Một quốc gia Đông Nam Á dính 'bẫy khó khăn', chính phủ lập tức tung chính sách bù đắp cho đối tượng này
Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á có nguy cơ bị 'vượt mặt' bởi một số quốc gia láng giềng từng khó khăn hơn, nhưng hiện đang sở hữu những ưu thế trội hơn.
Thái Lan đang quay cuồng với đợt nắng nóng chưa từng có, đẩy nhiệt độ lên mức cao kỷ lục. Nhưng nền kinh tế nước này bị cho là vẫn đang trong "tình trạng đóng băng" sâu.
Xuất khẩu kém, thương mại trì trệ, du lịch thất thu
Ngày 8/5, trong một báo cáo, nhóm doanh nghiệp có ảnh hưởng tại quốc gia này đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 xuống 2,2% đến 2,7%, so với mục tiêu trước đó là 2,8% đến 3,3%, với lý do hiệu quả xuất khẩu kém hơn dự kiến, trong bối cảnh thương mại toàn cầu trì trệ.
Trong đó, báo cáo chỉ ra rằng, xuất khẩu chỉ tăng trưởng ở mức 0,5%, so với dự báo trước đó lên tới 3%.
Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương tháng 4/2024 của Ngân hàng thế giới (WB)cũng đã dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan sẽ ở mức 2,8% trong năm 2024, thấp hơn so với dự báo 3,2% được đưa ra vào tháng 12/2023, do triển vọng xuất khẩu và đầu tư công xấu đi. Tăng trưởng của Thái Lan đang đối mặt với một số thách thức trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất chịu ảnh hưởng từ nhu cầu bên ngoài yếu và đầu tư công chậm lại do việc trì hoãn thông qua dự thảo ngân sách tài chính.
Triển vọng u ám này đang chuyển hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sang các nền kinh tế khác trong khu vực - hứa hẹn mang lại tốc độ tăng trưởng cao hơn, chi phí sản xuất thấp hơn, nhân khẩu học tốt hơn và chính phủ đáp ứng nhu cầu của giới đầu tư tốt hơn.
Thị trường vốn trong nước cũng không mang lại nhiều hứa hẹn. Sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan bị đánh giá kém nhất châu Á vào năm 2023, với ghi nhận lượng bán ròng của khối nước ngoài là 192 tỷ Baht (5,2 tỷ USD) trong năm dương lịch.
Các chủ ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Bangkok nhìn chung vẫn khá lo lắng về hiệu quả kinh doanh. “Chúng tôi đã đệ trình 5 đợt IPO lớn cho khách hàng vào năm ngoái, nhưng không thể thực hiện được vì thị trường địa phương quá tệ”, một người trong ngành chia sẻ.
Teerada Tuppun, người đứng đầu thị trường toàn cầu và nhóm khách hàng tổ chức của Thái Lan tại Deutsche Bank, đánh giá, “Để Thái Lan trở nên hấp dẫn trở lại, các nhà đầu tư cần tạo được niềm tin”. Rắc rối là, sau nhiều năm tăng trưởng chậm, ngành du lịch Thái Lan đang thực sự gặp khó từ sau đại dịch Covid-19 và một cảm giác kinh tế trì trệ lan rộng.
Du lịch - một nguồn tạo thu nhập quan trọng của nền kinh tế Thái Lan với vô số công ty lớn nhỏ, vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn sau sự tàn phá của đại dịch Covid-19. Vào năm 2023, 28 triệu người đã đến thăm đất nước này – một bước nhảy vọt so với con số năm 2022 nhưng vẫn kém xa mức cao kỷ lục 39,8 triệu của năm 2019.
Tuần trước, Ban quản lý khách sạn Euromoney ở trung tâm Bangkok tiết lộ, tỷ lệ lấp đầy chỉ dưới 30% - đây là con số thấp bất thường vào thời điểm này trong năm. Trong đó, theo chia sẻ của giới quản lý, sự thiếu vắng dòng khách du lịch quen thuộc và đông đảo - Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này.
Vậy chính quyền có thể làm gì để ngăn chặn sự suy thoái lâu dài và khởi động lại nền kinh tế? Thủ tướng Srettha Thavisin đang hy vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng bằng nhiều kế hoạch đầy hứa hẹn, từ chính sách đầu tư đến tiêu dùng..., tuy nhiên còn rất nhiều việc cần phải.
Cải thiện cuộc sống của người lao động
Người phát ngôn chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke mới đây cho biết, chính phủ nước này cam kết tiếp tục nỗ lực nâng cao phúc lợi xã hội nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của tất cả người lao động ở Thái Lan.
Cam kết này được đưa ra khoảng một tuần sau khi chính phủ Thái Lan thông qua quy định mới nhằm giải quyết nhu cầu của người lao động phi chính thức, vốn chiếm một phần đáng kể trong lực lượng lao động của nước này.
“Chính phủ quyết tâm thúc đẩy các quy định nhằm bảo vệ người lao động vì chúng tôi nhận thấy rằng, mỗi người lao động là động lực phát triển kinh tế”, ông Chai nhấn mạnh.
Theo quy định mới được công bố trên Công báo Hoàng gia vào ngày 30/4, giờ làm việc của người giúp việc gia đình không được vượt quá 8 giờ/ngày và mỗi người lao động được nghỉ giải lao tối thiểu một tiếng đồng hồ trong ngày làm việc.
Người lao động có thể nghỉ thai sản tới 98 ngày, trong đó 45 ngày được trả lương. Người sử dụng lao động không được phép chấm dứt hợp đồng với lý do người lao động mang thai hay buộc lao động đang mang thải phải làm việc ngoài giờ hoặc từ 22 giờ tối đến 6 giờ sáng.
Quy định mới cũng yêu cầu người sử dụng lao động phải thông báo cho cơ quan chức năng khi tuyển dụng trẻ vị thành niên. Người lao động chưa đủ tuổi cũng được quyền tham gia khóa đào tạo với thời gian 30 ngày được trả lương.
Người phát ngôn Bộ Lao động Phumphat Muanchan cho biết Bộ trưởng Lao động Phiphat Ratchakitprakarn đã thành lập một nhóm công tác để giúp người lao động trong khu vực phi chính thức tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Ông Phumphat cho biết, khoảng 20 triệu người Thái Lan đang làm việc trong khu vực phi chính thức, từ nông dân, người bán hàng rong, công nhân hợp đồng phụ, tài xế taxi cho đến người giao hàng.
Câu chuyện thường trực ở Bangkok hiện nay là cái nóng oi bức và ngột ngạt. Thái Lan cần bầu trời mát mẻ, nhưng nền kinh tế cần được hâm “nóng lên” nhanh chóng. Theo ông Phumphat, Bộ Lao động Thái Lan sẽ đề xuất dự luật nhằm bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho người lao động trong khu vực phi chính thức trong bối cảnh môi trường kinh tế đang có nhiều thay đổi.