Một số bộ bị 'nhắc nhở' về việc trả lời kiến nghị của cử tri
Một số bộ bị 'lạc đề' hoặc không có lộ trình giải quyết kiến nghị của cử tri, nội dung này được Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/10.
Văn bản trả lời “lạc đề”
Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sáng 20/10, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, số lượng kiến nghị của cử tri được tổng hợp gửi đến kỳ họp thứ 9 là 2.390 kiến nghị, tăng 13,7% so với kỳ họp thứ 8. Các kiến nghị của cử tri đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 2.291 kiến nghị được giải quyết, trả lời , đạt 95,86%.
Cung cấp thông tin sâu hơn, ông Dương Thanh Bình cho biết, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế, cụ thể như vẫn còn một số văn bản trả lời chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị.
Theo ông Bình, cử tri tỉnh Thái Bình cho rằng, việc dạy nghề cho lao động nông thôn chủ yếu là tập huấn khoa học kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt, chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu, cấp chứng chỉ và kiểm tra, đánh giá tay nghề cho người học. Cử tri đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chú trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn.
Trả lời cử tri, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ nêu các kết quả đạt được sau 10 năm triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn, các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng chủ yếu là các giải pháp triển khai đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.
“Việc đào tạo nghề chuyên sâu như kiến nghị của cử tri lại chưa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời, trong khi hiện nay, việc nâng cao tay nghề cho người lao động là một vấn đề hết sức quan trọng,cần kíp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tạo cơ sở tiếp cận việc làm cho người lao động. Kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri về việc đào tạo nghề chuyên sâu cho lao động nông thôn”, ông Bình nêu rõ.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình.
Cần có lộ trình giải quyết kiến nghị của cử tri
Bên cạnh đó, ông Bình cũng nêu vấn đề một số bộ, ngành mặc dù chậm trình ban hành hoặc ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền, nhưng khi trả lời cử tri vẫn không có lộ trình cụ thể để giải quyết kiến nghị của cử tri.
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) được nhắc đến trong báo cáo của Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình.
Theo đó, cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị sớm ban hành hướng dẫn về quản lý nhà nước đối với quy hoạch dịch vụ, sản phẩm của ngành giao thông vận tải đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2018...
Trả lời cử tri , Bộ GTVT nêu rõ: thống nhất với cử tri là cần phải ban hành các hướng dẫn, quy định về quản lý nhà nước khi các quy hoạch của ngành GTVT hết hiệu lực. Bộ đã giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu ban hành hoặc trình ban hành các quy định để làm cơ sở thực hiện việc quản lý nhà nước khi các quy hoạch trước đó hết hiệu lực.
Tuy nhiên, đã gần 2 năm sau khi các quy hoạch dịch vụ, sản phẩm của ngành GTVT hết hiệu lực, vấn đề mà cử tri kiến nghị vẫn chỉ là “đang trong quá trình nghiên cứu”. Bộ GTVT cũng chưa nêu rõ kết quả việc nghiên cứu để ban hành quy định, hướng dẫn.
“Kiến nghị Bộ GTVT trả lời rõ với cử tri về việc ban hành những quy định, hướng dẫn sau khi các quy hoạch dịch vụ, sản phẩm của ngành GTVT hết hiệu lực theo Luật Quy hoạch”, ông Bình nói.