Một số chỉ đạo quan trọng của Chính phủ về đầu tư, doanh nghiệp trong tháng 4/2025
Trong tháng 4/2025, Chính phủ ban hành nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển du lịch và thúc đẩy chuyển đổi số, thể hiện quyết tâm duy trì tăng trưởng và hoàn thiện khung pháp lý cho các lĩnh vực kinh tế trọng yếu.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Ngày 05/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 32/CĐ-TTg về việc đôn đốc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo và kịp thời các giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm cả ba Chương trình mục tiêu quốc gia.
Công điện nhấn mạnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia, các tuyến đường cao tốc, dự án liên vùng có tính lan tỏa cao. Việc thúc đẩy giải ngân phải gắn liền với đảm bảo chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.
Thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo tăng trưởng hai con số
Ngày 10/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 34/CĐ-TTg về việc thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt hai con số trong năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, khuyến khích hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, khu du lịch quốc gia và trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm. Ưu tiên phát triển các loại hình như du lịch sức khỏe, nông nghiệp, sinh thái, nghỉ dưỡng, golf...; thúc đẩy tổ chức sự kiện quốc tế, hội thảo (MICE) và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật gắn với công nghiệp giải trí để tăng sức hút du lịch.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; chủ động triển khai Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 và những năm tiếp theo. Công tác xúc tiến cần được đổi mới về nội dung, hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm tính thống nhất, chuyên nghiệp và hiệu quả trong nước và quốc tế.
Công điện cũng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng, định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh đặc trưng, độc đáo và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục làm mới, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống; đẩy mạnh xuất khẩu; khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Tăng cường giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2025 về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính doanh nghiệp của các Cơ quan đại diện chủ sở hữu đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu rà soát phạm vi, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp...
Quy định mới về đầu tư công theo ngành, lĩnh vực
Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2025/NĐ-CP ngày 8/4/2025 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
Nghị định quy định vốn đầu tư công được bố trí cho các đối tượng đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công và được phân theo ngành, lĩnh vực: Quốc phòng; an ninh và trật tự, an toàn xã hội; giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; khoa học, công nghệ; y tế, dân số và gia đình; văn hóa, thông tin; phát thanh, truyền hình, thông tấn; thể dục, thể thao; bảo vệ môi trường; các hoạt động kinh tế; hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; xã hội; các nhiệm vụ, chương trình, dự án khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định 86/2025/NĐ-CP nêu rõ, Bộ Công Thương xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm khả năng xảy ra vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành, nghề để phòng, tránh và chuẩn bị ứng phó với các vụ kiện.
Phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu
Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2025/NĐ-CP ngày 11/4/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Nghị định quy định nguyên tắc xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như sau:
Hoạt động trợ giúp thương nhân Việt Nam bị nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại quy định tại Điều 76 của Luật Quản lý ngoại thương được thực hiện trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của thương nhân Việt Nam, hiệp hội ngành, nghề liên quan.
Việc khởi kiện nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu quy định tại Điều 108 Nghị định này được Bộ Công Thương thực hiện dựa trên cơ sở thông tin thu thập và sau khi phối hợp, trao đổi các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án khởi kiện.
Điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hạ tầng mạng 5G
Ngày 13/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo Nghị định, doanh nghiệp viễn thông sẽ được hỗ trợ triển khai hạ tầng mạng 5G nếu đáp ứng các điều kiện sau: Hoàn thành triển khai ít nhất 20.000 trạm phát sóng 5G trên toàn quốc (tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), được nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong giai đoạn từ 19/2/2025 đến 31/12/2025; Trạm 5G lắp đặt tại các vị trí hạ tầng sẵn có hoặc mới triển khai, mỗi trạm chỉ được tính cho một nhà mạng duy nhất; Trạm 5G phải được lắp đặt ngoài trời, sử dụng các thiết bị 64T64R, 32T32R, 16T16R, 8T8R hoặc 4T4R. Mỗi trạm yêu cầu có ít nhất một khối thu phát vô tuyến; Doanh nghiệp viễn thông phải đề xuất kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ triển khai hạ tầng mạng 5G gửi Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định.
Xác định doanh nghiệp có quy mô lớn để kiểm toán bắt buộc
Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2025/NĐ-CP ngày 14/4/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kiểm toán độc lập.
Nghị định số 90/2025/NĐ-CP bổ sung hướng dẫn tiêu chí để xác định đơn vị được kiểm toán là các doanh nghiệp có quy mô lớn quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập.
Cụ thể, Nghị định số 90/2025/NĐ-CP bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định số 17/2012/NĐ-CP quy định đơn vị được kiểm toán gồm: Doanh nghiệp khác có quy mô lớn theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập thỏa mãn ít nhất 2 trong 3 tiêu chí sau: Có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm trên 200 người trở lên, có tổng doanh thu của năm trên 300 tỷ đồng trở lên, có tổng tài sản trên 100 tỷ đồng trở lên.