Một sai lầm khi uống nước dễ dẫn đến suy thận

Nhiều người nhập viện trong tình trạng tê bì, co quắp chân tay do làm làm việc kéo dài dưới nắng nóng mà không bù đủ nước.

 Bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên thăm khám cho bệnh nhân bị rối loạn điện giải, tiêu cơ vân, suy thận... do mất nước. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên thăm khám cho bệnh nhân bị rối loạn điện giải, tiêu cơ vân, suy thận... do mất nước. Ảnh: BVCC.

Mới đây, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) tiếp nhận 3 trường hợp bị rối loạn điện giải, máu cô đặc, suy thận mạn, tiêu cơ vân do cơ thể mất nước sau nhiều giờ lao động ngoài trời.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân C.A.T. (43 tuổi, trú tại Tân Bình, Đầm Hà). Ông T. được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng đau cứng, tê bì các bắp cơ, co quắp tay chân .

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân N.V.A. (36 tuổi, trú tại xã Điền Xá, Tiên Yên), nhập viện với biểu hiện triệu chứng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đau bụng vùng thượng vị, buồn nôn, nôn khan, khó thở nhẹ, đau mỏi các cơ tay, chân.

Người thứ 3 là bệnh nhân P.P.S. (65 tuổi, trú tại xã Hà Lâu, Tiên Yên), nhập viện trong tình trạng người mệt lả, cứng cơ tay, chân, tê bì các đầu chi.

Các bệnh nhân được chẩn đoán mắc suy thận mạn, tiêu cơ vân do mất nước vì làm việc kéo dài dưới trời nắng nóng. May mắm là sau hơn một tuần được điều trị tích cực bằng cách truyền dịch, bù nước và điện giải, chức năng thận của các bệnh nhân đã ổn định, dự kiến được xuất viện trong 1-2 ngày tới.

Bác sĩ Nình Mạnh Duy, Phó khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Trung tâm Y tế Tiên Yên, cho biết một số triệu chứng của người bị mất nước, rối loạn điện giải bao gồm: Nhức đầu, mệt mỏi, ù tai, hoa mắt, tụt huyết áp, buồn nôn, tim đập nhanh và mạnh, chuột rút, tay chân co quắp, co giật.

Các trường hợp nhẹ có thể điều trị bằng cách bù nước và điện giải, tránh suy thận cấp. Đối với các bệnh nhân mất nước, sốc nhiệt nặng có thể phải lọc máu, điều trị hồi sức tích cực.

Bác sĩ Duy cũng đưa ra các khuyến cáo giúp mọi người giảm thiểu nguy cơ mất nước:

- Hạn chế ra ngoài trong khoảng thời gian nhiệt độ tăng cao (10-17h). Người lao động hoặc di chuyển ngoài trời nên trang bị đầy đủ bảo hộ và áp dụng các biện pháp chống nắng. Bổ sung đủ nước cho cơ thể để bù lượng nước mất đi.

- Ăn thêm hoa quả hoặc uống nước ép trái cây để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

- Hạn chế để quạt gió thổi lùa thẳng vào người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Phòng sử dụng điều hòa nên giữ nhiệt độ 28-29 độ. Hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ phòng có điều hòa ra ngoài trời nắng nóng, hoặc ngược lại.

- Khi tiến hành sơ cứu cho người bị say nắng cần đặt họ ở nơi thoáng mát, có bóng râm càng sớm càng tốt. Tiếp đó thực hiện các thao tác nới lỏng quần áo, chườm mát bằng nước lạnh, bổ sung nước uống hoặc nước orezol. Cuối cùng, đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất cấp cứu để tránh nguy cơ biến chứng nặng do mất nước, mất điện giải.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhieu-nguoi-bi-mat-nuoc-suy-than-do-nang-nong-post1489146.html