Một số cơ chế bảo hộ liên quan đến tri thức truyền thống
Việc bảo vệ tri thức truyền thống tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết do những thách thức lớn mà nó đang phải đối mặt. Thực tế, cần phải có một khung pháp lý rõ ràng để tri thức truyền thống không bị khai thác không công bằng và khó bảo vệ quyền lợi cho các cộng đồng bản địa.
Trên thực tế, nhiều tri thức truyền thống (Traditional Knowledge - TK) như các bài thuốc cổ truyền, các món ăn đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công từ các làng nghề, hay những bí quyết gia truyền độc đáo đã và đang mang những giá trị tinh thần và thương mại đáng kể. Tri thức truyền thống có thể được coi là kết quả của quá trình sáng tạo liên tục qua nhiều thế hệ, phát triển dựa trên kinh nghiệm và sự kiểm chứng thực tế. Mặc dù ban đầu được hình thành chủ yếu để phục vụ lợi ích của một cộng đồng cụ thể và không nhằm mục đích kinh doanh, nhưng qua quá trình phát triển của đời sống xã hội, những tri thức này được điều chỉnh để thích nghi với môi trường bên ngoài. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organisation – WIPO) đã đưa ra một cách hiểu về tri thức truyền thống như sau: là kiến thức, bí quyết, kỹ năng và thực hành được phát triển, duy trì và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong một cộng đồng, thường tạo thành một phần bản sắc văn hóa hoặc tinh thần của cộng đồng đó.
Việc cấp quyền sở hữu trí tuệ cho tri thức truyền thống là một vấn đề phức tạp và thường khác biệt so với việc bảo hộ các đối tượng mang tính sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp như sáng chế, nhãn hiệu,… hoặc quyền tác giả. Tri thức truyền thống thường không đáp ứng các tiêu chuẩn thông thường của đối tượng sở hữu công nghiệp như mang đặc tính sáng tạo về kỹ thuật, đáp ứng các yêu cầu về tính mới, khả năng áp dụng trong công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có một số cơ chế bảo hộ liên quan đến tri thức truyền thống, mặc dù chúng không trực tiếp được cấp quyền sở hữu trí tuệ theo cách thông thường như sau:
Bảo hộ thông qua chỉ dẫn địa lý
Tại Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2019 có quy định "Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể". Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 79 và quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Điều 88 của luật này. Do đó, chỉ dẫn địa lý có thể bảo hộ tri thức truyền thống bằng cách bảo vệ các sản phẩm có xuất xứ từ một khu vực địa lý cụ thể, nơi tri thức truyền thống đó được phát triển và gìn giữ. Chỉ dẫn địa lý bảo vệ danh tiếng và đặc trưng của sản phẩm gắn liền với vùng địa lý đó.
Nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận
Nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận được quy định tại Điều 4 Luật SHTT và quyền đăng ký nhãn hiệu tại Điều 87 của luật này. Hình thức này có thể được sử dụng để bảo vệ tri thức truyền thống. Một cộng đồng có thể đăng ký nhãn hiệu tập thể để bảo vệ sản phẩm truyền thống của mình, đảm bảo rằng chỉ những sản phẩm tuân thủ quy chế, các tiêu chuẩn nhất định mới được gắn nhãn hiệu này (quy định tại Khoản 4, Điều 105 Luật SHTT năm 2019). Ví dụ Bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu tập thể:
Nhãn hiệu tập thể "ABC": Được đăng ký và bảo hộ như một nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu này thuộc sở hữu của Hiệp hội Chè ABC. Các thành viên của Hiệp hội có quyền sử dụng nhãn hiệu này trên sản phẩm chè của mình nếu họ tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng và quy trình sản xuất đã được Hiệp hội đặt ra.
Bảo vệ và phát triển thương hiệu: Nhãn hiệu tập thể "ABC" giúp bảo vệ uy tín và chất lượng của sản phẩm chè ABC, đồng thời ngăn chặn việc sử dụng tên "ABC" trên các sản phẩm chè không đáp ứng các tiêu chuẩn đã đặt ra. Điều này giúp duy trì và phát huy giá trị của tri thức truyền thống liên quan đến sản xuất chè tại địa phương ABC.
