ đã mọc lên trên khắp Pakistan, trong các trường học và căn cứ quân sự. Tại thị trấn Tây Bắc Nowshera, một trường cao đẳng kỹ thuật đã được biến thành nơi trú ẩn tạm thời cho 2.500 người. Ảnh: AP
Thảm họa ập đến vào thời điểm tồi tệ khi nền kinh tế của Pakistan đang "rơi tự do". Bộ trưởng Kế hoạch Ahsan Iqbal cho biết Pakistan cần hơn 10 tỷ đô la để sửa chữa và xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hư hại. Ảnh: AP
Chính phủ Pakistan đã kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp. Ảnh: AP
Các chuyến bay viện trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ, UAE đã hạ cánh xuống Pakistan, trong khi các quốc gia khác bao gồm Canada, Australia và Nhật Bản cũng đã cam kết hỗ trợ. Ảnh: AP
Liên Hợp Quốc ngày 30/8 kêu gọi quyên góp 160 triệu đô la Mỹ để tài trợ cho công tác viện trợ khẩn cấp. “Pakistan đang chìm trong đau khổ”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói. Ảnh: AP
Ông Guterres hy vọng khoản tiền 160 triệu đô la này có thể sẽ cung cấp thực phẩm, nước, thiết bị vệ sinh, giáo dục và y tế khẩn cấp cho 5,2 triệu người. Ảnh: AP
Ảnh: AP
Minh Hạnh
Theo CNA