Một số cách tiếp cận AI tổng quát dành cho sinh viên báo chí
Trí tuệ nhân tạo - cụ thể là AI sáng tạo là một lĩnh vực rộng lớn mà báo chí không thể không hướng tới trong tương lai. Dưới đây là một số lời khuyên được các chuyên gia báo chí AI trên thế giới đưa ra để giúp các sinh viên báo chí tiếp cận đúng đắn với công nghệ này.
Cách thức hoạt động của AI tổng quát
Thách thức đầu tiên trong việc giảng dạy về AI tổng quát là hầu hết mọi người hiểu sai ý nghĩa thực sự của nó - vì vậy ưu tiên hàng đầu là giải quyết những hiểu lầm đó.
Một hiểu lầm phổ biến là các công cụ AI tổng quát có thể được sử dụng theo cách các công cụ tìm kiếm: nhập câu hỏi; nhận được một câu trả lời. Tuy nhiên, các công cụ như ChatGPT được coi là người kể chuyện thì đúng hơn, tức với ưu tiên là câu chuyện hợp lý hơn là sự thật.
Điều này không có nghĩa là các câu trả lời của các công cụ AI tổng quát đều có thể nên bỏ qua, giống như cách mà một số người bảo các nhà báo không sử dụng Wikipedia. Có nghĩa nó là một nguồn thông tin để tham khảo, cần được xác minh và kiểm chứng lại.
Cũng có thể ví như câu trả lời của những chatbot như ChatGPT giống như một cuốn sách, một bộ phim “dựa trên một câu chuyện có thật”. Bạn cần phải biết yếu tố nào là thật và yếu tố nào được thêm vào để tạo hiệu ứng kịch tính.
Thứ hai, các công cụ AI tổng quát được huấn luyện. Điều này định hình phong cách và giọng điệu những câu chuyện mà chúng kể, có nghĩa chatbot được huấn luyện ở Trung Quốc sẽ có giọng điệu khác chatbot ở Mỹ, qua đó sẽ kèm theo sự thiên vị nhất định.
Ví dụ: Ở cấp độ cơ bản nhất, hầu hết các thuật toán sẽ được huấn luyện về nhiều văn bản tiếng Anh hơn các ngôn ngữ khác, cũng như được tiếp cận với nhiều hình ảnh từ phương Tây. Tại sao? Vì có nhiều tài liệu bằng tiếng Anh hơn các ngôn ngữ khác (90% là tiếng Anh với mô hình GPT-3 của ChatGPT).
Một điểm khác cần lưu ý về dữ liệu huấn luyện là tính cập nhật: Dữ liệu đào tạo của ChatGPT cho đến gần đây mới được cập nhật cho đến năm 2021.
Quy tắc sử dụng AI tổng quát
Đạo văn là một trong những mối lo ngại lớn nhất về ChatGPT và các công cụ tương tự. Vì các công nghệ này có thể cắt xén nhiều nguồn thông tin khác nhau, nên nó có thể trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho kẻ gian lận.
Nhưng yêu cầu sinh viên báo chí không sử dụng ChatGPT là vô lý, điều quan trọng là làm sao để giúp họ làm điều đó tốt và đúng đắn hơn. Nhiều trường đại học trên thế giới đã bắt đầu xuất bản hướng dẫn trên trang web của họ về cách sử dụng các công cụ như ChatGPT.
Một trong những ứng dụng được đánh giá tích cực của AI tổng quát là khả năng soát lỗi. Ví dụ bạn có thể yêu cầu các công cụ như ChatGPT “cho tôi biết bất kỳ lỗi nào tôi cần sửa trong đoạn này, giải thích những gì bạn đã thay đổi và tại sao?”. Đó là lúc AI phát huy tác dụng của mình.
Tất cả chúng ta với tư cách là nhà báo đều biết sự khác biệt lớn như thế nào khi tác phẩm của bạn được biên tập tốt. Và thật tuyệt nếu bạn có một biên tập viên sẵn sàng soát lỗi, chỉnh sửa và giải thích những thay đổi mà họ thực hiện.