Bảo vệ bí mật kinh doanh
Một số khía cạnh của tri thức truyền thống, đặc biệt là các công thức hoặc quy trình sản xuất bí mật, có thể được bảo vệ dưới dạng bí mật kinh doanh. Điều này đòi hỏi phải có các biện pháp hợp lý để giữ bí mật, và quyền bảo hộ tồn tại cho đến khi thông tin vẫn còn là bí mật (quy định tại Điều 84. Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ Luật SHTT năm 2019).
Công nhận và bảo vệ trong luật di sản văn hóa
Nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, bảo vệ tri thức truyền thống như một phần của di sản văn hóa phi vật thể. Tuy không cấp quyền sở hữu trí tuệ theo nghĩa truyền thống, nhưng Luật di sản văn hóa và Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (năm 2003) vẫn đảm bảo rằng tri thức này được tôn vinh, bảo tồn và không bị sử dụng trái phép. Điển hình, trong tháng 8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các quyết định số 2326/QĐ-BVHTTDL công bố đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với "Tri thức dân gian Phở Nam Định tỉnh Nam Định" và Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL đối với "Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".
Quyền tiếp cận và chia sẻ lợi ích (Access and Benefit-Sharing - ABS)
Trong bối cảnh quốc tế, ABS là một công cụ quan trọng để bảo vệ và phát triển bền vững tri thức truyền thống. Quyền tiếp cận và chia sẻ lợi ích (ABS) là một nguyên tắc quan trọng trong việc bảo vệ tri thức truyền thống và tài nguyên sinh học, đảm bảo rằng lợi ích từ việc sử dụng các tài nguyên này được phân bổ công bằng. ABS xuất phát từ Công ước về Đa dạng Sinh học (CBD) năm 1992, và được cụ thể hóa trong Nghị định thư Nagoya (năm 2010). Các thỏa thuận ABS yêu cầu người sử dụng tài nguyên gen phải được sự đồng ý và đàm phán với quốc gia sở hữu thông qua hợp đồng MAT (Mutually Agreed Terms). ABS cũng liên quan mật thiết đến quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo rằng các cộng đồng bản địa được chia sẻ lợi ích từ việc thương mại hóa tri thức truyền thống. Tuy nhiên, thách thức lớn trong việc thực thi ABS là thiếu nhận thức, sự khác biệt pháp lý giữa các quốc gia, và việc bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng bản địa.
Tranh chấp và bảo đảm quyền lợi liên quan đến tri thức truyền thống
Tranh chấp và bảo đảm quyền lợi liên quan đến tri thức truyền thống là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm, do tri thức truyền thống thường có nguồn gốc từ cộng đồng và có tính chất tập thể. Các vấn đề thường gặp bao gồm:
Xác định quyền sở hữu
Chủ thể quyền sở hữu: tri thức truyền thống thường thuộc về cộng đồng hoặc nhóm người thay vì cá nhân, điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định ai có quyền sở hữu và quyền đại diện trong các tranh chấp.
Chồng chéo quyền lợi: Nhiều nhóm hoặc cộng đồng có thể tuyên bố quyền sở hữu cùng một loại tri thức, dẫn đến tranh chấp về ai là người có quyền bảo hộ hoặc sử dụng tri thức đó.
Sử dụng và khai thác thương mại
Sử dụng không công bằng: Một trong những vấn đề phổ biến là việc các công ty hoặc cá nhân sử dụng tri thức truyền thống cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của cộng đồng sở hữu tri thức đó, dẫn đến tình trạng "chiếm đoạt văn hóa" (cultural appropriation).
Lợi nhuận không công bằng: Khi tri thức truyền thống được thương mại hóa, cộng đồng sở hữu có thể không nhận được phần lợi nhuận xứng đáng hoặc bị loại bỏ khỏi các quyết định liên quan đến việc sử dụng tri thức của họ.
