Một phiên tăng mạnh hiếm có: Cú đảo chiều ngoạn mục 'giải cứu' dòng tiền
Thị trường chứng khoán ghi nhận một phiên đảo chiều đầy bất ngờ, qua đó giúp các nhà đầu tư đang gồng lỗ có thêm niềm tin. Trong khi đó, không ít người còn tỏ ra thận trọng khi mà sự bất định còn nhiều.
Phiên đảo chiều ngoạn mục
Sau khi giảm mạnh với thanh khoản thấp, các cổ phiếu trụ cột đồng loạt tăng mạnh trong phiên chiều 17/5, qua đó kéo thị trường chứng khoán đi lên trên diện rộng và chỉ số VN-Index chung cuộc tăng hơn 52 điểm sau một chuỗi tháng rưỡi giảm sâu vừa qua.
“Không còn cảnh sáng nắng chiều mưa, thị trường tăng đầu giờ sáng rồi tụt giảm trong phiên chiều. Giờ là sáng mưa chiều nắng chói”, một nhà đầu tư tại Hà Nội hào hứng chia sẻ sau khi chứng kiến nhóm 30 cổ phiếu trụ cột, đặc biệt nhóm ngân hàng đồng loạt tăng trần và chỉ số VN-Index tăng hơn 50 điểm.
Sau một thời gian gồng mình gánh lỗ, nhiều nhà đầu tư vui mừng khi giá cổ phiếu tăng mạnh trở lại. Không ít người kỳ vọng phiên 17/5 sẽ là bước ngoặt và thị trường chứng khoán sẽ vào một giai đoạn tăng thần tốc với dòng tiền lớn từ các tổ chức nước ngoài đổ vào.
Các cổ phiếu trụ cột đồng loạt tăng giá mạnh.
Niềm tin được củng cố khi một loạt các chính sách, quy định mới của các cơ quan chức năng được ban hành để đảm bảo thị trường được minh bạch hơn.
Bộ Tài chính vừa cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 là thanh tra công ty chứng khoán, giám sát chặt chẽ giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường. Bộ cũng sẽ khẩn trương thực hiện và rà soát vướng mắc, bất cập quy định pháp luật chứng khoán, các Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019.
Bộ Tài chính cũng sẽ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các công ty đại chúng, công ty kiểm toán được chấp thuận, doanh nghiệp niêm yết và xử lý nghiêm vi phạm trên cơ sở kết quả giám sát.
Ông Nguyễn Văn Tám, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, với tuyên bố này, hoạt động cho vay hàng bán khống (nếu có) sẽ nằm trong tầm ngắm. Không loại trừ khả năng nhiều tổ chức sẽ buộc phải quay đầu mua cổ phiếu vào.
Trong khi đó, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cũng vừa cho biết sở sẽ công bố thông tin số liệu tự doanh của công ty chứng khoán ngay trong chiều 17/5. Trong khi đó, Sở GDCK Hà Nội (HNX) chắc chắn sẽ công bố đúng thời hạn, trước ngày 23/5 tới.
Cuối tuần trước, UBCK cũng đã chỉ đạo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 là giá trung bình 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn thay vì giá đóng cửa phiên ATC để tránh những tác động đến thị trường cơ sở.
Thị trường chứng khoán biến động mạnh.
Chờ thêm tín hiệu dòng tiền
Thị trường tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, thanh khoản còn ở mức rất thấp, với chỉ hơn 16 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.
“Thị trường cổ phiếu được nhiều tổ chức đánh giá khá rẻ, với chỉ số P/E chỉ quanh mức 11,5 cho đến 12 lần và đang ở vùng đáy 5 năm. Tuy nhiên, VN-Index mới tăng mạnh được một phiên và thanh khoản còn ở mức thấp. Khả năng phải quan sát thêm thị trường”, ông Nguyễn Hưng, một nhà đầu tư tại Hà Nội bày tỏ.
Với nhiều người, thanh khoản thấp cũng một phần do nhiều nhà đầu tư quyết định nắm giữ, không chấp nhận bán ra ở mức giá hiện tại.
“Khi giá cổ phiếu xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua, VN-Index đã giảm 350 điểm từ đỉnh và áp lực bán ra giảm là điều dễ hiểu. Các cổ đông lớn phần lớn nắm giữ, khối ngoại đẩy mạnh mua vào, mua ròng gần 6 nghìn tỷ đồng từ đầu quý II, trong khi nhỏ lẻ cũng đã không còn bán tháo”, bà Nguyễn Thị Hiền nhận định.
Trước đó, chia sẻ trên trang cá nhân, ông Dương Văn Chung, Giám đốc Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đã dự báo về khả năng thị trường bật lên từ mốc 1.150 điểm và cho rằng, nhiệm vụ tìm đáy đã thành công.
Ông Vicente Nguyen, CIO của AFC Vietnam Fund cho rằng việc chỉ số VN-Index tăng lên thêm hay giảm nữa cũng không quan trọng bằng việc mua được cổ phiếu ở mức giá rẻ. Điều cần thiết là nhìn xa trông rộng vào triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp và sự tăng trưởng của kinh tế đất nước.
Ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu tư có dấu hiệu thận trọng khi thanh khoản còn ở mức thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với thời kỳ sôi động nửa cuối 2021 và đầu 2022.
Ông Nguyễn Đức Vinh, một nhà đầu tư tại Ba Đình cho rằng, cần bình tĩnh quan sát từng phiên và đưa ra quyết định phù hợp. Thị trường mới tăng điểm mạnh một phiên. Nhiều khi hành động theo tâm lý bầy đàn như tình trạng sợ mất cơ hội FOMO có thể dẫn tới thua thiệt.
Gần đây, có nhiều đánh giá cho thấy sự bất định trên thị trường tài chính thế giới còn lớn và có thể ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam.
Theo VNDirect Research, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất có thể tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam. Sau hai lần tăng lãi suất với tổng mức tăng là 75 điểm cơ bản, Fed dự kiến tăng lãi suất điều hành lên mức 2,5% vào cuối năm 2022.
VN-Index ở vùng đáy hơn năm qua.
Theo VNDirect Research, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn. Lãi suất USD tăng gây áp lực lên lãi suất trong nước, theo đó, lãi suất tiền gửi VND dự kiến sẽ tăng thêm 20-40 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm. Đồng USD mạnh lên ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của Việt Nam, mặc dù tác động không lớn vì các yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng vẫn duy trì như thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối cao. Ngoài ra, đồng USD mạnh lên cũng làm tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của chính phủ và doanh nghiệp.
Các chuyên gia kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục ưu tiên mục tiêu phục hồi kinh tế trong ngắn hạn. Các chính sách chính sách tiền tệ phù hợp được kỳ vọng sẽ duy trì đến ít nhất cuối quý II/2022.
Gần đây, xuất khẩu của Việt Nam đang mạnh hơn vì các nước đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ, trong khi Việt Nam vẫn có kế hoạch kích cầu. Dù vậy, việc theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát là điều đang được Chính phủ thực hiện.