Một quyết định khiến hàng chục ngàn hộ dân 'ngụ cư' vui mừng
Trong những ngày đầu tháng 6 này, chúng tôi có dịp đến TX. Dĩ An (Bình Dương), chứng kiến hàng trăm khu phố trên địa bàn, với hàng chục ngàn hộ dân nơi đây đón nhận tin vui, bởi sắp tới sẽ được chính quyền giải quyết cấp 'sổ đỏ' cho người dân.
Tin vui đến với hàng chục ngàn hộ dân “ngụ cư” ở Bình Dương: Sau thời gian thực hiện thí điểm Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND ngày 27-9-2017 quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa, đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Công văn số 1354/UBND-KTN ngày 3-4-2018 về tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc tách thửa trên địa bàn tỉnh, mới đây UBND tỉnh chủ trương triển khai đại trà Quyết định 25 và Công văn 1354 trên địa bàn toàn tỉnh.
Việc này sẽ giúp hàng chục ngàn hộ dân nhập cư mua đất nông nghiệp, xây nhà trái phép tại khu dân cư (KDC) tự phát đang sinh sống hàng chục năm qua theo diện tạm trú sẽ được chỉnh trang đô thị, cấp “sổ đỏ” và hộ khẩu.
CẤP “SỔ ĐỎ” CHO CÁC KHU DÂN CƯ TỰ PHÁT
Trong những ngày đầu tháng 6 này, chúng tôi có dịp đến TX. Dĩ An (Bình Dương), chứng kiến hàng trăm khu phố trên địa bàn, với hàng chục ngàn hộ dân nơi đây đón nhận tin vui, bởi sắp tới sẽ được chính quyền giải quyết cấp “sổ đỏ” cho người dân.
Qua tìm hiểu, trước đó, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định 25 và Công văn 1354, chỉ đạo tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”) và nhà có giấy chứng nhận chung (gọi nôm na là nhà sổ chung) cho người dân, do Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng ký. Chính sách mới này chính quyền tỉnh Bình Dương không chỉ tháo gỡ khó khăn cho người dân, mà còn góp phần cải thiện hạ tầng đô thị, đi trước một bước nhằm tránh hình thành các “khu ổ chuột” trong tương lai.
Hai văn bản trên hướng dẫn thủ tục liên quan đến xử lý tình trạng phân lô, bán nền trái phép, quy trình thực hiện trong việc cấp “sổ đỏ” cho nhà sổ chung trên địa bàn. Theo đó, hàng chục ngàn căn nhà xây sai phép, bất hợp pháp đã tồn tại hàng chục năm nay sẽ được chỉnh trang đô thị và cấp “sổ đỏ”, nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Cụ thể, sau khi được chỉnh trang cơ sở hạ tầng như: có đường, cống thoát nước, điện chiếu sáng..., sẽ được chính quyền xem xét cấp “sổ đỏ” và được nhập hộ khẩu theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, con cái của các hộ dân này được học hành đàng hoàng, không phải chạy vạy, xin xỏ như dạng tạm trú trước đây. Lô đất xây dựng nhà liền kề có chiều rộng không nhỏ hơn 4m và chiều sâu không nhỏ hơn 9m (tương ứng với diện tích 36m2) nằm trong khu vực chỉnh trang sẽ được cấp “sổ đỏ”.
Theo Công văn 1354, UBND tỉnh Bình Dương, UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện rà soát, cập nhật các quy hoạch về đất đai, rồi xác định có phù hợp hay không phù hợp quy hoạch của các KDC phân lô đất nền. Văn bản này còn tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc tách thửa trên địa bàn. Đối với các dự án phân lô đất nền tự phát và xây dựng nhà ở không phép, trái phép tại các khu vực phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì tiến hành cấp “sổ đỏ” lần đầu cho người dân.
NHIỀU HỘ DÂN TRÚT ĐƯỢC GÁNH LO ÂU
Hàng chục ngàn hộ dân các tỉnh, thành khác nhập cư vào Bình Dương để lập nghiệp trong thời gian qua, làm công nhân, mua bán, kinh doanh, trồng trọt... đều chung hoàn cảnh: tạm cư!
Trong niềm vui sắp được làm thủ tục cấp “sổ đỏ”, ông Nguyễn Văn Hải (ngụ KP.Chiêu Liêu, P.Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An) cho biết: Gia đình ông sống tại đây từ trước năm 1997. Lúc đó, khu vực này rất heo hút, chỉ dăm ba nóc nhà nằm lọt thỏm giữa rừng cao su, vườn tạp và cây hoang. Đến năm 1997, Nhà nước cho phép mở một số khu công nghiệp (KCN). Các KCN Sóng Thần, Đồng An, Bình Đường, Tân Đông Hiệp, Tân Bình... lần lượt ra đời.
Từ 1999 - 2005, có hàng ngàn hộ dân ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước kéo về đây sinh sống. Dù đã ở đây cả chục năm, có nghề nghiệp ổn định, đất không bị tranh chấp, nhưng chính quyền địa phương không cấp “sổ đỏ” cho họ. Từ ngày UBND tỉnh triển khai đồng loạt kế hoạch chỉnh trang các KDC, đường sá tại khu vực trên được mở rộng hơn, điện lưới được kéo về, trường học được xây dựng... nên đã hình thành KDC hiện nay.
Tại khu vực Xóm Nghèo, P.Dĩ An (TX.Dĩ An), những năm 2000 nơi đây vẫn còn rất hoang sơ, lau sậy mọc đầy. Hiện nay, khu này nhà dân rất đông đúc. Theo ông Võ Xuân Dương (ngụ P.Dĩ An), từ năm 1999, gia đình ông từ Thái Bình vào đây lập nghiệp.