Bảo hộ và bảo vệ quyền lợi
Khó khăn trong bảo hộ pháp lý: Hệ thống pháp luật hiện nay, đặc biệt là luật sở hữu trí tuệ, thường không phù hợp hoặc không đủ để bảo vệ tri thức truyền thống, do tính chất đặc thù và tập thể của nó.
Thiếu cơ chế giải quyết tranh chấp: Trong nhiều trường hợp, thiếu các cơ chế hiệu quả để giải quyết tranh chấp liên quan đến tri thức truyền thống, dẫn đến việc các bên có thể phải dựa vào các giải pháp ngoài tòa án hoặc thông qua các tổ chức quốc tế.
Giải quyết các tranh chấp liên quan đến tri thức truyền thống
Giải quyết các tranh chấp liên quan đến tri thức truyền thống (TTTT) cần dựa trên các căn cứ pháp lý ở cả cấp quốc gia và quốc tế. Dưới đây là một số căn cứ pháp lý chính:
Các công ước quốc tế
Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (năm 2003); Công ước về Đa dạng sinh học (CBD, năm 1992); Nghị định thư Nagoya (năm 2010); Công ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về Quyền Sở hữu Trí tuệ (IP): WIPO đã triển khai nhiều sáng kiến nhằm xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo hộ tri thức truyền thống và tri thức bản địa thông qua các hiệp định quốc tế và các hướng dẫn về bảo hộ.
Pháp luật Việt Nam
Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019): Luật này có thể bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến tri thức truyền thống, bao gồm quyền tác giả, và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, cần có những điều khoản chi tiết hơn để phù hợp với đặc thù của tri thức truyền thống.
Luật Di sản văn hóa Việt Nam (năm 2001, sửa đổi năm 2009): Luật này cung cấp các quy định về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bao gồm cả di sản văn hóa phi vật thể. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ tri thức truyền thống và giải quyết tranh chấp liên quan.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ môi trường: Những luật này có thể được áp dụng trong các tranh chấp liên quan đến việc sử dụng tri thức truyền thống trong sản phẩm thương mại và tác động đến môi trường hoặc cộng đồng sở hữu tri thức.
Cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án
Hòa giải và trọng tài: Các bên có thể sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, như hòa giải hoặc trọng tài, để giải quyết tranh chấp liên quan đến tri thức truyền thống một cách linh hoạt và ít tốn kém hơn so với quy trình tư pháp thông thường.
Tổng quan, để bảo vệ tri thức truyền thống, ngoài việc cần hoàn thiện các khung pháp lý, cần hỗ trợ phát triển bền vững bằng cách sử dụng tri thức truyền thống hiệu quả trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đảm bảo các cộng đồng được hưởng lợi từ việc thương mại hóa tri thức, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. Thúc đẩy sự kết hợp giữa tri thức truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra giá trị mới. Cuối cùng, nâng cao giáo dục và nhận thức về tầm quan trọng của tri thức truyền thống bảo tồn và truyền tải các giá trị văn hóa, phát triển kinh tế bền vững cho các thế hệ tương lai.
Việc bảo vệ tri thức truyền thống tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết do những thách thức lớn mà nó đang phải đối mặt. Thực tế, cần phải có một khung pháp lý rõ ràng để tri thức truyền thống không bị khai thác không công bằng và khó bảo vệ quyền lợi cho các cộng đồng bản địa. Sự phức tạp trong việc xác định chủ sở hữu và phạm vi bảo hộ càng làm tăng nguy cơ tri thức này bị lợi dụng mà không có sự đền bù thỏa đáng. Đồng thời, các cộng đồng sở hữu tri thức truyền thống thường thiếu nguồn lực và kiến thức để tự bảo vệ mình. Vì vậy, nếu không có các biện pháp bảo vệ kịp thời, giá trị của tri thức truyền thống có thể bị suy giảm và mất đi trong quá trình phát triển, làm mất mát một phần quan trọng của di sản văn hóa dân tộc. Do đó, cần phải có các cơ chế bảo hộ toàn diện và bền vững để bảo tồn và phát huy giá trị của tri thức truyền thống trong bối cảnh hiện đại.