Cách đặt câu hỏi và vấn đề đạo đức
Khi AI trở thành một phần của báo chí, các nhà báo sẽ phải có các kỹ năng làm việc với các công cụ AI, giống như trước khi chúng ta phải bắt đầu làm việc với máy tính và mạng internet. AI về cơ bản là một công cụ giúp sẽ tăng tốc và cải thiện công việc của các nhà báo.
Các công cụ như ChatGPT có thể giúp sinh viên nắm bắt được những kiến thức cơ bản trong báo chí như những nội dung mà độc giả cần, phong cách, định dạng và độ dài. Và cũng giống như Google, để tìm được thông tin chính xác, việc đưa ra câu hỏi, sử dụng các từ khóa đúng là rất quan trọng khi sử dụng các công cụ AI tổng quát.
Dạy viết đúng câu hỏi cũng giúp giải quyết các vấn đề đạo đức báo chí. Các nhà báo nên tìm kiếm một cách rõ ràng, thông qua câu hỏi, để các mô hình AI có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất. Nếu không có câu hỏi đúng, rất khó có câu trả lời đúng.
Hiện FlowGPT là một ứng dụng AI sở hữu một cơ sở dữ liệu về câu hỏi có thể được tìm kiếm và sử dụng. Một nguyên tắc đạo đức báo chí khác khi sử dụng AI tổng quát là chúng ta cũng nên luôn nhắc các chatbot đưa ra các nguồn mà nó sử dụng và giải thích những gì nó đã làm và tại sao?
Tạo ý tưởng cho các chủ đề
Các công cụ AI tổng quát cũng có thể cung cấp các ý tưởng khác nhau về một chủ đề nhất định nào đó. Ví dụ, một sai lầm phổ biến của các phóng viên mới ra trường là nghĩ ra ý tưởng để đưa tin về một vấn đề, thay vì một câu chuyện. Ví dụ: “Tôi sẽ viết về tình trạng vô gia cư” không phải là một câu chuyện hay.
Tuy nhiên, các công cụ như ChatGPT hiểu rằng các câu chuyện nổi bật phải có góc độ rõ ràng và các bài báo phải có điều gì đó mới mẻ đang diễn ra. Vì vậy, yêu cầu nó tạo ra ý tưởng về một vấn đề có thể giúp sinh viên báo chí hiểu được 'ý tưởng nổi bật' thực sự là gì.
Một gợi ý hữu ích khác là hỏi xem khía cạnh nào có thể phù hợp với một cuộc điều tra báo chí hoặc khía cạnh nào của một vấn đề có thể phù hợp với một câu chuyện thời sự. Khi được yêu cầu cung cấp nguồn thông tin, các mô hình AI tổng quát có thể gợi ý các loại nguồn mà sinh viên báo chí có thể chưa xem xét.
Tóm tắt, sàng lọc và sắp xếp thông tin
Một trong những cách phổ biến nhất mà mọi người sử dụng AI tổng quát là như một công cung cấp thông tin cơ bản về một chủ đề mà họ cần nắm bắt. Ví dụ: ChatGPT có thể được sử dụng để giải thích các phần khác nhau của một hệ thống phức tạp nhằm có được cái nhìn tổng quan nhanh về hệ thống đó, để sau đó bạn có thể tìm hiểu sâu hơn. Các công cụ AI cũng có thể được sử dụng để tóm tắt các tài liệu hoặc báo cáo dài.
Khả năng lọc và ưu tiên thông tin của AI cũng có tiềm năng rõ ràng đối với các nhà báo. Ngoài những thứ khác, một số công cụ AI cũng cho phép bạn trích xuất thông tin đáng đưa tin từ thông cáo báo chí hoặc bài báo khoa học.
Cuối cùng, các công cụ AI có thể tự động hóa quy trình viết. Cụ thể, người dùng có thể nhập một tập dữ liệu và yêu cầu nó tạo một câu chuyện.
Trong tất cả các trường hợp này, một lần nữa, điều quan trọng cần nhớ là AI có khả năng gây ảo giác và bịa ra những thứ không có trong dữ liệu của bạn. Bạn sẽ phải xác định mọi sự thật và kiểm tra nó.
Hoàng Hải (theo OJB)