Ngày ấy khu vực Xóm Nghèo còn rất heo hút nên việc dồn dân là một chủ trương đúng đắn, người dân vui mừng khi được tập trung về đây sinh sống. Tùy hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình, mỗi hộ mua một lô đất rộng 5m, dài từ 20 - 50m. Nhà nào khá giả thì mua lô đất rộng hơn. Tuy nhiên, việc cấp “sổ đỏ” cho người dân vào thời điểm ấy chưa được tính đến. Mọi rắc rối cũng kéo theo từ đây và ngày càng phức tạp hơn.
Chị Nguyễn Thị Mai (ngụ KP.Tân Long, P.Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An) chia sẻ, gia đình chị đến đây từ năm 2000. Hai năm sau, gia đình chị tích cóp tiền mua đất làm nhà, điện phải câu nhờ nhà hàng xóm, còn đường vào nhà quanh năm lầy lội. Cả nhà đầu tắt mặt tối lo sinh kế cho 6 miệng ăn, không nghĩ tới chuyện “sổ đỏ”.
“Những năm sau, khi cuộc sống ổn định hơn, không chỉ gia đình tôi mà hàng trăm hộ nơi đây đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng đến chính quyền, nhưng chưa được giải quyết. Nay tỉnh có chủ trương chỉnh trang đô thị tại các KDC tự phát, gia đình tôi và bà con trong khu phố đã góp tiền cùng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhằm bảo đảm cho cuộc sống lâu dài tại địa phương” - Chị Mai nói.
TẠO MỌI ĐIỀU KIỆN GIÚP DÂN
Theo khảo sát của chúng tôi, TX.Dĩ An, TX.Thuận An, các huyện Tân Uyên, Bến Cát... là những địa phương có nhu cầu nhà ở rất lớn, bởi nơi đây có hàng chục KCN. Những địa phương này đang thu hút hàng trăm ngàn lao động đến từ các tỉnh, thành khác đến sinh sống, làm việc. Bên cạnh các KDC được phê duyệt, thời gian qua, xuất hiện hàng loạt KDC tự phát. Các KDC tự phát tập trung phần lớn là công nhân lao động thu nhập thấp, có nhu cầu về nhà ở thật sự.
Chỉ riêng P.Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An) có tới 128 KDC tự phát. Trong đó, hàng chục KDC được chính người dân xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Tuy nhiên, vấn đề cấp “sổ đỏ” còn rất nhiều thủ tục liên quan từ hậu quả phân lô bán nền vô tội vạ diễn ra trước kia.
Tại nhiều KDC tự phát ở các phường trên địa bàn TX.Dĩ An, như: An Bình, Bình Thắng, Đông Hòa, Tân Đông Hiệp, Dĩ An..., hàng nghìn hộ gia đình có chung “sổ đỏ” với nhà khác. Nhiều trường hợp sang nhượng bằng giấy viết tay qua 5 - 6 đời chủ, diện tích tối thiểu không đủ mức quy định... Ngặt nỗi chủ gốc lô đất đã đi khỏi địa phương từ lâu, những người lỡ mua nhà, đất tại các KDC tự phát càng thêm khó khăn. Chưa kể việc giao dịch nhà, đất bằng giấy viết tay dễ dẫn đến “trắng tay” khi phát sinh tranh chấp.
Để lập lại trật tự, xử lý các KDC tự phát làm phá vỡ quy hoạch tổng thể của địa phương, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo TX.Dĩ An cho biết: Do vị trí TX.Dĩ An và TX.Thuận An giáp với TPHCM, Đồng Nai, đông dân nhập cư, nên nhu cầu về chỗ ở trên địa bàn rất lớn. Hiện tại, TX.Dĩ An có hơn 10.000 lô đất đã được bán cho hộ gia đình, cá nhân, phần lớn là người nhập cư. Hầu hết các vị trí thửa đất đều chưa được cấp “sổ đỏ”.
Qua nhiều năm, địa phương này đã hình thành tới 259 vị trí đất, với tổng diện tích 85,4 héc-ta KDC tự phát. Trong đó, có 235 vị trí phù hợp, 24 vị trí không phù hợp quy hoạch, với các đặc điểm như: hạ tầng không đồng bộ, chủ yếu là đường tự mở, không có hệ thống cấp thoát nước, điện không đủ công suất, không có vỉa hè hoặc bị lấn chiếm...
Đặc biệt, về mặt pháp lý thì các lô đất được phân lô không có “sổ đỏ” riêng mà sử dụng chung “sổ đỏ” của chủ đất cũ. Người dân mua chủ yếu thông qua giấy viết tay, không đủ điều kiện để tách thửa, cấp “sổ đỏ” mới.
Một lãnh đạo TX.Dĩ An, Bình Dương:
UBND TX.Dĩ An đã ra nghị quyết về việc chỉnh trang và cấp “sổ đỏ” cho các KDC tự phát. Theo đó, các phường, xã triển khai đồng loạt theo hướng người dân sẽ hiến mặt bằng và đóng góp kinh phí để mở rộng hẻm đủ rộng từ 4-6m, đầu tư hạ tầng (điện, nước) kết nối vào KDC. Sau khi hoàn thành nâng cấp hạ tầng, chính quyền sẽ xem xét cấp “sổ đỏ” riêng cho từng lô đất để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Thị xã Dĩ An phấn đấu đến năm 2020, sẽ có 50% KDC tự phát hiện hữu phù hợp sẽ được chỉnh trang và 100% hộ dân sử dụng đất không tranh chấp sau chỉnh trang sẽ được cấp “sổ đỏ”. Từng bước và tiến tới xóa bỏ các khu nhà ở manh mún, không phù hợp với quy hoạch, góp phần xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị để TX.Dĩ An đủ điều kiện trở thành đô thị loại II vào năm 2020.